• Văn hóa - Thể thao

Hàng trăm ngư dân nô nức dự Lễ hội Nghinh Ông Trần Đề

29/04/2024 15:40 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 29/04/2024 | 15:40

STO - Đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến ngày 21/3 âm lịch, ngư dân huyện Trần Đề (Sóc Trăng) lại háo hức tham gia Lễ hội Nghinh Ông với ý nghĩa cầu cho biển lặng, gió hòa, quốc thái dân an, ngư dân ra khơi may mắn, đánh bắt được nhiều hải sản. Qua nhiều năm được huyện Trần Đề duy trì tổ chức đã khẳng định sức sống của một lễ hội dân gian tồn tại trong đời sống của người dân ở vùng ven biển.

Lễ hội Nghinh Ông năm nay diễn ra vào ngày 29/4 (nhằm ngày 21/3 âm lịch) được tổ chức tại Lăng Ông Nam Hải, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề. Đến dự có đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Trần Đề và hàng trăm người dân trong và ngoài huyện.

Đoàn rước kiệu Ông chuẩn bị lên tàu ra cửa biển rước Ông. Ảnh: HẢI HÀ

Ngay từ sáng sớm, nhiều tàu thuyền lớn, nhỏ ở Trần Đề đã được trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ hộ tống tàu chính ra biển thỉnh cá Ông. Tàu chính được trang bị nhạc, trống, múa lân, kiệu, cờ, lọng, đồ cúng tế rất trang trọng. Đoàn tàu ra đến cửa biển, trống, kèn nổi lên, ngư dân cầu nguyện, cúng bái “xin keo” rồi quay trở về. Tiếp đến, tại Lăng Ông Nam Hải, đoàn rước bắt đầu các nghi thức cúng bái với hàng trăm người và chính thức khai mạc lễ hội.

Lễ hội Nghinh Ông được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của người đi biển. Lễ hội gồm có hai phần chính là lễ rước Ông và lễ tế truyền thống. Lễ rước kiệu tướng quân Nam Hải là nghi thức được tổ chức long trọng nhất, ngoài ra còn có các lễ hội thỉnh Bà, cúng Chánh Tế, cúng Tiền Vãng và không kém phần quan trọng kết thúc chương trình lễ là lễ Tôn Vương.

Nhiều tàu lớn nhỏ của những ngư dân tham gia Lễ hội Nghinh Ông. Ảnh: HẢI HÀ

Theo các ngư dân huyện Trần Đề, Lễ hội nghinh Ông có từ năm 1955 tại Bãi Giá (trước đây thuộc xã Trung Bình, huyện Long Phú). Thời đấy, người dân đi biển phát hiện một xác cá ông to lớn trôi dạt tại bờ kênh này. Người dân địa phương đã vớt xác cá Ông vào bờ lập miếu thờ cúng bằng tre lá đơn sơ. Một thời gian sau, ngư dân làng này làm ăn phát đạt, mới dời hài cốt “Ông” cá về thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề. Dân làng đặt tên là Lăng Ông Nam Hải và thành lập ban quản trị để chăm sóc, hương khói và bảo quản di tích.

Ghe chính được trang bị nhạc, trống, múa lân, kiệu, cờ, lọng, đồ cúng tế trang trọng. Ảnh: HẢI HÀ

Được tổ chức hằng năm, Lễ hội Nghinh Ông dần dần trở thành một trong những lễ nghi có vị trí quan trọng trong tâm thức người dân nơi đây, đồng thời mang đậm tính truyền thống của ngư dân vùng biển. Ông Huỳnh Quốc Chí, ngư dân ở thị trấn Trần Đề cho biết: “Hằng năm, cứ đến ngày 21/3 âm lịch, ngư dân chúng tôi đều tập trung đầy đủ để tỏ lòng biết ơn đối với tướng quân của biển cả và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, giúp khai thác nguồn lợi thủy sản thuận lợi hơn. Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện nên lễ hội năm nay được quy mô hơn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân và phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội”.

Với những giá trị đối với cộng đồng, năm 2019, Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Trần Đề được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị, năm nay Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức nâng tầm lên quy mô cấp huyện, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, đa dạng.

Đồng chí Trần Cẩm Tú - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trần Đề cho biết: “Lễ hội Nghinh Ông nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân huyện Trần Đề. Thông qua lễ hội còn góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của địa phương, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư để phát triển các tiềm năng, thế mạnh của huyện”.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (bìa phải) cùng lãnh đạo Huyện ủy Trần Đề trên tàu tham gia Lễ hội Nghinh Ông. Ảnh: HẢI HÀ

Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 29/4 - 1/5 ( tức ngày 21 - 23/3 âm lịch). Bên cạnh việc tổ chức các nghi lễ, nhiều hoạt động hưởng ứng khác cũng được diễn ra và thu hút đông đảo người dân tham gia như: Hội thi cắm hoa và trưng bày mâm ngũ quả; Hội thi vẽ tranh với chủ đề “Em yêu Trần Đề”; diễu hành “Đạp xe vì môi trường” và các trò chơi dân gian khác như: kéo co, nhảy bao, nhảy dây tập thể, đua mong… tạo thành chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, thu hút cộng đồng và phát triển du lịch.

Để đảm bảo Lễ hội Nghinh Ông diễn ra an toàn, vui tươi, UBND huyện Trần Đề đã chỉ đạo các phòng, ban ngành có liên quan phối hợp chuẩn bị chu đáo các hoạt động, trong đó chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm trong các ngày diễn ra lễ hội.

HẢI HÀ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: