• Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030

Huyện Long Phú tập trung thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

27/08/2023 08:20 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 27/08/2023 | 08:20

STO - Huyện Long Phú là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng, trong đó tỷ lệ đồng bào Khmer trên 25.900 người, chiếm trên 27,4% dân số toàn huyện. Nhờ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025, đời sống đồng bào Khmer trong huyện ngày càng khởi sắc.

Theo đồng chí Thạch Hoàng Tha - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Long Phú, toàn huyện có 9 xã, 2 thị trấn với 61 ấp, trong đó có 2 xã khu vực III, 2 xã khu vực I và 12 ấp đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Chương trình). Để thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ và người dân. Trong đó, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh huyện tổ chức tuyên truyền bằng tiếng Khmer vào ngày thứ Hai hằng tuần với thời lượng từ 3 - 5 phút và tiếp sóng qua hệ thống loa truyền thanh của xã, thị trấn; các xã, thị trấn lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp. Đồng thời, Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện, ban quản trị các điểm chùa trên địa bàn huyện và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên tuyên truyền trong đồng bào Khmer, phật tử vào các ngày 15 và 30 âm lịch hằng tháng bằng tiếng Khmer qua tờ bướm tuyên truyền do Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng phát hành.

Cơ sở hạ tầng vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khang trang. Ảnh: TẤN PHÁT

Từ công tác tuyên truyền đã phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong thực hiện Chương trình. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong huyện luôn phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung các nguồn lực, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình và các chương trình, dự án chính sách dân tộc có liên quan. Từ năm 2022 đến nay, huyện Long Phú đã tập trung triển khai hỗ trợ Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Qua đó đã triển khai xây dựng 49 căn nhà ở cho hộ Khmer nghèo từ nguồn vốn được phân bổ năm 2022 và tiếp tục giải ngân trên 2,8 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào Khmer nghèo từ nguồn vốn được phân bổ năm 2023; đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho trên 200 hộ đồng bào Khmer với kinh phí trên 2 tỷ đồng và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 65 hộ với kinh phí gần 200 triệu đồng. Huyện cũng đã giải ngân 740 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3 của Chương trình và dự kiến sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 3 mô hình ở 3 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí thực hiện trên 2,4 tỷ đồng.

Từ các dự án của Chương trình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc Khmer chiếm 11,69% tổng số hộ Khmer trong huyện. Là hộ nghèo dân tộc Khmer, bà Thạch Thị Hiền, ấp Bưng Long, xã Long Phú phấn khởi khi được hỗ trợ nhà ở từ Dự án 1 và hỗ trợ bò từ đồng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo bà Hiền, căn nhà giúp gia đình bà có chỗ ở ổn định, còn việc chăn nuôi bò giúp gia đình vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Song song đó, huyện Long Phú đã quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc thuộc Chương trình. Trong năm 2022, huyện đã giải ngân thực hiện xây dựng 8 công trình giao thông nông thôn với kinh phí thực hiện trên 5,9 tỷ đồng và những tháng đầu năm 2023 đã giải ngân trên 7,3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu ở ấp, xã đặc biệt khó khăn trong tổng số vốn được phân bổ năm 2023 là 8,6 tỷ đồng (tương đương 9 công trình giao thông). Bên cạnh đó, huyện cũng đã giải ngân trên 1 tỷ đồng thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Nhiều công trình giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đã tạo diện mạo khởi sắc cho vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Ông Sơn Phương, ấp Tân Quy B, xã Tân Hưng cho biết: “Trước đây, đường đất trong ấp mùa nắng đi lại dễ dàng nhưng mùa mưa thì sình lầy nên việc di chuyển, nhất là việc vận chuyển hàng hóa, các cháu học sinh đi học rất khó khăn. Nay được Nhà nước đầu tư xây dựng lộ đal rộng rãi, khang trang, bà con trong ấp rất phấn khởi. Trong thời gian tới, tôi cùng bà con trong ấp sẽ trồng hoa dọc tuyến lộ đal, vừa đảm bảo vẻ mỹ quan nông thôn, vừa thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên đồng bào Khmer vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: TẤN PHÁT

Ngoài ra, Phòng Dân tộc đã phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, giải ngân trên 300 triệu đồng thực hiện việc sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy nghề đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Từ đó, góp phần thực hiện Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình.

Đồng chí Thạch Hoàng Tha cho biết thêm, thời gian tới, Phòng Dân tộc huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 34-KH/HU của Huyện ủy Long Phú về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 9/7/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Song song đó, Phòng Dân tộc huyện sẽ phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về ý nghĩa, mục đích của Chương trình đến đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện, từ đó huy động được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào Khmer trên địa bàn huyện - đối tượng trực tiếp thụ hưởng Chương trình. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình, kịp thời có những kiến nghị, đề xuất để giải quyết, tháo gỡ những vấn đề khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình và tiếp tục triển khai tốt các chính sách ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế.

Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện Long Phú đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số từng bước hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện không ngừng được nâng lên.

TẤN PHÁT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: