• Giáo dục nghề nghiệp

Đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn gắn với tăng thu nhập

26/11/2023 09:13 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 26/11/2023 | 09:13

STO - Các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đang góp phần giúp nhiều lao động nữ vùng nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập ổn định. Chính sự phối hợp giữa hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) cơ sở với trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) các huyện, thị xã, thành phố, ngày càng có nhiều phụ nữ ở nông thôn được học nghề theo nhu cầu, sở thích. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, chị em có việc làm, thu nhập ổn định hơn.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, cơ sở hội đã phối hợp các trung tâm GDNN-GDTX mở 37 lớp dạy đan giỏ bằng cỏ năn tượng, đan giỏ nilon, đan giỏ lục bình, kết cườm, may công nghiệp, trồng bắp cải, chăn nuôi bò… cho gần 600 học viên, đạt 336% chỉ tiêu năm 2023. Ngoài ra, hội đã giới thiệu việc làm cho gần 400 chị tại các cơ sở, công ty, cảng cá trong và ngoài tỉnh; trên 60 chị nhận hàng về nhà đan năn tượng, có 420 chị có việc làm tại khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hội cũng tổ chức tuyên truyền các thủ tục, chính sách ưu đãi cho lao động làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... có 230 chị tham gia.

Từ nhu cầu của hội viên, phụ nữ, Hội LHPN xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Long Phú mở được 10 lớp dạy nghề, có 180 lao động nông thôn theo học, đa số là phụ nữ dân tộc Khmer. Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Khánh Lâm Bích Trinh thông tin: “Hội đã phối hợp mở các lớp đan giỏ nilon, thời gian học 22 ngày, lớp kết cườm học 44 ngày. Các lớp này chị em rất thích theo học, vì không khó làm, sau khi học xong đảm bảo có việc làm. Cơ sở Huy Kỳ, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cung ứng nguyên liệu và thu mua toàn bộ sản phẩm làm ra. Rồi người học nghề xong có thể chỉ cho những người trong gia đình làm tiếp. Trong thời gian học, các chị em được hỗ trợ 30.000 đồng/ngày từ chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội”.

Giáo viên hướng dẫn học viên kết hạt cườm cho ra những chiếc túi xách đẹp mắt. Ảnh: NGỌC HẢI

Từ ngày theo học lớp kết cườm, chị Trần Thị Mỹ Loan, ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh không bỏ buổi nào. Đang kết hạt cườm, chị Loan ngước lên nhìn tôi rồi cười tươi: “Sáng tôi bán bánh, chiều rảnh rồi nên theo học đầy đủ. Thấy học nghề này đảm bảo có thu nhập, tôi cùng con trai theo học. Mấy chị đi học trước làm sản phẩm bán kiếm tiền triệu mỗi tháng, tôi thấy cũng ham lắm. Chứ tôi đi bán bánh ngày cũng kiếm tầm 100.000 đồng thôi”.

Tiếp lời, chị Trần Thị Hươl - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trường Thành B cho hay: “Chi hội có gần 400 hội viên. Năm nay, chi hội có 54 hội viên học lớp kết cườm. Các chị rất chịu học, khi thông báo có lớp là các chị đăng ký ngay. Bình quân 1 chiếc túi xách bán từ 280.000 - 300.000 đồng. Như chỗ tôi, tôi có bà chị hay đăng sản phẩm kết cườm lên mạng xã hội, người ta đặt làm bán không kịp luôn đó. Rồi tôi cũng đặt hàng mấy chị làm, để kịp hàng giao cho khách”.

Nhiều năm trước, chị Nguyễn Kỳ Phương - Chủ cơ sở Huy Kỳ cũng tham gia lớp học nghề đan đát, sau đó chị “bén duyên” với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, rồi chị mở cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Theo đơn đặt hàng, chị cũng liên kết với các địa phương giao nguyên liệu cho người gia công. Hằng năm, cơ sở của chị phối hợp với trung tâm GDNN-GDTX các huyện: Kế Sách, Long Phú, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu dạy nghề cho lao động nông thôn.

Nói về “cái duyên” với hàng thủ công mỹ nghệ, chị Phương chia sẻ: “Nhờ được học nghề mà tôi có được như ngày hôm nay. Tôi thấy nhiều lao động nông thôn không có việc làm, công việc thời vụ thu nhập bấp bênh, khi qua các lớp đào tạo nghề này, giải quyết phần nào nỗi lo thu nhập cho lao động. Học viên học xong nếu có đầu ra thì tự mua nguyên liệu làm sản phẩm bán, còn không thì cơ sở của tôi bao tiêu. Tính bình quân, đan giỏ nilon mỗi tháng cũng kiếm thêm 1,2 triệu đồng/người, kết cườm thu nhập 2,1 triệu đồng/người”.

Nhìn chung, số nhiều phụ nữ ở nông thôn không có tư liệu sản xuất thì chỉ làm những công việc thời vụ, có khi chỉ quanh “bếp nhà”. Chính vì vậy, khi được học nghề thì các chị em dễ tìm được việc làm và có khi mở ra cơ hội mới để các chị chuyển đổi ngành nghề, kinh tế ổn định hơn. Không chỉ vậy, hội còn hướng đến kinh tế tập thể. Đến nay, hội LHPN các cấp đã thành lập 7 hợp tác xã, 170 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, mặt hàng thủ công với trên 2.900 thành viên; có 95 tổ ngành nghề với gần 1.500 thành viên. Trong năm 2023, hội phối hợp với Công ty Cổ phần MCF Việt Nam đào tạo và nhận sản phẩm cho 300 hội viên, phụ nữ đan, hằng tháng nhận gia công trên 2.800 sản phẩm.

Với những hoạt động linh hoạt, theo thực tế, nhu cầu của phụ nữ, các cơ sở hội đã góp phần đáng kể thực hiện công tác đào tạo nghề cũng như giải quyết việc làm ở nông thôn, nhất là những lao động nhàn rỗi. Hội phụ nữ còn tập hợp, đoàn kết hội viên, phụ nữ cùng ngành nghề liên kết nâng cao năng suất, chất lượng lao động, tạo đầu ra ổn định sản phẩm mà các chị sản xuất.

NGỌC HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: