• Huyện Mỹ Xuyên

Hiệu quả từ phong trào “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế ở huyện Mỹ Xuyên

07/11/2022 03:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 07/11/2022 | 03:50

STO - Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngân - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mỹ Xuyên cho biết, một trong những kết quả nổi bật của huyện Mỹ Xuyên là thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Phong trào đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, chương trình hành động của địa phương đến với người dân, từ đó nâng cao nhận thức, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân trong tham gia thực hiện.

Ngoài thành công trong huy động sức dân tham gia hiến đất, ngày công lao động, tiền của để thực hiện xây dựng cầu, lộ nông thôn, trường học, trồng hoa, chỉnh trang nhà cửa… thì không thể không nhắc đến việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình là hộ ông Nguyễn Thành Công ở ấp Cổ Cò, xã Ngọc Tố. Lúc đầu, ông Công chỉ chuyển đổi nuôi thử vài con dê nhưng đến nay đã có tổng đàn dê hơn 50 con, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng; đồng thời, ông chủ động được nguồn thức ăn, con giống và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hội viên nông dân trong xã. Ông Công cho biết: "Thị trường tiêu thụ dê thịt khá "rộng cửa", nhiều thương lái đến gia đình để tìm mua dê tận chuồng. Dê xuất chuồng có trọng lượng từ 25 - 40kg/con, giá bán dao động từ 90.000 - 110.000 đồng/kg". Ngoài nuôi dê thịt, ông Công còn cung cấp ra thị trường dê giống. Dê giống được nuôi khoảng 6 tháng tuổi là có thể xuất bán với giá 3 triệu đồng/con. Mô hình này đang được nhân rộng tại địa phương, rất phù hợp với các hộ có ít đất. Nhờ thực hiện chuyển đổi vật nuôi đã giúp ông Công và nhiều hộ dân trong xã Ngọc Tố có thu nhập tốt.

Mô hình nuôi thỏ khép kín của chị Tô Kiều Diễm, ở ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Nhờ nắm vững kiến thức về chăn nuôi, chị Tô Kiều Diễm, ở ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1 nuôi thỏ theo chu trình khép kín, chủ động từ khâu con giống đến khi xuất bán. Chị Diễm cho biết, thỏ con nuôi từ 5 - 6 tháng là có thể sinh sản. Nếu thỏ đã trưởng thành thì mỗi tháng đẻ một lần. Mỗi năm 1 con thỏ cái đẻ trung bình 12 lứa. Tùy theo lượng thỏ bán ra, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, chị Diễm còn lãi từ 4 triệu - 6 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 50 triệu đồng/năm. Thành công trong chuyển đổi vật nuôi, vợ chồng chị Diễm không giấu nghề mà trở thành tuyên truyền viên tích cực vận động, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thỏ cho những ai có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm để nuôi; đồng thời, còn đến tận nơi hộ nuôi mua con giống của chị, để hướng dẫn họ cách phối giống thỏ có hiệu quả.

Cũng nhờ sự tuyên truyền, vận động, khuyến khích và hỗ trợ tích cực từ địa phương, anh Phạm Duy Khánh, ở ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi lươn không bùn với bể nuôi rất bài bản. Toàn bộ diện tích dành nuôi lươn được anh xây dựng kiên cố, có luôn ao lắng, lọc nước để cấp nước lên ao nuôi lươn, thuận lợi cho việc chăm sóc cũng như giúp lươn phát triển tốt. Theo anh Khánh, việc chia ra từng bể nuôi nhỏ sẽ giúp cho quá trình phân loại lươn, lươn tăng trưởng tốt hơn, tạo độ lớn đồng đều, nhất là tiện cho ăn và chăm sóc. Chính nhờ mô hình nuôi lươn này mà gần 2 năm qua, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định. Hiện mô hình nuôi lươn của anh Khánh là địa chỉ tham quan, học tập của nhiều đoàn viên thanh niên trong huyện.

Có thể khẳng định, “Dân vận khéo” đã giúp từng hộ dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mỹ Xuyên chiếm hơn 26% thì đến nay chỉ còn 1,62%. Đây là minh chứng sinh động cho hiệu quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại địa phương. Tin chắc rằng, phong trào này sẽ tiếp tục lan tỏa và nâng chất trong thời gian tới, góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác xóa nghèo, hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

HOÀNG LAN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: