• Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030

Thành phố Sóc Trăng:

Quan tâm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số

29/07/2023 05:29 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 29/07/2023 | 05:29

STO - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) luôn tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Trọng tâm là tập trung triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (viết tắt là Chương trình). Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố không ngừng được nâng lên.

Ông Thạch Sĩ, khóm 1, phường 5, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) vui mừng khi có chiếc xe máy từ nguồn hỗ trợ của Chương trình. Ảnh: TẤN PHÁT

Theo đồng chí Dương Thị Ngọc Diễm - Phó Chủ tịch UBND thành phố, thành phố Sóc Trăng gồm 10 phường với 60 khóm thuộc khu vực I. Dân số toàn thành phố trên 138.000 người, trong đó đồng bào Khmer khoảng 32.500 người, chiếm tỷ lệ trên 23%, dân tộc Hoa trên 17.300 người, chiếm tỷ lệ trên 12% tổng dân số. Thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại địa phương.

Cụ thể, cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố đã tập trung giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình. Kết quả đã giải ngân 500 triệu đồng thực hiện Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, qua đó đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 50 hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn phường 5. Đồng thời giải ngân 1,35 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án 3 của Dự án 5 phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số.

Là hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề từ Chương trình, ông Thạch Sĩ ở khóm 1, phường 5 cho biết: “Trước đây, công việc phụ hồ của tôi gặp không ít khó khăn do không có phương tiện đi lại, chủ yếu di chuyển bằng xe đạp. Nay được chính quyền hỗ trợ 10 triệu đồng mua chiếc xe máy, tôi rất vui mừng. Giờ có phương tiện đi lại nên công việc cũng thuận lợi hơn. Làm việc ở một số địa điểm xa, tôi cũng không còn lo ngại như trước”. Chung niềm vui với ông Thạch Sĩ, bà Dương Kim Ngó, khóm 1, phường 5 cho biết, được hỗ trợ chuyển đổi nghề từ Chương trình là nguồn động lực rất lớn đối với gia đình. Nhờ sự hỗ trợ, bà có điều kiện đóng mới chiếc xe bán xôi, thuận lợi cho việc buôn bán. Bà cũng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, thụ hưởng từ Chương trình.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố cũng đã cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai thực hiện Chương trình; triển khai Hướng dẫn số 01/HD-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình; hội thảo tham vấn xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ triển khai thực hiện chương trình ở các cấp thuộc Tiểu dự án 4, Dự án 5 thuộc Chương trình. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã tập trung thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Đến nay, thành phố có 6 điểm trường dạy tiếng Khmer với 2 cấp học gồm: tiểu học 16 lớp, trung học cơ sở 1 lớp với trên 1.200 học sinh. Đồng thời, khuyến khích và đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn, qua đó trong 6 tháng đầu năm 2023 đã triển khai mở được 8 lớp với 212 học sinh là con em đồng bào Khmer theo học.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Tính đến cuối năm 2022, số hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố chỉ còn 171 hộ, gần 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố Sóc Trăng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc tại địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các chính sách được triển khai kịp thời, đúng đối tượng quy định. Từ đó tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

TẤN PHÁT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: