• Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030

Khởi sắc vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng

07/10/2023 05:45 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 07/10/2023 | 05:45

STO - Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm 30,19% dân số toàn tỉnh. Các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư của Trung ương và tỉnh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer; diện mạo vùng quê ngày càng khởi sắc.

Kỳ 2: Hiệu quả từ chính sách dân tộc

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, mang lại kết quả thiết thực. Chính điều đó đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; giúp đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đồng bào Khmer phấn khởi từ chương trình mục tiêu quốc gia

Theo đồng chí Lý Rotha - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững. Qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay tỉnh Sóc Trăng có 15/35 mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và thực hiện kế hoạch năm 2022 có 16/24 chỉ tiêu chung, 21/35 chỉ tiêu cụ thể đạt và vượt so với kế hoạch. Các chỉ tiêu còn lại đảm bảo thực hiện đúng lộ trình và dự kiến đến năm 2025 thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Chương trình tổng hòa tích hợp các chương trình, dự án chính sách dân tộc trước đây gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung thành phần với 180 hoạt động, trong đó có nhiều nội dung thành phần tập trung hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào Khmer). Cụ thể, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nâng cao giá trị đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào Khmer rất phấn khởi và luôn phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia cùng với chính quyền địa phương trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện đạt các mục tiêu chương trình đề ra; góp phần tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Chị Trần Thị Nhị, ở ấp B1, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) (bìa phải) phấn khởi khi được hỗ trợ nhà ở từ Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: CHÍ BẢO

Trên cơ sở nguồn vốn được giao, với sự tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện 9 dự án chương trình, tính đến nay, tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ đất ở cho 338 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.899 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ, xây dựng 4 công trình nước tập trung. Thực hiện trên 40 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng. Triển khai xây dựng 113 công trình (trong đó 81 công trình lộ giao thông nông thôn, 21 công trình cầu giao thông nông thôn, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 10 công trình mạng lưới chợ); duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng. Xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 5 trường phổ thông dân tộc nội trú; mua sắm trang thiết bị Đài Phát thanh và Truyền hình. Tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chương trình, đào tạo nghề, xóa mù chữ, bồi dưỡng kiến thức dân tộc; các hoạt động hỗ trợ bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số (đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị; xây dựng các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian cho các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, người dân tộc thiểu số...). Tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về tảo hôn, về hôn nhân cận huyết thống; về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trẻ em...

Là một trong những hộ được thụ hưởng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị Trần Thị Nhị, ở ấp B1, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị phấn khởi, chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, gia đình chúng tôi đã góp thêm 10 triệu đồng xây căn nhà mới. Từ nay không còn chịu cảnh nhà dột, cột xiêu như trước nữa. Có nhà mới vợ chồng tôi cũng an tâm để các con ở nhà nhờ bà ngoại chăm sóc, để đi làm ăn xa, phát triển kinh tế gia đình”.

Bà Thạch Thị Phal, ở ấp Nước Mặn, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) rất vui mừng khi được hỗ trợ nhà ở và chuyển đổi ngành nghề từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: CHÍ BẢO

Bà Thạch Thị Phal, ở ấp Nước Mặn, xã Long Phú, huyện Long Phú cũng rất vui mừng khi căn nhà mới của gia đình sắp hoàn thiện. Bà Phal cho hay, gia đình thuộc diện hộ nghèo, bức xúc về nhà ở nên địa phương xét hỗ trợ 44 triệu đồng xây nhà mới. Để tạo thêm sinh kế cho gia đình bà, chính quyền địa phương hỗ trợ cho bà Phal lưới, vỏ lãi và máy từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để gia đình chuyển đổi nghề, có thêm thu nhập vươn lên thoát nghèo.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các nguồn lực từ chính sách

Việc phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Những chính sách đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp kiên cố, chế độ ưu đãi hỗ trợ người dạy, người học ở vùng đồng bào Khmer trên địa bàn đã góp phần tạo động lực cho công tác giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển. Thầy Huỳnh So Phát - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Thạnh Trị cho biết, năm học 2023 - 2024, từ các chính sách của Nhà nước, trường được đầu tư trang thiết bị, ký túc xá, phòng ở cho các em học sinh. Đến nay, trường được đầu tư 34 phòng học, phòng hiệu bộ. Tháng 9/2023, nhà trường được đầu tư thêm 6 nhà công vụ, 1 phòng cho giáo viên trực đêm, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng theo nhu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Em Thạch Quỳnh Hoa - học sinh lớp 9/1, Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Thạnh Trị chia sẻ: “Chúng em học tập ở đây rất tốt, được thầy cô dạy dỗ và chăm sóc rất chu đáo. Ngoài học tập, chúng em còn được vui chơi, thể dục thể thao và rèn luyện tính tự lập”.

Việc phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm. Ảnh: CHÍ BẢO

Đồng chí Lý Rotha cho biết, để đảm bảo triển khai đạt chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tập trung giải ngân vốn Trung ương, tỉnh theo kế hoạch phân bổ vốn của HĐND tỉnh và quyết định giao vốn của UBND tỉnh đảm bảo đúng quy định. Triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, danh mục chương trình, dự án theo phê duyệt của UBND tỉnh, thực hiện thanh, quyết toán kịp thời, không để chậm trễ hay tồn đọng dẫn đến bị thu hồi về ngân sách Trung ương.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức thực hiện chương trình ở các cấp đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phối hợp các sở, ban ngành tỉnh có liên quan triển khai thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn ngân sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các chương trình, dự án, chính sách hiện có và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của chương trình…

Nhờ những chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Khmer Sóc Trăng đang dần thay đổi toàn diện, không chỉ đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao, đồng bào còn luôn nêu cao tinh thần đoàn  kết, bảo tồn văn hóa truyền thống, chung tay, góp sức xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

CHÍ BẢO

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: