Đồng hành để cùng thành công

26/03/2024 04:07 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 26/03/2024 | 04:07

STO - Không năm nào ngành tôm không gặp phải khó khăn, thậm chí khó khăn năm sau gần như lúc nào cũng cao hơn năm trước và năm 2024 theo dự báo khó khăn sẽ được nâng cấp hơn nhiều so với năm 2023. Đó là lý do vì sao ngành tôm rất cần có sự đồng hành của tất cả các bên liên quan hơn lúc nào hết để có thể vượt qua khó khăn, vững bước về đích theo đúng mục tiêu kỳ vọng đã đề ra.

Ông Phạm Văn Mừng - Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho biết năm 2023, người nuôi tôm đối mặt với “4 tăng, 1 giảm”, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Đó là: đầu năm 2023 con giống bắt đầu tăng từ 5 - 10 đồng/con, tùy theo công ty; thứ hai là thức ăn tăng từ 1.200 - 2.000 đồng/kg trong tháng 1/2023; thứ ba là thuốc thú y thủy sản tăng từ 10 - 15%; thứ tư là giá điện tăng lúc cao điểm lên đến 20 - 30%. Một giảm đáng kể nhất là giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, kéo dài. Cụ thể, vào tháng 6/2023 giá tôm thẻ loại 60 con/kg chỉ khoảng 85 - 89 ngàn đồng/kg, trong khi cùng thời điểm này của năm 2022 giá khoảng 115 ngàn đồng/kg. Do đó, ông Mừng kiến nghị ngành chức năng cần có giải pháp bình ổn giá vật tư đầu vào; kiểm soát các cơ sở sản xuất, ương dưỡng con giống trong tỉnh, con giống nhập từ ngoài vào tỉnh để kịp thời ngăn chặn nguồn giống kém chất lượng, giống không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm soát các đại lý, cơ sở sản xuất thuốc thú y thủy sản, vì hiện có nhiều mặt hàng được bày bán tràn lan nhưng hiệu quả phần lớn là không cao.

Người nuôi tôm đang rất cần sự đồng hành của các bên liên quan để tất cả cùng thành công sau mỗi mùa tôm. Ảnh: TÍCH CHU

Với mong muốn đồng hành cùng người nuôi không chỉ ở khâu thu mua, chế biến xuất khẩu, ông Hoàng Thanh Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta phụ trách nuôi thủy sản cho biết, doanh nghiệp còn mong muốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tôm giống để vừa phục vụ cho trại nuôi, vừa cung ứng cho người nuôi trong tỉnh. Theo ông Vũ, những năm trước, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam cao hơn các nước, họ sang Việt Nam học hỏi, nhưng bây giờ mình thấp hơn những nước khác rất nhiều, mà nguyên nhân, theo quan điểm cá nhân của ông có phần rất lớn là ở con giống. Ông Vũ chia sẻ: “Đối với người nuôi tôm, chất lượng con giống chiếm tỷ lệ thành công trên 50%, nhưng đối với Sao Ta thì chất lượng con giống chiếm trên 90% thành công. Thực tế từ trại nuôi của Sao Ta cho thấy, nếu con giống mua về sau 20 ngày, 40 ngày kiểm không có EHP thì gần như 100% là thành công”.

Đây cũng là lý do Công ty Sao Ta cũng muốn đi tiên phong trong vấn đề giống, nên tháng 6/2023 có đề xuất UBND tỉnh cho Sao Ta làm trại giống ở huyện Kế Sách, cách xa vùng nuôi tôm đến 20km. Tuy nhiên, ý định trên đến nay vẫn chưa thể triển khai được do vẫn còn vướng một số vấn đề liên quan đến môi trường. Ông Vũ chia sẻ thêm: “Đây là vấn đề bức xúc của cả ngành tôm nên Sao Ta mới quyết định tìm hướng đi mới cho mình, tiến tới phục vụ người nuôi trong tỉnh. Sao Ta cam kết là không để ảnh hưởng môi trường trong khu vực nhằm có nguồn giống tốt, khỏe mạnh phục vụ nghề nuôi”.

Đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng đã xác định thủy sản mà chủ lực là con tôm là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chính sự quan tâm đó mà tỉnh đã ban hành nghị quyết về phát triển tôm nước lợ đến 2025 và tầm nhìn đến 2030. Vì vậy, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, tỉnh cũng đã giao ngành Nông nghiệp là đơn vị nòng cốt trong quản lý, kiểm soát tốt chuỗi sản xuất này để có hướng dẫn, cảnh báo về môi trường, dịch bệnh, thời tiết, con giống… Tỉnh cũng luôn tạo điều kiện cho các cơ sở, trại giống, công ty giống phát triển nguồn giống tốt ngay trên địa bàn tỉnh. Chính sự đồng hành này của tỉnh đã giúp ngành tôm không ngừng phát triển, cả về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, dù diện tích nuôi tôm của Sóc Trăng cao nhất cũng chỉ 54.000ha, nhưng sản lượng đã trên 200.000 tấn, còn xuất khẩu tôm cũng tiệm cận con số 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau nhiều năm nuôi, môi trường đất đã có nhiều biến đổi nên cần chuyển đổi phương thức nuôi cho phù hợp, bởi nếu tiếp tục nuôi theo truyền thống sẽ không còn hiệu quả. Dù đã thấy được điều này, nhưng vấn đề khó hiện nay là chi phí để đầu tư chuyển đổi mô hình nuôi là khá lớn trong khi người nuôi nguồn vốn hạn chế.

Cảm thông và mong muốn đồng hành, chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận chia sẻ: “Với tôi, luôn mong muốn đứng ở cương vị của người nuôi tôm, có cùng mong muốn với người nuôi tôm. Chúng ta đã đầu tư đến nơi đến chốn cho nghề nuôi rồi nhưng có lẽ vẫn còn một chút kẽ hở về mặt đầu tư, về mặt công nghệ, hay khoa học kỹ thuật nào đó… mà chúng ta chưa phản ứng kịp dẫn đến thiệt hại”.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, sau dịch bệnh EMS, chúng ta đã có chương trình sử dụng vi sinh giúp phục hồi môi trường đáy ao rất tốt, nhưng chỉ mấy năm gần đây, hệ sinh thái đáy ao đã quay lại như cách đây 10 năm trước, mà nguyên nhân là do người nuôi đã đưa xuống đáy ao rất nhiều loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ những hoạt chất gì trong đó. Người nuôi phải có trách nhiệm với mình trước tiên, phải yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ thông tin về thành phần, tính năng của sản phẩm, kèm theo cam kết về mặt chất lượng.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: