• Văn hóa - Thể thao

Bảo tàng Sóc Trăng - Nơi lưu giữ niềm tự hào về văn hóa, lịch sử của tỉnh

12/03/2022 04:14 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 12/03/2022 | 04:14

STO - Đến tham quan Bảo tàng Sóc Trăng tọa lạc trên đường Hùng Vương, Phường 6, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng), mỗi người sẽ có những cảm nhận, cung bậc cảm xúc khác nhau khi chiêm ngưỡng và nghe thuyết trình về các hiện vật, tài liệu, hình ảnh được trưng bày tại đây nhưng chắc hẳn ai cũng có chung cảm xúc thêm yêu mến về vùng đất và con người Sóc Trăng, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng nhau sinh sống trên mảnh đất này.

Các hiện vật, tài liệu, hình ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Sóc Trăng. Ảnh: MINH HUY

Bảo tàng tỉnh có chức năng và nhiệm vụ sưu tầm, trưng bày, kiểm kê, bảo quản, tuyên truyền, giáo dục về những tài liệu, hiện vật và di tích của địa phương; nghiên cứu khoa học và phổ biến kiến thức khoa học, nhằm giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc, đồng bào, động viên nhân dân ra sức thi đua thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong hệ thống Bảo tàng tỉnh gồm có Nhà Bảo tàng chính, Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer và Di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy rừng tràm Mỹ Phước Sóc Trăng.

Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng có tên gọi Bảo tàng Cách mạng được thành lập cuối năm 1992. Đến năm 2002, xác nhập 2 bảo tàng (Bảo tàng Cách mạng - Bảo tàng Văn hóa Khmer) và lấy tên Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng. Bảo tàng mới được xây dựng đầu năm 2006 và hoàn thành năm 2007, bắt đầu mở cửa trưng bày phục vụ khách tham quan từ năm 2010. Bảo tàng có tổng diện tích 12.623m2, được thiết kế 1 trệt và 2 lầu. Nơi đây hiện trưng bày hơn 1.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh, trong đó, đang lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật về 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa và hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng.

Các hiện vật này được trưng bày theo từng chuyên đề khác nhau. Lầu 1 trưng bày về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử hình thành và sự cộng cư của 3 dân tộc; đặc trưng văn hóa và các ngành nghề truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Lầu 2 trưng bày lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng thời gian từ trước những năm 1930 đến nay. Sở dĩ bố trí như vậy là vì để phù hợp với nhu cầu tham quan của từng người. 

Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hàng năm, bảo tàng đã đón hàng trăm ngàn khách đến tham quan, tìm hiểu, trong đó có những đoàn học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh; các tổ chức hội, đoàn thể… thường xuyên đến đây tìm hiểu nét đẹp văn hóa, lịch sử, truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa qua các thời kỳ.

Đồng chí Lưu Thanh Hùng - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Những hiện vật bảo tàng đang trưng bày và lưu giữ, hầu hết đều do nhà chùa và nhân dân hiến tặng, trong đó có những hiện vật mà những người tham gia chiến đấu còn lưu giữ gửi tặng cho bảo tàng trưng bày; người dân địa phương hiến tặng. Đây là nơi tham quan, tìm hiểu thêm về vùng đất và con người Sóc Trăng. Tuy hàng năm, bảo tàng có sưu tầm bổ sung hiện vật để phục vụ cho công tác trưng bày nhằm thu hút khách tham quan, nhưng những hiện vật sưu tầm được đa số không có giá trị tiêu biểu (do không có nguồn kinh phí lớn để mua hoặc trao đổi với chủ nhân hiện vật)”.

Có lần ghé qua Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, dù không phải là lần đầu tiên tôi đến tham quan nhưng mỗi lần đến đây tôi đều có cảm xúc khác nhau. Cùng lúc đó, có một nhóm học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Sóc Trăng) cũng đến tham quan bảo tàng, các em khá thích thú đi xem từng hiện vật và nhìn những bức ảnh chụp được treo trên tường theo chủ đề trưng bày. Cô bé nữ sinh chốc chốc lại đưa tay chỉ cho mấy bạn chú ý vào những tấm hình chụp cảnh TP. Sóc Trăng nhiều năm về trước, có những nơi em biết qua và có những nơi đã không còn vết tích nào nữa. Đi từng nơi quanh khu vực trưng bày, các em khá chăm chú đọc những phần chú thích hiện vật, hình ảnh, đọc các tài liệu và bày tỏ sự tự hào về vùng đất Sóc Trăng giàu truyền thống văn hóa, đoàn kết, sáng tạo và anh dũng kiên cường chống giặc ngoại xâm.

Tuy là những hiện vật vô tri vô giác trưng bày tại Bào tàng tỉnh Sóc Trăng nhưng lại giúp mỗi người đến đây tham quan hiểu sâu sắc hơn về đất và người Sóc Trăng, tập quán sinh sống, nét đẹp văn hóa được lưu truyền qua bao thế hệ… để chúng ta thêm coi trọng giá trị truyền thống cũng như ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

MINH HUY

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: