• Huyện Kế Sách

Hiệu quả từ mô hình trồng môn lấy ngó tại huyện Kế Sách

27/12/2022 04:21 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 27/12/2022 | 04:21

STO - Mô hình trồng môn lấy ngó không phải là mới ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đối với thanh niên huyện Kế Sách (Sóc Trăng), đặc biệt là xã Kế An thì mô hình này vẫn còn mới mẻ. Từ nhu cầu thực tế của thanh niên, Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thẩm định các mô hình để hỗ trợ vốn vay, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình ở nông thôn.

Là một trong những thanh niên nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, anh Huỳnh Văn Ngân, ngụ ấp Xóm Chòi, xã Kế An, huyện Kế Sách biết nhiều về các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng trước đây, với cây môn lấy ngó thì anh chưa từng biết đến bao giờ. Một lần tình cờ anh về Hậu Giang chơi và thấy được mô hình trồng môn lấy ngó của anh bạn mang lại hiệu quả kinh tế cao và có đầu ra ổn định. Các khâu kỹ thuật trồng cũng đơn giản, cây ít sâu bệnh, bón phân cũng ít nên trong lòng anh rất phấn khởi hỏi về quy trình, cách thức trồng, kỹ thuật chăm sóc cũng như giống môn và tìm đầu ra. Được anh bạn giới thiệu chỗ mua giống cũng là thương lái bao tiêu thu mua, anh Ngân thích thú ấp ủ về địa phương mình áp dụng.

Thanh niên Huỳnh Văn Ngân, xã Kế An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đang thu hoạch ngó môn. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đang thu hoạch ngó môn dưới đồng, thanh niên Huỳnh Văn Ngân phấn khởi chia sẻ: “Sau khi tham quan mô hình trồng môn lấy ngó ở Hậu Giang về, tôi mơ ước và lên kế hoạch chuyển đổi đất lúa sang mô hình trồng môn lấy ngó trên tổng diện tích khoảng 1,1ha. Với mong muốn khởi nghiệp trên vùng quê của mình, nhưng gia đình không đủ vốn để đầu tư mua giống về trồng. Cuối năm 2021, thông qua đoàn thanh niên xã, huyện, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng để đầu tư mô hình trồng môn lấy ngó”.

Theo anh Huỳnh Văn Ngân, muốn bán được ngó môn thì người trồng phải đặt mua cây giống với thương lái để thương lái bao tiêu luôn sản phẩm. Nếu mua cây giống ở ngoài, họ không mua ngó môn của mình. Chính vì vậy, trên diện tích hơn 1,1ha, anh đặt mua giống cây môn với giá từ 1.500 - 1.700 đồng/cây. Tính bình quân 1.000m2, anh Ngân trồng khoảng 3.000 cây giống. Sau gần 3 tháng, anh bắt đầu thu hoạch lứa ngó đầu tiên và cứ thế thu hoạch kéo dài đến gần năm, cây môn mới tàn rụi. Tính đến nay, anh thu hoạch gần 8 tháng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thu nhập ổn định cho gia đình.

Mô hình trồng môn lấy ngó của anh Huỳnh Văn Ngân đã tạo được việc làm cho nhiều lao động đang thất nghiệp tại địa phương. Ảnh: THẠCH PÍCH

Anh Huỳnh Văn Ngân bộc bạch: “Trước đây, đất canh tác lúa cho lợi nhuận bấp bênh. Còn bây giờ, cùng với mô hình trồng môn lấy ngó, ngày nào gia đình tôi cũng đều thu hoạch tầm từ 50kg đến vài trăm ký (tùy theo thương lái báo đặt trước), với giá bán dao động từ 9.000 - 13.000 đồng/kg. Hiện tại, đầu ra của ngó môn khá ổn định, hàng tuần sau khi tôi thu hoạch, mặt hàng này được thương lái ở chợ đầu mối tại xã Đại Hải, huyện Kế Sách bao tiêu hết. Ngó môn được chế biến nhiều món ăn đa dạng, hấp dẫn như: nấu canh chua, nấu cháo, nấu chè, xào, hấp, làm gỏi… Hàng ngày, tôi đã tạo việc làm cho từ 2 - 4 nhân công đến tiếp thu hoạch, rửa ngó môn; bình quân mỗi tháng trừ chi phí phân bón, tôi thu lợi nhuận từ hơn chục triệu đồng, bằng 1 năm canh tác lúa. Dự kiến, thời gian tới, tôi sẽ thuê đất ruộng của bà con địa phương tiếp tục mở rộng mô hình trồng môn lấy ngó”.

Chủ tịch Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Kế Sách Hồ Văn Lâm cho biết: “Huyện chỉ đạo ủy ban hội cơ sở tích cực phối hợp với các ngành hữu quan hỗ trợ quản lý các mô hình, ở các lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ kinh doanh nhỏ đang hoạt động có hiệu quả, các mô hình sản xuất, kinh doanh nằm ở địa bàn nông thôn, điển hình như mô hình trồng môn lấy ngó của thanh niên Huỳnh Văn Ngân, ở xã Kế An. Huyện tiếp tục vận động hội viên thanh niên tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh việc phát triển các mô hình hợp tác xã, mô hình thanh niên làm kinh tế, tạo điều kiện cho thanh niên trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi… để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp các đoàn viên, thanh niên tham gia các chương trình, dự án khởi nghiệp, lập nghiệp khác cho thanh niên nông thôn đã chọn”.

Từ nguồn vốn ủy thác cho vay thông qua Huyện đoàn Kế Sách quản lý, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kế Sách đã giúp thanh niên có điều kiện khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

THẠCH PÍCH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: