• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:

Phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững gắn với tiến bộ, công bằng xã hội

17/06/2023 04:49 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 17/06/2023 | 04:49

STO - Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…

HĐND tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 22/NQ-HĐND, ngày 27/4/2023 về Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh nhà phát triển kinh tế gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, mục tiêu chung phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng chính quyền điện tử, chuyên nghiệp, hiện đại gắn với hoàn thành các mục tiêu kinh tế số - xã hội số.

Theo nghị quyết nêu trên thì mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,5%/năm thời kỳ 2021 - 2030; cơ cấu kinh tế của tỉnh, gồm: nông, lâm, thủy sản chiếm 27%, công nghiệp - xây dựng chiếm 35%, dịch vụ chiếm 30%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8%. GRDP bình quân đầu người đạt 124 triệu đồng (theo giá hiện hành). Thu ngân sách trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng. Kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. Về xã hội thì tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%; có 80/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có ít nhất 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm, trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3 - 4%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 90%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 33 giường. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 14 người. Về môi trường thì tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 98 - 99%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt tiêu chuẩn môi trường tại các khu dân cư nông thôn, làng nghề đạt 85%. 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị (hoạt động) có xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường. Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98 - 100%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 75%. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 3%.

Mục tiêu chung phát triển kinh tế Sóc Trăng theo hướng nhanh, bền vững gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Ảnh: TRẦN THUẬN

Nghị quyết nêu rõ tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng là một trung tâm đầu mối lớn về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; là cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng, đặc biệt là cực phát triển trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông - Tây (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cảng biển nước sâu Trần Đề). Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá về mức sống; là điểm đến du lịch chất lượng cao của vùng và cả nước. Các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa. Môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ, nhất là môi trường biển và ven biển. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên thì tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để tạo đột phá trong đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các dự án hạ tầng chiến lược, có tính lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, các tuyến Đông - Tây, Bắc - Nam), cảng biển, hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số. Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là chuyển đổi số (đến năm 2030, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng)… Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ các ngành mũi nhọn (nông nghiệp, thủy sản, chế biến thủy sản...), các ngành tiềm năng và đột phá phát triển (năng lượng, du lịch, cảng biển, logistics, đô thị, dịch vụ, chuyển đổi số...). Phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bắt kịp xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo lãnh đạo tỉnh thì các định hướng phát triển chủ yếu sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới; cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, - an ninh… Không gian phát triển phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, bảo đảm liên kết vùng huyện, vùng liên huyện và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực…

Giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư sẽ tập trung đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển (trong đó, quan tâm giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh). Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình thức đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực sẽ thực hiện các chương trình, dự án phát triển đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh như: Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng, chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng Đề án việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong đào tạo nghề nghiệp; triển khai đào tạo nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực gắn liền với các giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng, tác phong cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý, ưu tiên cấp tỉnh và cấp cơ sở và ngành nghề du lịch, công nghiệp.

Giải pháp về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường sẽ nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đẩy mạnh thông tin truyền thông về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ… Thực hiện phân công, phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các cấp, ngành, các địa phương; đầu tư nâng cao năng lực giám sát môi trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu xử lý chất thải.

Về cơ chế, chính sách liên kết phát triển sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chương trình, nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết; đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác. Tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các đại diện nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam…

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: