• Văn hóa - Thể thao

Người nặng lòng với bảo tồn và phát huy giá trị ghe ngo

02/01/2022 03:40 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 02/01/2022 | 03:40

STO - Đua ghe ngo là một bộ môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer khu vực miền Tây Nam Bộ, trong đó Sóc Trăng được xem là cái nôi của loại hình văn hóa độc đáo này. Tuy nhiên, để có được một chiếc ghe ngo đẹp về hình dáng và màu sắc, thi đấu đạt thành tích cao thì những người thợ làm ra nó phải rất kỳ công và vất vả. Ở ấp An Hòa, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có một người vẫn nặng lòng với việc bảo tồn và phát huy giá trị của ghe ngo, đó chính là ông Kim Crụp - một trong số ít những người có khả năng thiết kế và tham gia đóng ghe ngo trong tỉnh Sóc Trăng.

Ông Kim Crụp và chiếc ghe ngo do mình thiết kế và tham gia đóng (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Thời trai trẻ, ông Kim Crụp là một vận động viên rất nổi bật trong đội ghe ngo chùa Pôthi Thlâng của xã Thới An Hội, một trong những đội ghe ngo giàu thành tích nhất của huyện Kế Sách. Đầu năm 2000, khi đang công tác tại xã Thới An Hội với vai trò là Phó Chủ tịch UBND xã, do sức khỏe không đảm bảo, ông Kim Crụp đã được giải quyết cho nghỉ hưu sớm để có nhiều thời gian chữa bệnh. Nghỉ công tác ở xã, ông lại tham gia vào công tác ở ấp, ở chùa. Và công việc thiết kế, tham gia đóng ghe ngo của ông cũng bắt đầu từ đó.

Từ Sóc Trăng, ông Kim Crụp đã khăn gói lên tận xã Vĩnh Phước của huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang để tìm thợ giỏi về nhà đóng ghe. Sau nhiều lần thuyết phục, nhận thấy tấm lòng chân thành của ông, người thợ đóng ghe ngo nổi tiếng của xã Vĩnh Phước là ông Huỳnh Rớt đã đồng ý theo ông về Sóc Trăng.

Thợ đóng ghe ngo có nhiều điểm riêng biệt so với thợ mộc hay thợ đóng tàu. Bởi ngoài việc đóng ghe họ còn phải am hiểu về nghệ thuật đóng, cách phối trộn màu sắc, cách tạo ra nhiều loại dầm phù hợp (bởi trong đua ghe ngo có nhiều loại dầm, tùy theo vị trí của người bơi)… Bên cạnh đó, việc chọn cây kềm giữa ghe cũng hết sức khó khăn. Một ghe ngo đúng chuẩn phải dài 29m, giữa lòng ghe phải có 2 cây kềm chịu lực, 2 cây này thường được làm bằng cây tràm, vì đây là loại cây có độ dẻo tốt. 2 cây kềm có tác dụng giúp cho ghe nhún nhảy, phóng nhanh và đồng thời cũng giúp giữ chặt cho ghe không bị gãy làm đôi bởi chiều dài của nó. Trong 2 cây kềm thì cây kềm lái hay còn gọi là cây cần câu đóng vai trò quan trọng, vì nó còn có tác dụng kềm lái, giúp ghe ngo đi đúng phương hướng. Cây tràm được chọn làm cây kềm phải có tuổi thọ từ 40 năm trở lên. Sau khi đốn, cây phải được để trong nhà cho nguội, 1 năm sau thì mới có thể sử dụng được tốt. Để có được một chiếc ghe ngo hoàn chỉnh, cả 3 người thợ lành nghề phải làm việc cật lực đến hàng tháng trời mới hoàn tất.

Gỗ đóng ghe ngo là gỗ sao. Để có được cây sao tốt, chất lượng để đóng ghe, ông Kim Crụp phải đi nhiều nơi từ An Giang, Tiền Giang, thậm chí là sang tận nước bạn Campuchia để tìm mua về đóng. Tiếng lành đồn xa, nhiều chùa trong và ngoài tỉnh đã tìm đến để đặt ông đóng ghe. Đến giờ, ông Kim Crụp cũng không nhớ là mình đã tham gia đóng ghe ngo cho bao nhiêu chùa. Hỏi về đóng ghe ngo, ông rất tự hào kể có nhiều chiếc ghe ngo mà ông tham gia đóng đã đạt thành tích cao các giải đua trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, trong thời gian tham gia làm huấn luyện viên kiêm luôn người ngồi mũi cho đội ghe ngo Pôthi Thlâng trong thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Kim Crụp cũng từng giúp đội ghe này lọt vào tốp 3 đội ghe mạnh nhất tỉnh. Thời gian này ông cũng từng được chọn tham gia vào đoàn vận động viên đua ghe ngo của Việt Nam, mà nòng cốt là đội ghe Pôthi Thlâng tham dự hội đua ghe ngo quốc tế do nước bạn Thái Lan tổ chức. Tại giải này, đội ghe của Việt Nam cũng lọt vào tốp những đội mạnh hàng đầu của giải.

Bên cạnh đó, ông Kim Crụp còn là một nông dân sản xuất giỏi được công nhận trong nhiều năm. Đặc biệt, năm 1997, ông vinh dự được chọn đại diện cho tỉnh Sóc Trăng báo cáo điển hình tại Đại hội Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc. Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thể dục thể thao của địa phương, ông Kim Crụp đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và địa phương, đặc biệt là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

QUÁCH TẤN THUẦN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: