• Huyện Cù Lao Dung

Phát huy tinh thần tự thân lập nghiệp

18/12/2023 04:59 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 18/12/2023 | 04:59

STO - Với mong muốn tìm hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình, nhiều thanh niên ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã thử nghiệm mô hình nuôi heo rừng, kinh doanh mật ong thiên nhiên đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho chủ thể, đồng thời góp phần khuyến khích, định hướng cho thanh niên địa phương vươn lên lập thân, lập nghiệp.

Anh Tạ Kim Thương - Bí thư Chi đoàn ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1, thị trấn Cù Lao Dung là một điển hình tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập nghiệp của địa phương. Năm 2020, sau khi tìm hiểu về mô hình nuôi heo rừng, anh Thương quyết định khởi nghiệp với 4 con heo rừng sinh sản. Sau 1 năm chăm sóc, đàn heo rừng khỏe mạnh, sinh sản tốt, giúp cho anh Thương có động lực để mở rộng mô hình chăn nuôi.

Anh Tạ Kim Thương (bìa phải) ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thành công với mô hình nuôi heo rừng. Ảnh: XUÂN THANH

Được Huyện đoàn tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Thương mạnh dạn cải tạo khu đất vườn của gia đình, xây chuồng trại để phát triển đàn heo giống và heo thịt, đồng thời trồng rau, chuối, các loại cây nhằm tạo nguồn thức ăn chính cho đàn heo. Anh Thương cho biết, hiện đàn heo rừng có hơn 40 con heo giống và 15 con heo sinh sản. Ưu điểm của heo rừng là sức đề kháng cao, dễ nuôi. Nhờ tận dụng rau trồng tại chỗ, các loại cỏ mọc tự nhiên làm thức ăn cho heo nên giúp anh giảm chi phí và tăng thu nhập trong quá trình chăn nuôi.

Mỗi năm, heo rừng sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 6 - 12 con. Heo con nuôi từ 4 - 6 tháng đạt trọng lượng từ 15kg là có thể xuất bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg. Ngoài xuất bán heo thịt, anh Thương chọn những con heo khỏe mạnh để bán heo giống. Từ khi áp dụng mô hình nuôi heo rừng bán thịt và heo giống, kinh tế gia đình của anh Thương khấm khá, cuộc sống ổn định. Trong năm 2022, anh Thương xuất bán hơn 150 con heo rừng giống và heo thịt, thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Cùng với việc cung cấp heo rừng giống cho các dự án hỗ trợ con giống cho hộ nghèo ở địa phương, anh Thương còn hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăn nuôi heo rừng, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chia sẻ về kế hoạch mở rộng phát triển mô hình chăn nuôi trong tương lai, anh Tạ Kim Thương cho biết: “Hiện tại ở ấp có 14 hộ nuôi heo rừng hiệu quả, chúng tôi dự định trong thời gian tới sẽ thành lập hợp tác xã nuôi heo rừng để tạo sự liên kết, trao đổi thông tin, chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng đàn heo, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở địa phương”.

Chị Trần Thị Ngọc Hân (bìa trái) ở ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) giới thiệu các sản phẩm từ mật ong. Ảnh: XUÂN THANH

Trong phong trào lập nghiệp ở xứ cù lao, còn có chị Trần Thị Ngọc Hân, ở ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam thành công với mô hình kinh doanh mật ong và các sản phẩm làm từ mật ong. Năm 2015, qua câu chuyện sinh kế với nghề “ăn ong” dưới tán rừng của một số người dân địa phương, biết rõ các đầu mối cung cấp mật chất lượng tốt nhất, nắm rõ đặc tính của mật ong, chị Hân nảy ra ý tưởng gầy dựng uy tín cho sản vật quý của quê nhà. Sau thời gian bán thử nghiệm mật ong rừng thiên nhiên, nhận được phản hồi tích cực về chất lượng mật, chị Hân mạnh dạn đăng ký cơ sở kinh doanh, đóng chai, làm nhãn hiệu để đưa sản phẩm mật ong nguyên chất đến gần với người tiêu dùng.

“Mật ong sau khi mua về từ thợ gác kèo, tôi trực tiếp kiểm tra chất lượng rồi mới vắt mật đóng chai. Với quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công, toàn bộ các vitamin, khoáng chất tự nhiên có trong mật được bảo toàn. Hiện tại, ở cửa hàng có các sản phẩm là mật ong ruồi và mật ong rừng thiên nhiên với nhãn hiệu “Mật ong Cô Hân”. Để tiếp cận khách hàng, ngoài việc bày bán trực tiếp, tôi còn giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, tham gia trưng bày sản phẩm ở các hội chợ cấp huyện và cấp tỉnh. Gần 8 năm bén duyên với mật ong, tôi luôn mong muốn sản vật quê mình ngày càng được người tiêu dùng biết đến. Hiện sản phẩm mật ong đã hoàn tất hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP”, chị Hân chia sẻ.

Được biết, nguồn thu nhập từ việc kinh doanh mật ong đã giúp cho chị Trân có kinh phí mở tiệm cơm 0 đồng mỗi tháng 2 lần, mang đến những bữa cơm ấm lòng cho người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Đồng chí Trương Hải Đông - Bí thư Huyện đoàn Cù Lao Dung cho biết, trong những năm qua, đoàn thanh niên các cấp của huyện Cù Lao Dung luôn quan tâm, đồng hành, tạo điều kiện cho thanh niên phát huy tiềm năng, lợi thế để khởi nghiệp, lập nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế thông qua các mô hình chăn nuôi và trồng trọt. Theo đó, từ chương trình kết nối nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Huyện đoàn đã giúp cho nhiều đoàn viên, thanh niên có việc làm, phát triển mô hình kinh tế, sản xuất kinh doanh. Tranh thủ nguồn vốn từ Dự án Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới, Huyện đoàn đã hỗ trợ cho các chủ thể hoàn thiện quy trình, hồ sơ sản phẩm công nhận OCOP, từ đó tạo chuỗi giá trị phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng của địa phương, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Huyện đoàn còn khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế hay, lan tỏa cách làm hay, hiệu quả đến đoàn viên, thanh niên ở địa phương.

XUÂN THANH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: