• Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030

Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

31/10/2023 04:59 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 31/10/2023 | 04:59

STO - Dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I: 2021 - 2025 (viết tắt là Chương trình). Với vai trò chủ trì, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng và hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tập trung tổ chức triển khai các hoạt động, lồng ghép trong thực hiện các nhiệm vụ của hội và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện Dự án 8, các cấp hội LHPN trong tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác truyền thông trong cộng đồng. Ảnh: TẤN PHÁT

Theo đồng chí Trần Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, Dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em được thực hiện tại 42 xã của 9 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, gồm các huyện: Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Châu Thành, Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Trần Đề và 2 thị xã: Vĩnh Châu và Ngã Năm. Để triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 8, ngay từ đầu năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Dự án 8, giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch cụ thể từng năm. Trong đó, hội đã tập trung quán triệt đến hội LHPN các cấp về một số chỉ tiêu chính đến năm 2025 cần đạt, như: thành lập 118 tổ truyền thông cộng đồng; 14 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 40 tổ tiết kiệm vay vốn tự quản được củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới và duy trì hoạt động; 7 tổ hoặc nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất; thành lập 24 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em; tổ chức 58 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm ấp, khóm...

Công tác triển khai, quán triệt đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, xác định vai trò, trách nhiệm của các cấp hội phụ nữ trong tổ chức triển khai thực hiện Dự án 8 và tham gia thực hiện Chương trình. Qua thời gian triển khai Dự án 8, đến nay, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Ban Công tác phía Nam tổ chức đối thoại về chính sách trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình tại huyện Thạnh Trị; chương trình truyền thông Dự án 8 tại Trường Trung học cơ sở Thạnh Thới An, huyện Trần Đề với sự tham gia của hơn 600 hội viên, phụ nữ, người dân và các em học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã thành lập 110 tổ truyền thông cộng đồng, 14 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng có 140 thành viên, 24 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi. Đồng thời tổ chức 42 cuộc truyền thông, tuyên truyền với chủ đề giáo dục nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em tại các khóm, ấp, có hơn 2.100 phụ nữ dân tộc thiểu số trong độ tuổi sinh sản tham dự; 27 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm ấp, khóm được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn và 2 lớp tập huấn cho 50 cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp xã...

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh cũng đã xây dựng chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các cấp, thực hiện trên 500 tin, bài bằng tiếng dân tộc phát trên kênh truyền thanh các xã, phường, thị trấn; tạo điều kiện cho cán bộ hội các cấp, người có uy tín cộng đồng tham dự tập huấn về kỹ năng tham vấn, hỗ trợ nạn nhân địa chỉ tin cậy; hướng dẫn quy trình triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán; nâng cao năng lực lồng ghép giới; ứng dụng khoa học công nghệ và nghiệp vụ ủy thác…

Để hỗ trợ các chỉ tiêu đã thực hiện, đảm bảo tính bền vững của mô hình, hội LHPN các cấp trong tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động theo kế hoạch năm 2022, năm 2023 của Dự án 8 và một số hoạt động khác thu hút hơn 7.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân tham gia. Điển hình như Hội LHPN tỉnh, hội LHPN các huyện là địa bàn thực hiện Dự án 8 đã thành lập các ban điều hành, tổ giúp việc và tiến hành thực hiện khảo sát, thu thập thông tin đầu vào Dự án 8 và rà soát, đánh giá, nắm nhu cầu thực hiện các mô hình; tổ chức 7 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và hoạt động của các mô hình. Đồng thời hỗ trợ mỗi tổ truyền thông cộng đồng kinh phí 3 triệu đồng với tổng số tiền 330 triệu, duy trì tổ chức sinh hoạt 2 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi tại xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề.

Các cấp hội LHPN trong tỉnh Sóc Trăng quan tâm thành lập các mô hình trong triển khai Dự án 8. Ảnh: TẤN PHÁT

Từ đầu năm đến nay, thực hiện Dự án 8, Hội LHPN huyện Mỹ Tú đã tập trung tổ chức triển khai nhiều hoạt động hiệu quả. Theo đồng chí Phạm Thị Bích Ly - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mỹ Tú, trong năm 2023, Hội LHPN huyện được phân bổ kinh phí trên 500 triệu đồng thực hiện Dự án 8. Đến thời điểm hiện tại, hội đã triển khai thực hiện được 7/15 hoạt động của Dự án 8 với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. Cụ thể, các cấp hội trong huyện đã thành lập 10 tổ truyền thông cộng đồng với 100 thành viên tại 3 xã vùng dự án (xã Phú Mỹ, Thuận Hưng, Mỹ Thuận), qua đó nâng tổng số hiện nay trên địa bàn xã vùng dự án có 15 tổ truyền thông cộng đồng. Đồng thời tổ chức 10 cuộc truyền thông với chủ đề xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, 3 cuộc đối thoại giữa chính quyền và các ngành chức năng với hội viên, phụ nữ về những chính sách liên quan phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số; tổ chức 6 cuộc truyền thông nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Ngoài ra, các cấp hội LHPN trong huyện đã thành lập các mô hình trong cộng đồng như: Địa chỉ tin cậy với 10 thành viên tại ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ và Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Mỹ Thuận...

Các mô hình, hoạt động triển khai tại các địa phương trong huyện Mỹ Tú được người dân, phụ nữ đồng tình ủng hộ, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Cô Danh Thị Xinh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tam Sóc B2 cho biết: “Việc triển khai thực hiện các hoạt động Dự án 8 tại địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là giảm nghèo thông tin cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với vai trò thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng ấp Tam Sóc B2, tôi đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, vận động hội viên, phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội”.

Việc triển khai thực hiện Dự án 8 của hội LHPN các cấp thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, để tạo sức lan tỏa sâu rộng về chủ trương và mục tiêu mà Dự án 8 đặt ra, các cấp hội LHPN trong tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan trong triển khai thực hiện Dự án 8; tăng cường công tác tập huấn, thông tin, truyền thông trong cộng đồng và củng cố, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình thuộc dự án.

TẤN PHÁT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: