• Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030

Góp phần phát triển giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ Dự án 5

21/09/2023 05:11 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 21/09/2023 | 05:11

STO - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (viết tắt là Chương trình) đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Trong đó, từ việc triển khai thực hiện Dự án 5 của Chương trình, đã từng bước phát triển giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương là dự án thành phần của Chương trình gồm 3 tiểu dự án. Đồng thời là dự án thành phần có kinh phí thực hiện cao nhất trong 9 dự án thuộc Chương trình giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh với nguồn vốn được bố trí trên 193,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đầu tư đã góp phần bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cho một số trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

Từ nguồn vốn thực hiện Dự án 5, nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được đầu tư cơ sở vật chất, qua đó phục vụ tốt nhu cầu dạy và học. Ảnh: TẤN PHÁT

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Kế Sách là 1 trong 5 trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy từ nguồn vốn của Dự án 5. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2023, trường được bố trí trên 6,8 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trường đã tiến hành xây dựng mới 3 nhà công vụ, 2 phòng học, 1 nhà ăn, nhà bếp, kho bếp, xây dựng mái che sân trường. Và trường đang tiếp tục đầu tư, mua sắm các thiết bị phục vụ chuyển đổi số giáo dục, máy vi tính phục vụ giảng dạy và quản lý, xây mới lò đốt rác, sân bi sắt, mái che khu vực nhà ăn...

Thầy Kiêm Hươl - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Kế Sách chia sẻ: “Trường hiện có quy mô 8 lớp học với trên 260 học sinh. Trước đây, do chỉ có 7 phòng học nên Ban Giám hiệu nhà trường phải trưng dụng 1 phòng chuyên môn để đảm bảo số lượng lớp học. Nay từ nguồn vốn của Chương trình, trường được đầu tư xây mới 2 phòng học và nhiều hạng mục khác nên thầy, cô giáo và các em học sinh rất vui. Sự đầu tư của Chương trình sẽ góp phần rất lớn trong công tác dạy và học của trường”.

Nhiều công trình phòng học, phục vụ ăn, ở, sinh hoạt được đầu tư xây dựng mới cũng tạo cho các em học sinh sự phấn khởi. Em Lý Huỳnh Ngọc Trân, lớp 9B cho biết: “Bước vào năm học mới, có phòng học mới, nhà ăn mới, có mái che sân trường nên em và các bạn rất vui. Em hứa sẽ luôn cố gắng học tập thật giỏi để không phụ lòng thầy cô và các cô, chú lãnh đạo đã quan tâm, tạo điều kiện cho chúng em có một môi trường học tập tốt”.

Theo đồng chí Lý Rotha - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh - cơ quan Thường trực của Chương trình, thực hiện Dự án 5, tỉnh đã xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 5 trường phổ thông dân tộc nội trú (tại các huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Long Phú và Thạnh Trị), tổ chức tập huấn cho 625 đại biểu là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường phổ thông dân tộc nội trú về công tác quản lý, năng lực quản lý tài chính, tài sản, công tác chủ nhiệm. Đồng thời tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc, công tác dân tộc cho 1.138 lượt cán bộ, công chức, viên chức...

Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa cho 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình, mua sắm thiết bị đào tạo nghề cho 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tổ chức 100 lớp đào tạo nghề cho 2.280 học viên với nhiều ngành nghề. Điển hình như Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng trong năm 2022 đã được đầu tư gần 3 tỷ đồng để mua sắm, bổ sung trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy một số nghề như quản trị mạng, kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính. Từ sự đầu tư đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực cho địa phương. Trong năm 2023, với nguồn vốn được giao trên 8,5 tỷ đồng, trường tiếp tục đầu tư cho các ngành nghề còn lại.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Dự án 5 đã góp phần chuẩn hóa cơ sở vật chất của các trường phổ thông dân tộc nội trú, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh. Từ đó, từng bước đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự nghiệp đổi mới của đất nước.

TẤN PHÁT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: