• Công nghiệp

Các biện pháp an toàn phòng tránh tai nạn điện

08/05/2017 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 08/05/2017 | 09:00

STO - Trong chuyên trang “An toàn - Tiết kiệm điện” tháng 4-2017, phóng viên Báo Sóc Trăng có bài viết “Cảnh báo tình hình tai nạn điện trong dân”. Qua bài viết trên, chúng ta thấy được thực trạng về tai nạn điện trong dân, nhẹ thì gây mất điện phụ tải, hư hỏng thiết bị trên lưới điện mà nặng có thể gây thương tật, gây ảnh hưởng đến mạng sống con người.

Đề cao cảnh giác... 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, trên cả nước đã xảy ra hơn 300 vụ cháy, nổ tại các trạm biến áp, cột điện, đường dây dẫn điện ngoài trời. Tại Sóc Trăng, đã xảy ra 9 vụ tai nạn điện và cháy nổ trong nhân dân có liên quan đến điện. Hiện nhu cầu sử dụng điện cho việc nuôi tôm, sinh hoạt và giải trí… ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hiểm họa xảy ra sự cố về điện cũng là điều không tránh khỏi và là hồi chuông báo động để mỗi người trong chúng ta nên cẩn trọng và có trách nhiệm hơn.

Kiểm tra hệ thống an toàn điện trong ao nuôi tôm.

Ở Sóc Trăng, các tai nạn điện và cháy nổ trong nhân dân liên quan đến điện do người dân thiếu ý thức khi dùng dây chì nối với nguồn điện trong nhà để bẫy chuột; sử dụng máy khoan bị hư hỏng gây rò điện ra phần kim loại bên ngoài; tự ý sửa chữa điện trên đường dây sau điện kế ra ao tôm để chạy quạt nuôi tôm vô tình trạm vào dây dẫn điện bị tróc vỏ; vi phạm khoảng cách an toàn đến đường dây cao áp…

Tất cả những việc xảy ra nêu trên cho thấy, ý thức tự giác và sự hiểu biết về những quy định liên quan đến an toàn lưới điện của người dân còn kém, chế tài xử lý còn bất cập. Chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm vào cuộc vì coi đây là trách nhiệm của ngành điện.

Trong khi đó, với vai trò là doanh nghiệp, ngành điện có nhiệm vụ bảo vệ lưới điện, nhưng khi phát hiện vi phạm thì chỉ có thể tuyên truyền thuyết phục, nếu người dân cố tình vi phạm thì phải nhờ đến pháp luật, chính quyền. Việc xử lý cũng trên quan điểm “giáo dục là chính chứ bắt người dân đền bù là bất khả kháng vì thiệt hại thường rất lớn”. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân quan trọng, cộng với hiểu biết chưa đầy đủ về sự nguy hiểm của lưới điện khiến nhiều người vẫn “rất thờ ơ và cứ làm liều”.

Để hạn chế tai nạn điện và cháy nổ có liên quan đến điện, đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng hiệu quả vẫn chưa được là bao. Vì vậy, sự đồng thuận và cùng bắt tay tham gia của toàn xã hội là vấn đề then chốt. Khi xử lý cần có chế tài thật nghiêm minh và cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các cơ quan chính quyền, cơ quan pháp luật.  Song song với các công tác này, việc xử lý tốt vấn đề an toàn hành lang lưới điện, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân có ý thức bảo vệ lưới điện cũng như bảo vệ chính tính mạng của họ cũng là các công tác cần triển khai tích cực.

… và kiến thức cơ bản để người dân nâng cao ý thức cảnh giác

Để chủ động ngăn ngừa, giảm nguy cơ cháy nổ và các tai nạn khác do điện gây ra, đặc biệt là trong mùa mưa bão; đồng thời để mọi người hiểu rõ cách sử dụng điện an toàn, phòng tránh các tai nạn điện đáng tiếc xảy ra khi sử dụng điện, thời gian qua, ngành điện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản cho người dân nhận thức, nâng cao ý thức cảnh giác. Theo đó, việc thực hiện “12 biện pháp sử dụng điện an toàn” để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản khi có sự cố về điện. 

Các biện pháp đề phòng tai nạn điện và hỏa hoạn khi sử dụng điện:

1. Không chạm vào chỗ đang có điện trong nhà, như: ổ cắm điện, cầu dao, cầu chì không có nắp đậy, chỗ tróc vỏ bọc cách điện của dây dẫn điện, chỗ nối dây, dây điện trần… để không bị điện giật chết người.

2. Dẫn dây điện trong nhà phải được đặt trong ống cách điện và dùng loại dây có vỏ bọc cách điện, có tiết diện dây đủ lớn để có dòng điện cho phép của dây dẫn lớn hơn dòng điện phụ tải để dây điện không bị quá tải gây chạm chập, phát hỏa trong nhà.

3. Phải lắp cầu dao hoặc áptômát hoặc thiết bị ngắt nhanh ở phía sau điện kế, ở đầu đường dây điện chính trong nhà, ở đầu mỗi nhánh dây phụ và lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt nhanh dòng điện khi có chạm chập hoặc quá tải, ngăn ngừa phát hỏa do điện.

4. Khi sử dụng các công cụ điện cầm tay (máy khoan cầm tay, máy mài cầm tay...) phải mang găng tay cách điện hạ thế để không bị điện giật khi công cụ điện bị rò điện.

5. Khi sửa chữa điện trong nhà phải cắt cầu dao điện và treo bảng: “Cấm đóng điện, có người đang làm việc” tại cầu dao để không bị điện giật.

6. Không để trang thiết bị phát nhiệt ở gần đồ vật dễ cháy, nổ để không làm phát hỏa trong nhà.

7. Không sử dụng dây điện, thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà… có chất lượng kém, vì các thiết bị điện này có lớp cách điện xấu dễ gây chạm chập, rò điện ra vỏ gây điện giật chết người cho người sử dụng, gây phát hỏa trong nhà.

8. Không bắn súng hoặc ném đất đá, thanh, cây kim loại, dây kim tuyến, pháo hoa, vật lạ... vào đường dây điện, trạm điện vì có thể làm chạm chập, đứt dây gây nguy hiểm.

9. Không lắp đặt ăng ten tivi gần đường dây, trạm điện vì ăng ten có thể ngã đổ vào dây điện, trạm điện gây chạm chập, đứt dây, phóng điện rất nguy hiểm, làm chết người đang tháo lắp ăng ten.

10. Không được tới gần đường dây, trạm điện 15kV, 22kV trong phạm vi 2m (đường dây, trạm điện 110kV trong phạm vi 4m) bằng bất cứ cách gì, như: xây dựng nhà cửa, xây dựng công trình, leo lên mái nhà, sân thượng; leo ra ban công, lan can, ô văng… từ các nhà, công trình ở gần đường dây, trạm điện hoặc đưa đồ vật dài, cần cẩu của xe cẩu… lên gần đương dây điện để phòng ngừa điện giật hoặc bị điện cao thế phóng chết người.

11. Khi trời mưa, giông, bão… không chạm người vào cột điện, dây chằng cột, dây nối đất, thùng điện kế, thùng cầu dao… để đề phòng điện giật do rò điện.

12. Khi phát hiện trụ điện ngã hoặc dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao, hồ… người phát hiện không được đến gần và phải cấp báo cho mọi người xung quanh biết, tìm cách lập rào chắn, dùng mọi phương tiện thông tin báo ngay cho điện lực khu vực.

Q. Bình

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: