• Huyện Kế Sách

Huyện Kế Sách, mảnh đất giàu tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp

09/02/2024 04:17 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 09/02/2024 | 04:17

STO - Trong năm 2023, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Kế Sách có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết của huyện đề ra đều đạt và vượt. Điểm nổi bật của huyện là diện tích cánh đồng mẫu được mở rộng, có nhiều sản phẩm trái cây đạt sao OCOP. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; mạng lưới giao thông không ngừng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân…

Kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo

Kế Sách là huyện có diện tích cây ăn trái lớn, được ví như “thủ phủ” cây ăn trái của tỉnh. Ngoài diện tích cây ăn trái phát triển mạnh, bền vững, thì cây lúa và các hoạt động thương mại - dịch vụ; các lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện cũng phát triển rất tích cực, qua đó đã góp phần đem lại đời sống ấm no, sung túc cho người dân trên địa bàn huyện. Tất cả các thành tựu huyện Kế Sách đã đạt được trong năm 2023 là do Huyện ủy, UBND huyện luôn bám sát chỉ đạo cùng sự triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội linh động, sáng tạo, kịp thời và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng tham quan gian trưng bày sản phẩm trái cây của huyện Kế Sách. Ảnh: THÚY LIỄU

Là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, do đó huyện rất chú trọng đến phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, diện tích lúa gieo trồng của huyện trong năm 2023 là 27.485ha, sản lượng ước đạt 176.657 tấn, tăng hơn 8,5% so cùng kỳ, trong đó sản lượng lúa đặc sản chiếm gần 82%. Diện tích lúa được ký kết hợp đồng tiêu thụ với công ty, doanh nghiệp là 1.800ha, tăng 300ha so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận đem về cho hộ dân trồng lúa từ 15 - 25 triệu đồng/ha. Về cây ăn trái, huyện có diện tích hơn 18.000ha, tăng 189ha so cùng kỳ, trong đó, diện tích sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP 229ha, có 9 xã trồng cây ăn trái được cấp 42 mã vùng trồng, diện tích 387ha trên 5 loại cây ăn trái (bưởi, nhãn, xoài, sầu riêng, vú sữa). Toàn huyện có 25 hợp tác xã cây ăn trái, trong đó có 8 hợp tác xã được cấp Chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP; 10 hợp tác xã được cấp nhãn hiệu tập thể.

Trong năm, có 14 hợp tác xã làm đầu mối liên kết doanh nghiệp hợp đồng tiêu thụ được gần 1.200 tấn trái cây các loại; hộ dân có lợi nhuận từ làm vườn hơn 150 triệu đồng/ha/năm và tỷ lệ diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện có hiệu quả kinh tế chiếm gần 56%. Về lĩnh vực chăn nuôi, huyện có số lượng trang trại chăn nuôi lớn, với 37 trang trại, trong đó có 33 trại nuôi gà, 4 trại nuôi heo; tổng số đàn gà nuôi trang trại chiếm gần 90% tổng đàn gà của huyện. Có 5 trang trại và 28 gia trại nuôi thủy cầm, số lượng chiếm 45% tổng đàn thủy cầm của huyện. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP trên địa bàn huyện, tính đến nay huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 10 sản phẩm đạt sao OCOP, sản phẩm đạt OCOP chủ yếu là trái cây.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của huyện ổn định và tăng so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 910 tỷ đồng, tăng gần 11% so cùng kỳ. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển, các cửa hàng tiện lợi được mở rộng tại các xã, thị trấn; các dịch vụ về vận tải, bưu chính - viễn thông... có bước phát triển, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện; hệ thống chợ nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch. Thu ngân sách tăng đạt 110% chỉ tiêu đề ra. Cùng với đó, huyện đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Cụm Công nghiệp An Lạc Thôn 1, Cảng tổng hợp Cái Côn Khu tái định cư; đồng thời, huyện đang triển khai 11 dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, huyện thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện. Chất lượng giáo dục - đào tạo của huyện được nâng lên, có 100% trường học hoàn thành chương trình, kế hoạch dạy và học. Mạng lưới y tế được củng cố, dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân được mở rộng. Công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định. Huyện thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và chăm lo tốt các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng…

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đi thực tế điểm sạt lở bờ sông, xảy ra tại thị trấn Kế Sách (Sóc Trăng) để kịp thời chỉ đạo khắc phục sạt lở. Ảnh: THÚY LIỄU

Phấn đấu đưa huyện vươn tầm cao mới

Theo đồng chí Lê Vũ Đức - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kế Sách, Chủ tịch HĐND huyện, mục tiêu của huyện trong năm 2024 là duy trì sự ổn định của nền kinh tế, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quan tâm phát triển lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Tập trung kêu gọi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư vào khu, cụm công nghiệp; các công trình, dự án phục vụ phát triển đô thị và nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ. Tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu của huyện đề ra trong năm 2024, đồng chí Nguyễn Thanh Trong - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kế Sách nêu các giải pháp huyện sẽ triển khai đến các đơn vị và các địa phương trong toàn huyện thực hiện đó là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo quy mô cánh đồng lớn. Triển khai đạt hiệu quả Đề án phát triển chăn nuôi bò; Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn các chương trình, dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường về cung cầu, nhằm có phương án cung ứng kịp thời hàng hóa đến người dân. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, để thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo làm nền móng cho phát triển kinh tế số, xã hội số văn minh, hiện đại, an toàn. Tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; quan tâm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, nhằm chăm lo tốt hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội…

Một mùa xuân mới lại về, cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn huyện Kế Sách đang hân hoan đón chào xuân đến, bởi trong năm 2023 huyện nhà đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Tin rằng, trong năm mới 2024, với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội huyện sẽ vươn tầm cao mới.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: