• Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030

Quan tâm chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer ở huyện Thạnh Trị

28/04/2023 04:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 28/04/2023 | 04:00

STO - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer toàn huyện đã có những chuyển biến tích cực.

Toàn huyện Thạnh Trị có 8 xã, 2 thị trấn với hơn 23.000 hộ dân, trong đó, hộ dân tộc Khmer là 8.286, chiếm tỷ lệ trên 35% dân số toàn huyện. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tập trung triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn huyện. Kết quả đã triển khai xây dựng 7 công trình hạ tầng giao thông nông thôn (2 lộ giao thông và 5 cây cầu)  tại xã Thạnh Tân, Châu Hưng và thị trấn Hưng Lợi, với tổng vốn giải ngân trên 4,3 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đồng thời, huyện đã xét hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 23 hộ đồng bào Khmer xã Tuân Tức với tổng vốn giải ngân trên 230 triệu đồng.

Xã Thạnh Tân là địa phương có đông đồng bào Khmer, chiếm tỷ lệ trên 45% dân số toàn xã. Trong năm 2022, nhờ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà người dân ấp B1 có cầu giao thông nông thôn mới phục vụ việc đi lại, thông thương. Bà Nguyễn Thị Nhị, ấp B1 chia sẻ: “Trước đây, cầu giao thông cũ hẹp, đường dẫn lên cầu có khúc cua gắt nên việc di chuyển của người dân khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Giờ cầu mới rộng hơn, đường dẫn lên cầu cũng được mở rộng nên người dân khu vực ấp thấy rất vui, phấn khởi. Diện mạo nông thôn nhờ vậy mà cũng khởi sắc hơn”.

Hạ tầng giao thông nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thạnh Trị ngày càng được nâng lên. Ảnh: TẤN PHÁT

Theo đồng chí Đoàn Thanh Những - Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, từ năm 2022 đến nay, nhờ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã xây dựng được 2 công trình cầu giao thông nông thôn với tổng kinh phí thực hiện trên 1,6 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ địa phương trong việc hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn này, cũng đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 10 hộ dân trên địa bàn và hiện đang làm thủ tục hỗ trợ 11 hộ dân tộc thiểu số chuyển đổi ngành nghề với kinh phí 110 triệu đồng. Ngoài ra, xã cũng đã tranh thủ lồng ghép vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho 11 hộ dân tộc thiểu số đa dạng hóa sinh kế. Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo trên địa bàn xã, hiện toàn xã chỉ còn 32 hộ Khmer nghèo.

Cùng với các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền địa phương trong huyện Thạnh Trị còn tích cực phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 - 2023, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Kết quả, trong năm 2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 86 hộ dân tộc thiểu số với số tiền trên 4,9 tỷ đồng. Phòng Dân tộc huyện cũng đã phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 409 người, giải quyết việc làm cho 767 người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Chị Danh Thị Liêu, ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị cho biết: “Kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào việc chăn nuôi bò và làm thuê của chồng. Trước đây, gia đình tôi chỉ có 1 con bò nhưng nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách 20 triệu đồng nên mua thêm 1 con bò. Những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số làm gia đình tôi cảm thấy vui mừng, phấn khởi. Giờ gia đình tập trung phát triển đàn bò, nỗ lực lao động để cuộc sống ngày càng ổn định”.

Theo đồng chí Liêu Trinh Húy - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Thạnh Trị, nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer toàn huyện xuống còn 8,41%. Trong năm 2023, Phòng Dân tộc huyện sẽ tiếp tục giải ngân nguồn vốn từ Chương trình thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 133 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 120 hộ dân tộc thiểu số. Đồng thời, triển khai thực hiện hỗ trợ đất ở cho 23 hộ, hỗ trợ nhà ở 78 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 51 hộ dân tộc thiểu số khi có định mức hỗ trợ.

 Đồng bào Khmer vươn lên phát triển kinh tế nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Ảnh: TẤN PHÁT

Song song đó, cấp ủy, chính quyền huyện Thạnh Trị thường xuyên tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho người có uy tín, chức sắc tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả đã phối hợp tổ chức hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 cho hơn 160 achar, ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, cán bộ làm công tác dân tộc và người có uy tín trên địa bàn huyện; tổ chức hội nghị tuyên truyền đề án Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025 cho trên 100 cán bộ, người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số cho các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Thạnh Trị.

Việc duy trì tiếng nói, chữ viết Khmer được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của hội khuyến học địa phương, ban quản trị các chùa đã góp phần duy trì các lớp dạy chữ và tiếng Khmer, giúp con em đồng bào Khmer nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xem việc học tập tiếng nói, chữ viết Khmer là nhu cầu, nguyện vọng thiết thực, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên. Toàn huyện có 10/10 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, 10/10 trạm y tế có bác sĩ, 74/74 ấp có cán bộ y tế. Trong năm 2022, huyện đã cấp phát 17.306 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số với kinh phí trên 10,2 tỷ đồng.

Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã cơ bản giải quyết những khó khăn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào Khmer huyện Thạnh Trị. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thạnh Trị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó giúp đồng bào Khmer địa phương có điều kiện lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần đưa vùng có đông đồng bào Khmer trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.

TẤN PHÁT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: