• Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030

Khởi sắc vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng

05/10/2023 04:24 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 05/10/2023 | 04:24

STO - Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm 30,19% dân số toàn tỉnh. Các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư của Trung ương và tỉnh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer; diện mạo vùng quê ngày càng khởi sắc.

Kỳ 1: Quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào Khmer

Thạnh Trị là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 40% dân số toàn huyện, trong đó đồng bào Khmer chiếm 34%. Trong những năm qua, các chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer đã được địa phương triển khai quyết liệt trên các lĩnh vực. Điều đó làm thay đổi đời sống đồng bào Khmer từng ngày.

Chăm lo đời sống đồng bào Khmer

Nhờ được ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tạo điều kiện đi học tập kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, anh nông dân Khmer Triệu Hoàng Hương, ở ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) mạnh dạn đầu tư thêm dịch vụ phun thuốc thuê bằng máy bay nông nghiệp. Anh Hương cho biết: “Hiện nay, tôi đầu tư mua 2 máy bay phun thuốc trừ sâu, tạo việc làm cho 6 lao động ở địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Tôi đã tích lũy vốn mua được 9ha đất trồng lúa, kinh tế gia đình phát triển khá, thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí”.

Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh Triệu Hoàng Hương, ở ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) mạnh dạn đầu tư làm thêm dịch vụ phun thuốc thuê, kinh tế gia đình phát triển khá. Ảnh: CHÍ BẢO

Để nông sản có đầu ra và bán được giá, các hộ Khmer ở ấp Kiết Lập B, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị tham gia vào các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Anh Danh Ươl - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kiết Lập B luôn tâm huyết, tập trung nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, mở cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tham gia hợp tác xã. Với tư duy, cách làm rất sáng tạo, thích nghi với cơ chế thị trường, biết “thắt chặt” liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ, anh đã giúp nông dân trong hợp tác xã nâng cao giá trị nông sản.

Anh Danh Ươl - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kiết Lập B (bên trái) với tư duy, cách làm rất sáng tạo, thích nghi với cơ chế thị trường, anh đã giúp nông dân hợp tác xã nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: CHÍ BẢO

Hợp tác xã Nông nghiệp Kiết Lập B thành lập vào cuối năm 2013, đến thời điểm này đã có 33 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ gần 200 triệu đồng. Hợp tác xã chuyên cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, rơm, liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản làm ra. Tổng diện tích sản xuất của hợp tác xã gần 100ha, chủ yếu trồng lúa đặc sản, cung cấp lúa giống cho các hộ nông dân ở địa phương.  

Anh Danh Ươl cho biết, các thành viên hợp tác xã vừa được tập huấn làm phân hữu cơ, đang chờ vay vốn để đầu tư sản xuất phân hữu cơ cung ứng cho nông dân trong thời gian tới. Mô hình thành công sẽ mở hướng đi mới cho hợp tác xã, bởi sản xuất hữu cơ là xu thế phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, đồng bào Khmer làng nghề đan lát Phước Quới ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã khôi phục và phát triển nghề đan lát thủ công truyền thống. Ảnh: CHÍ BẢO 

Ngoài hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, các chương trình hỗ trợ phát triển làng nghề thủ công truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng được các địa phương chú trọng. Đơn cử tại làng nghề đan lát Phước Quới ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) từ lâu đã nổi tiếng với nghề truyền thống đan lát tre, nứa. Phú Tân là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, gần 80% dân số là đồng bào Khmer. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, đồng bào Khmer đã khôi phục và phát triển nghề đan lát thủ công truyền thống. Chỉ bằng những nguyên liệu giản đơn như tre, nứa, qua đôi bàn tay khéo léo, bà con Khmer đã tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: thúng, rổ, rá, lồng đèn, khay đựng trầu… Nhiều sản phẩm có kiểu dáng đẹp, bắt mắt được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào Khmer.

Để làng nghề đan lát Phước Quới phát triển ổn định, huyện Châu Thành đã hỗ trợ thành lập các hợp tác xã làng nghề, thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Ngoài thu nhập ổn định, nhiều thành viên hợp tác xã còn được vay vốn ưu đãi mua nguyên liệu, thiết bị để phát triển sản xuất. Đến nay, tất cả các hộ thành viên hợp tác xã đã thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang; đường làng được bê tông hóa, ngõ xóm sạch đẹp.

Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa đồng bào Khmer

Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15, ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quán triệt, cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, bố trí nguồn lực triển khai quyết liệt các nội dung, mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa vùng đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng.

Đồng chí Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và toàn tỉnh nói chung đã được nâng lên rõ rệt; các hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang và đồng bộ. Công tác phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt. Hệ thống thiết chế văn hóa tại địa phương luôn được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 80/80 xã có nhà văn hóa xã; có 552/582 ấp có nhà văn hóa, 34/80 xã có thư viện, 186 phòng đọc sách cơ sở, 228 câu lạc bộ, đội văn hóa văn nghệ đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động phong trào văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Tại nhiều ngôi chùa ở Sóc Trăng, bên cạnh hoạt động tôn giáo, địa phương cùng ban quản trị các chùa đã hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ, nhóm nghệ thuật nhằm phát triển văn hóa truyền thống của người Khmer.

Chúng tôi có dịp đến thăm chùa Bốn Mặt ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Hằng năm, tại khuôn viên chùa diễn ra nhiều lễ hội truyền thống của người Khmer. Những năm qua, nhà chùa cùng bà con phật tử đã có nhiều đóng góp trong phát triển, bảo tồn văn hóa dân gian của người Khmer, trong đó đã thành lập Câu lạc bộ Văn nghệ tụ điểm văn hóa chùa Bốn Mặt.

Chị Sơn Thị Diệu - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ tụ điểm văn hóa chùa Bốn Mặt hướng dẫn các bạn trẻ những điệu múa truyền thống đồng bào Khmer. Ảnh: CHÍ BẢO

Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ kiêm người hướng dẫn múa là chị Sơn Thị Diệu chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi rất đam mê các điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Tôi được xem các anh chị nghệ sĩ trong Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh biểu diễn và xem các clip hướng dẫn múa trên internet, rồi hướng dẫn, truyền dạy lại cho các em trong câu lạc bộ. Sau thời gian thành lập, câu lạc bộ được sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ trang phục, âm thanh và tạo điều kiện cho tôi học các lớp sân khấu dù kê, nhạc công, biên đạo…”.

Để Câu lạc bộ Văn nghệ tụ điểm văn hóa chùa Bốn Mặt duy trì được đến hôm nay, chị Diệu cùng một số thành viên chủ chốt trong câu lạc bộ đến từng nhà, vận động các gia đình cho con em tham gia. Hiện câu lạc bộ có khoảng 40 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Điệu múa đặc trưng được câu lạc bộ biểu diễn tại nhiều nơi là múa gáo dừa và các điệu rô băm cổ điển.

Em Thạch Thị Ngọc Sang, ở khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng cho biết: “Em yêu văn hóa của dân tộc Khmer. Sau những buổi đi làm ở công ty may về, em tranh thủ đến chùa Bốn Mặt để tham gia tập luyện văn nghệ cùng các bạn. Sau thời gian tập luyện thuần thục, em được tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer, em rất vui”.

Toàn tỉnh hiện có 2/8 di tích cấp quốc gia và 8/43 di tích cấp tỉnh của đồng bào Khmer. Thời gian qua, công tác trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể quan tâm. Từ năm 2006 - 2022, tổng nguồn kinh phí đầu tư, bảo quản và phục hồi di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh của đồng bào Khmer trên 15 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch duy trì thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị 8 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 5 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer. Thông qua việc xây dựng các Đề án bảo tồn như: Nghệ thuật trình diễn dân gian sân khấu dù kê, Nghệ thuật trình diễn dân gian nghệ thuật rô băm; Nghệ thuật trình diễn dân gian múa rom vong; Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm; hội đua ghe ngo. Đặc biệt, tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022, Tổ chức Guinness Việt Nam đã trao quyết định và bằng công nhận Kỷ lục Guinness "Lễ hội Oóc obóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam” từ năm 2005 đến nay. Đây là niềm vinh dự và tự hào to lớn của người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung, của đồng bào Khmer nói riêng.

CHÍ BẢO

(Còn tiếp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: