Tự hào về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thiều Văn Chỏi

29/04/2024 04:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 29/04/2024 | 04:00

STO - Câu chuyện về tinh thần chiến đấu anh dũng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thiều Văn Chỏi ở vùng đất Ba Trinh (huyện Kế Sách) đã đi vào lòng bao thế hệ trẻ. Hiện nay, ở ngã ba Vàm Bưng - nơi tiếp giáp của hai nhánh sông kinh Đường Trâu và kinh Rạch Vọp ở ấp 7, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, Khu di tích lưu niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Thiều Văn Chỏi trở thành địa chỉ đỏ, góp phần tuyên truyền truyền thống cách mạng yêu nước, là niềm tự hào của nhân dân địa phương.

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, Khu di tích lưu niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Thiều Văn Chỏi lại đón nhiều đoàn khách đến dâng hương, tưởng niệm. Tại nơi đây, chúng tôi được nghe kể những câu chuyện về các trận đánh lịch sử của vùng đất Ba Trinh anh hùng. Trong đó, câu chuyện đánh hạ đồn địch vẻ vang của anh hùng Thiều Văn Chỏi đã khơi dậy lòng tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thiều Văn Chỏi sinh năm 1937, quê ở ấp 7, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách. Bà con địa phương và đồng đội hay gọi ông là Sáu Chỏi. Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo chuyên nuôi giấu cán bộ cách mạng nên từ khi còn rất trẻ, Sáu Chỏi đã sớm có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc. Năm 1962, Sáu Chỏi nhập ngũ và đến năm 1968 được kết nạp Đảng, tham gia hoạt động cách mạng trên địa bàn xã Ba Trinh. Từ khi còn là một chiến sĩ du kích đến khi là Xã đội trưởng rồi giữ chức Huyện đội phó huyện Kế Sách, Sáu Chỏi luôn được nhân dân quý mến bởi tinh thần hữu dũng hữu mưu.

“Ông Sáu Chỏi ưa mặc bộ đồ màu đen, đội nón nỉ. Cứ tờ mờ sáng là ông đi thị sát gần khu vực đồn địch tìm hiểu tình hình để lên kế hoạch hạ đồn. Ông đi lại nhanh nhẹn, kín đáo nên bọn địch khó phát hiện. Nhiều trận thắng của ông đến nay được bà con địa phương nhớ như in. Đáng kể nhất là chuyện bọn địch sợ hãi phải lập miếu thờ ông Sáu Chỏi trong khi ông vẫn còn sống” - cô Bảy Vàng (Trần Ngọc Vàng - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ba Trinh) phụ trách quản lý di tích và cũng là người sống cùng thời với anh hùng Thiều Văn Chỏi kể lại.

Khu di tích lưu niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Thiều Văn Chỏi là niềm tự hào của nhân dân xã Ba Trinh, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Trong những câu chuyện đánh đồn địch của ông Sáu Chỏi được nhắc đến trước hết là phục kích tiêu diệt địch ở đồn Vàm Bưng ngày 2/3/1969. Theo kế hoạch, Sáu Chỏi cùng với 4 du kích mật phục cách đồn Vàm Bưng khoảng 300m. Ngay khi tên Đại đội trưởng Đại đội Bảo an 904 - Trưởng đồn Vàm Bưng cùng bọn lính di chuyển xuống xuồng máy tuần tra thì đội du kích của Sáu Chỏi bất ngờ nổ súng hạ gọn bọn địch trên bờ và dưới xuồng máy. Ở trận này, Sáu Chỏi cùng các chiến sĩ du kích tiêu diệt 7 tên địch, thu được 3 súng và hàng trăm viên đạn, 1 máy PRC25. Trong đó, Sáu Chỏi hạ được 4 tên, còn tên đại đội trưởng bị thương lao xuống sông tẩu thoát. Tiếp đó, rạng sáng 27/3/1969, Sáu Chỏi mai phục trước đồn địch rồi với 2 loạt đạn đã hạ 2 tên và làm bị thương một tên lính khác khiến cho cả đồn địch hoang mang, kinh sợ.

Một lần khác, sau khi nắm được tin bọn lính ở đồn Vàm Bưng cùng Đại đội 575 ở đồn Mang Cá say sưa tiệc tùng sau chuyến hành quân, Sáu Chỏi đã cùng một chiến sĩ du kích hóa trang thành lính bảo an trà trộn vào đội hình địch. Nhân lúc bọn lính còn say sưa chúc tụng, Sáu Chỏi và đồng đội đã xả một loạt đạn và ném lựu đạn hạ gục tại chỗ 5 tên, bị thương 3 tên, lấy 6 súng các loại rồi nhanh chóng rút lui dưới sự che chở của nhân dân địa phương.

Nói về chuyện bọn địch lập miếu thờ Sáu Chỏi ngay khi người anh hùng còn tại thế, ông Hai Nghĩa công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ba Trinh tự hào tiếp nối câu chuyện: Vào sáng ngày 17/11/1969, ông Sáu Chỏi được tin Đại đội Bảo an 904 cùng với một trung đội gồm 27 binh lính sẽ mở trận càn từ đồn Vàm Bưng qua địa phận xã Đại Hải, Sáu Chỏi quyết không bỏ qua cơ hội tiêu diệt địch. Sau khi quan sát kỹ đội hình địch, một mình Sáu Chỏi mang theo 1 khẩu súng Col45, 1 súng AR15 và 4 quả lựu đạn M26 bám sát đội hình địch. Chỉ loạt đạn đầu tiên, Sáu Chỏi đã hạ 2 tên đi đầu. Bị đánh bất ngờ, bọn lính hoảng loạn tháo chạy. Nắm bắt cơ hội, Sáu Chỏi quyết định truy kích rồi tiêu diệt từng tên một. Trận đánh không cân sức diễn ra trong khoảng thời gian 3 tiếng rưỡi, Sáu Chỏi diệt 13 tên địch, bắn bị thương 8 tên, bắt sống 2 tù binh, thu 14 súng các loại, 1 máy PRC25.

Sau khi biết tin binh lính thương vong thảm bại, Thiếu úy Sự, Đồn trưởng đồn Vàm Bưng khiếp sợ. Ba ngày sau, hắn ra lệnh cho bọn lính lập miếu thờ ông “Thần Chỏi”, cứ đến tối là vào miếu thắp nhang cầu nguyện và xin ông “Thần Chỏi” tha mạng. Từ những trận thắng oanh liệt, tên tuổi của Sáu Chỏi và đội du kích xã Ba Trinh vang xa, được quần chúng nhân dân địa phương truyền tụng, tôn kính.

Kể về trận đánh cuối cùng vào ngày 27/9/1972 của anh hùng Thiều Văn Chỏi, ông Hai Nghĩa ngậm ngùi: “Ông Sáu Chỏi gan dạ trong chiến đấu, lại đa mưu túc trí nhưng không may lọt vào ổ phục kích của Trung đội bảo an thuộc đại đội 555 khi đang trên đường đi công tác. Một mình ông kiên cường đánh trả nhưng do bị thương quá nặng nên đã trút hơi thở cuối cùng trong sự tiếc thương của các đồng chí, đồng đội đến chi viện. Mặc dù bị địch phục kích, bị thương nặng nhưng ông Chỏi vẫn bảo vệ được toàn bộ tài liệu bí mật, không để lọt vào tay địch”.

Ghi nhớ công lao to lớn và sự hy sinh, quả cảm của người anh hùng dân tộc Thiều Văn Chỏi trong sự nghiệp giải phóng quê hương, ngày 29/1/1996, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho đồng chí Thiều Văn Chỏi. Đến tháng 5/2000, UBND huyện Kế Sách đã xây dựng nhà bia tưởng niệm 573 anh hùng liệt sĩ của xã Ba Trinh và tượng đài anh hùng Thiều Văn Chỏi tại ngay khu tàn tích đồn Vàm Bưng. Công trình được khánh thành vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/2001.

Hơn nửa thập kỷ trôi qua, chiến công và sự hy sinh oanh liệt của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thiều Văn Chỏi vẫn còn mãi trong tâm khảm của nhân dân địa phương, góp phần làm vẻ vang truyền thống lịch sử của vùng đất Ba Trinh vang danh một thời.

XUÂN NGUYÊN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: