• Công nghiệp

Khuyến công Sóc Trăng

Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới

01/11/2021 15:31 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 01/11/2021 | 15:31

STO - Tình hình dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thiếu hụt nguồn lao động, thị trường đầu ra sản phẩm, một số hoạt động SXKD bị đình trệ, đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả tỉnh. Nhưng với những nỗ lực, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát...

Để kịp thời hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi SXKD trong trạng thái bình thường mới, Sở Công Thương Sóc Trăng đã có nhiều giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp, cơ sở SXKD sớm ổn định sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những giải pháp là thông qua chương trình khuyến công hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tăng năng lực cạnh tranh và góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương.

Nhờ được hỗ trợ đầu tư lò sấy lạp xưởng từ nguồn khuyến công địa phương, doanh nghiệp tư nhân Phú Hương - An Thành SXKD hiệu quả hơn. Ảnh: H.LAN

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, thực hiện Quyết định số 3536/QĐ-BCT, ngày 30-12-2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2021; Quyết định số 1738/QĐ-UBND, ngày 12-7-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về việc phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch khuyến công năm 2021, Sở Công Thương Sóc Trăng chỉ đạo trung tâm thông qua nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đầu tư trang thiết bị khôi phục SXKD. Đến nay, trung tâm đã hoàn thành việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Phú Hương - An Thành và Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Đức đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Hiện các đề án hỗ trợ đã và đang mang lại những kết quả tích cực.

Anh Trần Xuân Kế - chủ doanh nghiệp tư nhân Phú Hương - An Thành phấn khởi cho biết: “Thông qua đề án hỗ trợ lò sấy lạp xưởng từ nguồn kinh phí khuyến công của địa phương, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện đổi mới trang thiết bị sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Với cách sản xuất truyền thống trước đây, mỗi tháng cơ sở tôi chỉ sản xuất được 600kg lạp xưởng, nay với lò sấy hiện đại, mỗi tháng tôi có thể sản xuất số lạp xưởng gấp đôi mà chỉ cần điều khiển trên bảng điện tử rất tiện lợi và hiện đại”.

Anh Kế cho biết thêm, tổng kinh phí đầu tư lò sấy là 350 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 130 triệu đồng, còn lại là phần đối ứng của gia đình. Việc sử dụng lò sấy sử dụng điện trở nhiệt được lập trình, điều khiển tự động đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm hư hỏng nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng, rút ngắn thời gian sấy, giảm phát thải ô nhiễm môi trường, công suất được nâng lên gấp đôi so với sử dụng lò đốt than truyền thống, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 9 lao động tại địa phương, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.

Theo dự kiến, trong năm 2021, trung tâm sẽ thực hiện hoàn thành 10 đề án hỗ trợ 13 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí thực hiện 6 tỉ 180 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1 tỉ 200 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 1 tỉ 367 triệu đồng. Thông qua việc hỗ trợ sẽ giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh từng bước khắc phục những khó khăn, khôi phục hoạt động SXKD sau thời gian giãn cách xã hội, góp phần giúp doanh nghiệp, cơ sở SXKD sớm ổn định trong trạng thái bình thường mới, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người lao động, đặc biệt là lao động từ ngoài tỉnh trở về địa phương sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. 

Chính nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh, Bộ Công Thương, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các sở, ban ngành và địa phương, nhất là sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của Sở Công Thương cùng với sự chủ động của trung tâm trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phục hồi và phát triển sản xuất trong trạng thái bình thường mới sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh khôi phục các hoạt động SXKD sau dịch bệnh, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công Trung ương và địa phương để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất sau dịch bệnh theo hướng bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Sóc Trăng.

H.LAN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: