• Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030

Nâng cao ý thức vì sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

11/12/2023 05:53 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 11/12/2023 | 05:53

STO - Từ ngày 15/11 đến 15/12/2023, Sóc Trăng đang diễn ra tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Điều này ngày càng khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).

Chỉ đạo thống nhất từ Tỉnh hội đến cơ sở

Theo đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh hội luôn gắn nội dung thực hiện bình đẳng giới vào kế hoạch thi đua để triển khai trong các cấp hội. Riêng năm 2023, Tỉnh hội đã tập trung xây dựng, triển khai hoạt động Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” (Đề án 938) - giai đoạn 2023 - 2027. Đồng thời, chú trọng triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Để thực hiện hiệu quả, Tỉnh hội đã quan tâm tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức “Phụ nữ với phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại tình dục trẻ em”; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, xã vùng ĐBDTTS; tập huấn Chương trình 3 về thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng.

Khi đó, các cấp hội còn lồng ghép tuyên truyền được 1.794 cuộc cho 65.766 cán bộ, hội viên phụ nữ về các hoạt động bình đẳng giới, truyền thông của Dự án 8, các hoạt động chuyên ngành của công tác hội, hoạt động phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động đến các cơ sở hội. Tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động 55 tổ, câu lạc bộ về: phòng, chống tảo hôn; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe dạy con ngoan. Từ đó, đã giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân nắm được các kiến thức, nhận thức được vai trò, ý nghĩa trong công tác thực hiện bình đẳng giới và thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở địa phương ngày càng hiệu quả.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng tổ chức sinh hoạt mẫu đối với Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" nhằm thực hiện hiệu quả thay đổi về giới trong trường học. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Không những vậy, Tỉnh hội còn xây dựng kế hoạch giám sát công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được quy định tại Chương III của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Long Phú và thị xã Ngã Năm. Đặc biệt, tổ chức 11 cuộc tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức về kỹ năng phòng, chống bạo lực, phòng chống mua bán người, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em; hướng dẫn sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn trong hội viên, phụ nữ vùng nông thôn, vùng có đông ĐBDTTS, tôn giáo. Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ đã vận dụng những kiến thức mới vào trong thực tiễn và trở thành tuyên truyền viên pháp luật tích cực ở địa phương, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phụ nữ, gia đình.

Ngoài ra, các cấp hội đã duy trì hoạt động hiệu quả 11 tổ phản ứng nhanh phòng, chống xâm hại trẻ em (220 thành viên). Đây là lực lượng nòng cốt, chủ động tích cực tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em tại các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp trong tham mưu, xử lý kịp thời khi có các vụ việc xảy ra trên địa bàn, hạn chế thấp nhất trẻ bị tổn thương về thể chất và tinh thần.

Mục tiêu bình đẳng giới

Vì mục tiêu của sự bình đẳng về giới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức phối hợp thực hiện, nhất là vùng ĐBDTTS. Ở cấp tỉnh, việc thực hiện công tác bình đẳng giới, đa số là cán bộ, lãnh đạo, quản lý nữ nên việc nắm, thấu hiểu và triển khai thực hiện ngày càng sâu sát, hiệu quả hơn. Toàn tỉnh hiện có 7.688 hộ nghèo do nữ làm chủ hộ, 1.327 hộ hội viên nghèo làm chủ hộ và các cấp hội đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ 218 hội viên phụ nữ thoát nghèo, 545 hộ thoát cận nghèo bằng các mô hình kinh tế cụ thể. Hội còn vận động thêm các thành viên tham gia tổ, nhóm, câu lạc bộ hiện có giúp các hộ hội viên phụ nữ cận nghèo, hộ nghèo khác giảm bớt một số khó khăn trong cuộc sống bằng nhiều hình thức như: tương trợ giúp nhau bằng 380 ngày công, hơn 3.000 cây, con giống; vốn vay tại các tổ, nhóm do hội cơ sở quản lý; tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội miễn phí.

Muốn đảm bảo về kinh tế, đòi hỏi chị em phải có việc làm ổn định. Do vậy, các cấp hội đã phối hợp mở 37 lớp dạy nghề; giới thiệu việc làm cho 373 chị tại các cơ sở, công ty trong, ngoài tỉnh; tổ chức tuyên truyền các thủ tục, chính sách ưu đãi của Nhà nước ưu tiên cho lao động làm việc nước ngoài; hỗ trợ 488 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Trong năm, các cấp đã thành lập 17 tổ hợp tác có 210 thành viên; ra mắt 8 tổ phụ nữ “Nuôi heo sinh sản”; thành lập mới 22 tổ phụ nữ đan đát…

Các cấp hội phụ nữ luôn quan tâm chăm lo, hỗ trợ đối với phụ nữ nghèo, khó khăn, nhất là vùng ĐBDTTS. Ảnh: SỚM MAI

Các cấp hội chú trọng tổ chức tuyên truyền, vận động cho cán bộ hội, đảng viên, hội viên phụ nữ chấp hành nghiêm pháp luật phòng, chống mua bán người; nghiêm cấm tham gia hoạt động tội phạm công nghệ cao, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, Luật An ninh mạng, đặc biệt là hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với nhiều hình thức. Tổ chức 11 cuộc tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức về kỹ năng phòng, chống bạo lực, phòng chống mua bán người, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em; hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn cho phụ nữ vùng nông thôn, vùng có đông ĐBDTTS, tôn giáo. Thực hiện Dự án 8, Tỉnh hội đã ra mắt 14 “Địa chỉ tin cậy” tại 9 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh (mỗi địa chỉ có 10 thành viên), nhằm giúp đỡ kịp thời, hỗ trợ tại chỗ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Thực tế, tình hình bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em diễn biến khó lường, trong năm, các cấp hội kết nối hỗ trợ trên 30 trường hợp phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh hội hiện đang tiếp tục thực hiện Dự án 8, Đề án 938 và chỉ đạo các cấp hội tranh thủ các nguồn lực góp phần tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh, vì sự bình đẳng giới của phụ nữ.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: