• Huyện Kế Sách

Thu nhập cao từ trồng môn lấy ngó của hội viên cựu chiến binh

28/12/2022 03:53 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 28/12/2022 | 03:53

STO - Mô hình trồng môn lấy ngó của hội viên cựu chiến binh Nguyễn Văn Mạc, xã Đại Hải, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã phát triển nhiều năm qua, góp phần đa dạng cây màu trồng tại địa phương và giúp thu nhập gia đình ngày càng ổn định hơn.

Giống như bao hội viên cựu chiến binh khác, khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Văn Mạc ở xã Đại Hải tích cực lao động sản xuất trên mảnh ruộng của gia đình, bằng công việc canh tác 2 - 3 vụ lúa/năm. Qua mấy mươi năm gắn bó cùng cây lúa, thực tế cho thấy diện tích đất sản xuất tại gia đình ông thuộc khu vực đất trũng, thường xuyên ngập úng vào các tháng mùa mưa hay mùa nước nổi về dẫn đến năng suất lúa không đạt, có năm thời tiết trái mùa, lúa cho năng suất thấp, thêm vào đó là giá lúa không tốt nên thu nhập nên không đáng kể.

Do đó, để tìm loại cây trồng thích hợp đưa vào ruộng thay thế cho cây lúa, ông Nguyễn Văn Mạc đã phát hiện cây môn lấy ngó là cây trồng phù hợp nhất khi đưa xuống ruộng lúa trũng phèn của gia đình. Đúng như dự đoán của ông Mạc, cây môn lấy ngó sau khi trồng thích nghi tốt trên ruộng lúa và cho thu nhập ổn định hơn 5 năm qua.

Quan sát cánh đồng môn lấy ngó của ông Mạc, thấy hình dáng bên ngoài cây môn giống cây môn mọc dại (môn ngứa) trên các sông, kênh, rạch, chỉ có khác là khi đã qua bàn tay chăm sóc của con người, cây môn được trồng ngay hàng thẳng lối, khoảng cách giữa các cây đồng đều nhau, tạo thành một thảm xanh rộng lớn chạy dài hàng chục mét, đặc biệt là cây môn lấy ngó không gây ngứa và cho ngó tương tự ngó sen. Ngó môn có độ giòn và ngọt nên sử dụng chế biến các món ăn, như: nấu canh chua, xào cùng các loại thịt bò, thịt heo, nấu cháo cá… kể cả làm gỏi, làm dưa chua ăn rất ngon.

Ông Nguyễn Văn Mạc  - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Đại Hải, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) khoe ngó môn “đạt chuẩn” trong giai đoạn thu hoạch. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo ông Nguyễn Văn Mạc, cây môn lấy ngó dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, cho năng suất cao, không sâu bệnh, thích nghi vùng đất trũng. Khi trồng cây môn trên nền đất lúa, cần phải đánh luống, mặt luống ngang 1 mét, độ cao của luống khoảng 4cm và giữ mực nước trong ruộng từ 2/3 mặt luống, không để nước ngập quá mặt luống, vì sẽ làm cho ngó môn bị vàng. Đối với cây môn, trước khi xuống giống, ngoài việc làm luống còn phải làm đất thật kỹ để loại bỏ các mầm bệnh trong đất, bỏ thêm phân hữu cơ vào đất nhằm tạo độ màu mỡ cho đất. Như vậy khi trồng cây môn xuống đất, cây mới bắt rễ và sinh trưởng nhanh. Khi cây môn lớn tầm 2 gang tay, phải vun đất vào gốc cây, bón thêm phân hạt 1 lần/tháng, nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Cây môn trồng qua 3 tháng sẽ cho thu hoạch ngó, năng suất bình quân 1 công thu về trên 100kg ngó. Sau đợt thu hoạch ngó môn đầu tiên, thì các đợt tiếp theo cứ cách 10 ngày thu hoạch ngó một lần, trong suốt 2 năm liên tiếp mới trồng sang đợt môn mới.

“Năm 2018, tôi chuyển đổi 1 công đất trồng lúa sang trồng môn lấy ngó. Môn lấy ngó cho năng suất cao, giá bán tốt nên tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng môn lên tổng cộng 4 công. Hiện tại, toàn bộ diện tích môn đang giai đoạn thu hoạch ngó, tính bình quân 1 tháng thu hoạch 600kg ngó môn/4 công. Toàn bộ ngó môn được thương lái ở Thành phố Hồ Chí Minh đến tận nhà thu mua, giá bán 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Với diện tích 4 công môn lấy ngó, đem về nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Chính vì vậy, tôi sẽ tiếp tục duy trì mô hình trồng môn lấy ngó và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con muốn trồng loại cây này” - ông Nguyễn Văn Mạc chia sẻ.

Mô hình trồng môn lấy ngó được Hội Cựu chiến binh xã Đại Hải và Hội Cựu chiến huyện Kế Sách rất quan tâm và định hướng nhân rộng trong thời gian tới trong hội viên cựu chiến binh. Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng chí Nguyễn Hoàng Chuẩn - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kế Sách nhận định, mô hình trồng môn lấy ngó được hội viên Hội Cựu chiến binh xã Đại Hải Nguyễn Văn Mạc trồng là mô hình mới, nhưng hiệu quả kinh tế rất cao, đặc biệt cây môn lấy ngó phù hợp vùng đất trũng tại địa phương nên năng suất ngó môn luôn ổn định qua nhiều năm canh tác. So với cây lúa, môn lấy ngó đem về lợi nhuận cao hơn gấp 5 - 7 lần. Thông qua hiệu quả mô hình môn lấy ngó tại hộ đồng chí Nguyễn Văn Mạc, Hội Cựu chiến binh huyện sẽ tổ chức các buổi tham quan cho các hội viên trên địa bàn huyện; đồng thời, nghiên cứu nhân rộng mô hình này tại các địa phương trên địa bàn huyện có điều kiện đất sản xuất tương tự như xã Đại Hải, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống hội viên.

Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn xã Đại Hải (Kế Sách) có hơn 10 hộ đang trồng môn lấy ngó, các hộ đều có thu nhập tốt và ổn định. Tuy nhiên để trồng môn lấy ngó thì hộ dân cần phải tìm đầu ra trước khi tiến hành trồng, vì đây là loại nông sản mới, ít người biết đến nên khả năng tiêu thụ tại các chợ truyền thống hạn chế. Chính vì vậy, bà con trước khi trồng môn lấy ngó phải cân nhắc đầu ra cho sản phẩm, phải có sự liên kết với thương lái, vựa thu mua ngó môn thì mới tiến hành trồng, nhằm tránh tình trạng sau thu hoạch ngó môn không bán được sản phẩm.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: