• Huyện Châu Thành

Nhớ về vùng đất Vũng Thơm

02/03/2022 04:24 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 02/03/2022 | 04:24

STO - Khi nói đến vùng đất này, một vùng đất có một bề dầy về lịch sử đáng nể, nó không mang vị thế của một thị tứ nhỏ bé mà là một vùng đất hội tụ đủ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bởi ngay từ lúc hình thành, mặc dù Vũng Thơm chỉ là một khu vực dân cư thưa thớt, không “nhất cận thị” nhưng lại có sự phát triển vượt bậc so với các thị tứ xưa kia của tỉnh Sóc Trăng.

Phú Tâm ngày nay. Ảnh: THIÊN LÝ

Nhìn vào tổng thể, vùng đất Vũng Thơm - Phú Nổ, tên gọi xưa kia của xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) ngày nay, vốn có một địa thế cực kỳ quan trọng. Trên trục đất giồng mang tên gọi chung là Phno Khsăk bắt đầu từ xã Phú Mỹ xuyên qua Bố Thảo - Bưng Tróp - An Trạch - Phú Nổ - Kế Sách và kết thúc tại Tập Rèn (thuộc xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Trên trục đất giồng này thì khu vực đất giồng Phú Tâm (Phú Nổ - Vũng Thơm) lại là nơi một dãy đất giồng cao nhất, kéo dài từ địa phận xã Phú Tân ngày nay đến vùng giáp ranh Na Tưng (thuộc thị trấn Kế Sách). Chính vì có được lợi thế đó nên những cư dân đầu tiên của 3 dân tộc anh em (Kinh - Khmer - Hoa) đã nhanh chóng "chung lưng đấu cật" từng bước biến vùng đất giồng hoang vu dần dần thành khu thị tứ sầm uất sánh vai cùng thị tứ Trường Khánh, Bố Thảo, Nhâm Lăng... nức danh một thời. Nếu như ở Giăng Cơ - Trường Khánh nổi danh món thèo lèo, mè láo, Bố Thảo nức tiếng bún nước lèo, Bãi Xàu có bánh tráng Bà Lèo thì Phú Tâm có bánh pía, bánh in, lạp xưởng, mắm Prohok Vũng Thơm, mắm chao Giồng Cát... Những món đặc sản của Vũng Thơm không chỉ nức danh ở Nam kỳ lục tỉnh mà nó còn âm thầm theo chân những người con của Sóc Trăng mang theo hương vị quê nhà len lỏi ra tận quốc ngoại xa xôi.

Nói đến Vũng Thơm (Kompong Thom), ai ai cũng nghĩ đến đầu tiên là món ăn “vang danh thiên hạ”: bánh pía của cư dân người Hoa. Từ khi xuất hiện nhiều năm trước cho đến tận hôm nay, bánh pía vẫn là một món ăn bình dị nhưng hấp dẫn ở mọi lứa tuổi. Bánh pía làm theo mùa (trung thu, Tết) chớ không sản xuất đại trà "quanh năm, suốt tháng" như bây giờ. Bởi thế, nên đám trẻ thời đó chờ tới trung thu “tương đương” với chờ Tết. Chờ để được ăn bánh pía, bánh in.

Vũng Thơm còn một đặc sản nữa là mắm bò hóc óp (Prohok óp). Con mắm được làm bằng cá trê vàng của miệt vùng sâu Giồng Cát (Phú Tâm), Lung Đen (Kế An, Kế Sách). Xưa kia, trên những vùng bưng trũng này lượng cá đồng nhiều vô kể. Mắm bò hóc óp chỉ phù hợp các món nướng, luộc và kèm rau vườn (cải trời, cù nèo, rau mát, rau dừa, hẹ nước...), còn các loại “rau chợ” như xà lách, cải xanh, cải bắp... hình như không “bắt” lắm. Mắm bò hóc óp khá nặng mùi so với mắm cá rô, cá sặc, cá lóc... nên ban đầu rất kén chọn thực khách nhưng khi đã quen mùi rồi thì... “nhứt xứ Ba Xuyên”.

Một điều thú vị là Vũng Thơm xưa là nơi hình thành nghề đan đát truyền thống từ bàn tay tài hoa của những người nông dân Khmer chân lấm tay bùn. Đến các sóc của bà con Khmer, đâu đâu cũng có sự hiện diện của những bụi tre gai bao bọc khắp sóc. Những cây tre già “đúng tuổi” được bà con dùng để cất nhà (cột, kèo, đòn tay...) có khi ở hàng chục năm mới hư hỏng. Gốc tre già được bà con tận dụng làm chân giường, chân chõng tre, đũa... Ngày ngày, cứ sau giờ đồng áng hoặc những lúc nông nhàn, những nghệ nhân chân đất - mà đa số là các cao niên “lão nông tri điền” hạ những cây tre già ưng ý, rồi chẻ, rồi vót, rồi bện, rồi đươn... Cứ như thế, các ông lão nghệ nhân ngày ngày nhàn hạ cặm cụi, thong thả chuốt từng nan tre bé tí tẹo, vót từng cọng tre già đã "lên nước"... để hình thành nên những chiếc sàng, chiếc sịa, rổ xúc, thúng, nơm... vừa đẹp lại vừa bền chắc. Đã có nhiều người nói, các cụ làm không phải vì tiền mà là làm để giết thời gian trong lúc nông nhàn và gần như các cụ gởi gắm tâm hồn của mình trong những sản phẩm ấy và coi những vật dụng ấy là những đứa con tinh thần của mình.

Ngày trước, ở vùng nông thôn thì hầu như nhà nào cũng có những chiếc thúng xúc lúa bền chắc, chiếc sà neng cực đẹp được máng ở bên hông nhà, chiếc nom cá để bên sàn nước… Hình ảnh chiếc thúng xúc để đong lúa mỗi khi xong một vụ mùa, chiếc sà neng chuyên xúc các loại cá hủn hỉn khi vào vụ dọn đất cấy, chiếc nơm chuyên bắt cá ở các lung bào vào những tháng nước rút khi lúa đã trổ đòng đòng... Nhưng những vật dụng ấy giờ hầu như tuyệt tích, nếu còn chăng là những vật dụng được phục chế và được đặt trang trọng trong bảo tàng. Các cụ nghệ nhân xưa đã mất đi và các cụ đã mang theo mình những bí quyết, những kinh nghiệm của mình trong quá trình làm ra những sản phẩm mang đậm nét mỹ thuật dân gian. Đó là một tâm hồn và trái tim của những nghệ nhân chân phương, cao quý.

THIÊN LÝ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: