• Pháp luật - Bạn đọc

Tái chiếm - nỗi lo từ nhiều phía

01/04/2022 04:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 01/04/2022 | 04:04

STO - Tái chiếm tài sản sau khi thi hành án tuy không quá nhiều nhưng lại diễn ra khá phức tạp, gay gắt ở một số địa phương. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án mà còn gây hoang mang, bất an trong nhân dân và mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Xem thường luật pháp

Khi một bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực thì các đương sự và những người có nghĩa vụ liên quan phải thực hiện. Đơn vị thi hành án dân sự (THADS) chịu trách nhiệm tổ chức thi hành bản án theo quy định pháp luật. Thực tế, việc THADS không hề đơn giản, bởi cơ quan chức năng luôn phải đối mặt với sự trì hoãn và cố tình né tránh, không tuân thủ của các đương sự. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người có liên quan và đảm bảo thi hành nội dung bản án, cưỡng chế THADS là biện pháp cần được áp dụng. Thế nhưng trong thực tế, vẫn còn những người xem thường pháp luật, ngang nhiên “tái chiếm lại tài sản” sau khi đã bị cưỡng chế. Đó chính là điều không ai mong muốn và những hệ lụy không hề nhỏ, nếu không được xử lý triệt để.

Một buổi cưỡng chế thi hành án. Ảnh minh họa: S.M

Trường hợp cố tình không thi hành án và tái chiếm sau khi cưỡng chế thi hành án của bà Đinh Thị Huỳnh ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) khiến các ngành chức năng “bất lực trong công tác vận động” nên đành phải dùng “biện pháp mạnh” đúng pháp luật. Lý do bà Huỳnh nhất quyết giữ lấy đất, vì cho rằng đây là đất của cha mẹ mất để lại, không ai có quyền lên tiếng. Nguyên nhân vào khoảng năm 1980, bà ngoại của bà Huỳnh có cho ông Dương Khương (cậu bà Huỳnh) và mẹ bà Huỳnh là bà Dương Thị Sà Vi (mất năm 2010) mỗi người được nhận khoảng 350m2 đất thổ cư. Năm 1994, ông Khương được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất và sau đó, xảy ra tranh chấp với bà Sà Vi. Tòa án nhân dân hai cấp đã tuyên xử buộc vợ chồng bà Sà Vi phải trả cho ông Khương diện tích đã chiếm. Tuy nhiên vợ chồng bà Sà Vi không đồng ý với nội dung bản án, kiên quyết không thi hành.

Ngày 4-6-2003, cơ quan thi hành án đã tiến hành cưỡng chế giao trả đất và gia đình ông Khương đã cắm cọc ximăng làm ranh giới, kéo dây kẽm gai làm hàng rào. Cứ tưởng đã được yên ổn làm ăn, thế nhưng vào năm 2007, cháu gái là bà Huỳnh đã ngang nhiên tháo gỡ dây kẽm, cọc mốc để chiếm đất cất nhà. Bà Huỳnh bất chấp sự can ngăn của chính quyền địa phương và khư khư cho rằng "mẹ tôi cho tôi". Thế là ông Khương tiếp tục khởi kiện đứa cháu; Bản án số 33/2016/DSST, ngày 23-8-2016 của TAND huyện Mỹ Xuyên tuyên xử buộc vợ chồng bà Huỳnh có nghĩa vụ hoàn trả giá trị quyền sử dụng đất với diện tích 317mtại thửa số 577, tờ bản đồ số 9, tọa lạc ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên tương ứng với số tiền 540.510.000 đồng. Ổn định cho vợ chồng bà Huỳnh được quyền sử dụng đất và liên hệ cơ quan có thẩm quyền đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi thực hiện xong nghĩa vụ hoàn trả giá trị đất nêu trên (do bà Huỳnh khó khăn về nhà ở).

Cơ quan THADS hai cấp luôn cố gắng dùng mọi biện pháp và phối hợp chặt chẽ, nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan để vận động việc tự nguyện thi hành án. Ảnh: S.M

Việc thi hành án đối với trường hợp của bà Huỳnh là cả một quá trình gian nan. Ông Huỳnh Tấn Lực - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên cho biết, hết thời gian tự nguyện thi hành án nhưng gia đình bà Huỳnh vẫn cố tình không thực hiện. Chi cục đã ban hành quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản và đưa tài sản ra thẩm định giá, bán đấu giá nhiều lần để đảm bảo thi hành nội dung bản án. Trong thời gian này, bà Huỳnh tự ý xây thêm một căn nhà trên phần đất kê biên, dù đã có văn bản nhắc nhở xử lý của cơ quan chức năng. Đối với tài sản bán đấu giá được đưa ra bán đến lần thứ 10, với mức giá 442.112.000 đồng thì mới có người mua. Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên đã tiến hành các thủ tục tiếp theo nhằm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Gia đình bà Huỳnh vẫn phản ứng quyết liệt. Ngày 24-2-2022, cơ quan thi hành án đã thành lập đoàn cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá. Khổ nỗi, việc cưỡng chế giao tài sản hôm trước thì hôm sau bà Huỳnh đã chiếm lại.

Đó không phải là trường hợp hy hữu, việc chiếm lại tài sản sau khi thi hành án vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tính chất ngày càng phức tạp. Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, việc chiếm lại tài sản sau thi hành án chiếm khoảng trên 10% đối với trường hợp cưỡng chế có huy động lực lượng bảo vệ. Hiện TX. Ngã Năm đang phối hợp để xử lý trường hợp chiếm lại đất sau thi hành án của ông Trần Văn Thuần. Cũng giống như bà Huỳnh, sau khi đoàn cưỡng chế giao đất xong, ông Thuần đã vội vàng bao chiếm lại... Hầu như các vụ việc chiếm lại tài sản thường rơi vào đất đai, tính chất khá phức tạp và kéo dài nhiều năm.

Vụ việc ít nhưng tác hại nhiều

Cưỡng chế thi hành án là một trong những biện pháp cần thiết để đảm bảo thi hành dứt điểm bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Sau khi hoàn tất các thủ tục và bàn giao tài sản thì đồng nghĩa với việc cơ quan THADS hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, tài sản hợp pháp người dân nhận mà không thể sử dụng được thì phải biết làm sao! Ông Nguyễn Văn Để - Chi cục trưởng Chi cục THADS TX. Ngã Năm chia sẻ: “Những trường hợp bị chiếm lại tài sản, các đương sự luôn tìm đến cơ quan thi hành án để nhờ can thiệp. Họ không dám kiên quyết sử dụng tài sản hợp pháp của mình, vì sợ phía bên kia làm liều. Dù hết thẩm quyền nhưng cơ quan thi hành án cũng khá nặng đầu trong việc giải thích, phối hợp xử lý và ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Người làm công tác thi hành luôn mong muốn hành vi này sẽ được xử lý nghiêm, kịp thời”.

Luật định, việc phát sinh hành vi tái chiếm đất được xem là hành vi mới, hành vi vi phạm pháp luật, cản trở việc sử dụng đất của người khác, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân thì thẩm quyền thuộc về chính quyền địa phương. 

Những trường hợp chiếm lại tài sản, người chịu ảnh hưởng nhiều là người được thi hành án. Thực tế, thể hiện rõ việc người dân khá e ngại và chẳng mặn mà trước việc mua tài sản kê biên bán đấu giá. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 243 vụ việc thông báo bán đấu giá mà chẳng có người mua. Anh Nguyễn Văn Trí, ngụ Khóm 4, Phường 4, TP. Sóc Trăng có nhu cầu mua nhà ở nhưng khi được người thân giới thiệu nhà kê biên thi hành án liền vội lắc đầu. “Nhà liên quan đến thi hành án phức tạp lắm. Có khi mua xong, có thể bị phía bên kia chiếm lại hoặc làm khó, kiếm chuyện. Lúc đó, phải mất thời gian kiện tụng, đòi lại nhà nữa...” - Anh Trí thẳng thừng từ chối.

Rồi tài sản đã hạ giá nhiều lần vẫn không thể bán được, khiến cơ quan thi hành án bế tắc, nguy cơ tồn đọng án ngày càng cao. Người được thi hành án cứ chờ đợi mỏi mòn. Tất cả cũng vì những hành vi xem thường pháp luật chưa được xử lý triệt để và tình trạng tái chiếm đang có xu hướng tăng, phức tạp. Vì tính nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa phương, mong rằng các cơ quan có thẩm quyền cần có sự phối hợp chặt chẽ và xử lý kịp thời, mạnh tay đối với vấn đề tái chiếm trong khi hành án.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: