• Công nghiệp

Nguồn vốn khuyến công góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn

17/08/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 17/08/2017 | 06:00

STO - Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, một số cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) có thêm điều kiện thuận lợi khi đầu tư, ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, kinh doanh.

Những ngày qua, anh Trương Hải Ngân, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Đất Phương Nam tại ấp Kiết Thắng, xã Lâm Kiết phấn khởi hơn khi máy móc, thiết bị đã được bổ sung kịp thời để chuẩn bị cho việc sản xuất bánh kẹo, nhất là thời điểm mùa trung thu sắp tới. Không giấu nỗi vui mừng, anh Ngân chia sẻ: “Cơ sở của tôi thành lập được gần một năm nay nên còn nhiều khó khăn do thiếu thốn máy móc thiết bị. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, tôi đầu tư thêm các thiết bị, máy móc như: máy đóng gói, lò nướng bánh, máy định hình bánh trung thu, máy tách vỏ đậu, máy cắt kẹo”.

Các ngành chức năng nghiệm thu đề án khuyến công tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Đất Phương Nam của anh Trương Hải Ngân ở xã Lâm Kiết (Thạnh Trị).

Khoảng một năm trước, anh Trương Hải Ngân đầu tư nhà xưởng với diện tích 210m2 để sản xuất bánh kẹo. Tuy nhiên, để đầu tư đủ các thiết bị, máy móc thì phải cần nguồn kinh phí lớn. Thông qua các kênh thông tin, truyền thông, anh Ngân đã chủ động tiếp cận chính sách hỗ trợ từ chương trình khuyến công của tỉnh để lập đề án xin hỗ trợ thực hiện đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, giúp cơ sở giảm một phần chi phí đầu tư. Việc đầu tư này không chỉ tạo nền tảng cho cơ sở của anh Ngân phát triển bền vững mà còn thúc đẩy phát triển công nghiệp tại địa phương.

Theo đó, tổng mức đầu tư cho các thiết bị là 451 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ cho cơ sở là 120 triệu đồng. Với sự hỗ trợ trên, mùa trung thu năm nay, cơ sở của anh Ngân đã an tâm vì đã có máy móc mới phục vụ sản xuất bánh để bán ra thị trường. Theo dự kiến của anh Ngân, sau khi hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, mỗi ngày cơ sở sẽ sản xuất 200kg bánh kẹo, nếu vào dịp tết thì công suất đạt 500kg bánh kẹo/ngày. Ngoài ra, cơ sở cũng tạo việc làm cho từ 20 đến 30 lao động ở địa phương, mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ vậy, việc đầu tư máy móc cũng giúp cơ sở hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tiêu thụ điện năng trong sản xuất.

Cũng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cũng vừa hỗ trợ máy móc thiết bị cho anh Thạch Sơn Lắm, chủ cơ sở sơ chế tôm ở xã Lâm Kiết. Được biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ sở của anh Thạch Sơn Lắm chủ yếu là sơ chế tôm bằng phương pháp thủ công nên năng suất và chất lượng không cao. Hiện nay, cơ sở có 120 lao động (riêng khâu phân loại kích cỡ sử dụng khoảng 20 lao động). Trung bình mỗi ngày, cơ sở gia công phân cỡ và bóc vỏ khoảng 4 tấn tôm. Để rút ngắn thời gian sơ chế, hạn chế nguyên liệu tiếp xúc trực tiếp với tay công nhân có nguy cơ lây nhiễm vi sinh, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở cần trang bị một máy phân cỡ tôm với công suất 1.000kg/giờ. Tổng kinh phí đầu tư cho máy gần 600 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 140 triệu đồng. Dự kiến sau khi đầu tư máy phân cỡ tôm, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 6 tấn tôm, tăng 1,5 lần so với hiện trạng...

Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thạnh Trị, sau khi được hỗ trợ sẽ giúp cho cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm ổn định cho 110 lao động, có mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng; đồng thời, góp phần cải thiện môi trường làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tích cực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn.

Hiện nay, trên địa bàn xã Lâm Kiết có 40 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần tạo việc làm cho hơn 180 lao động tại địa phương. Nguồn kinh phí hỗ trợ của khuyến công sẽ là động lực thúc đẩy, khuyến khích các cơ sở đầu tư thiết bị, dây chuyền; đồng thời, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo thêm việc làm mới và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.

Hải Hà

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: