• Huyện Thạnh Trị

Mô hình luân canh lúa - đậu nành: Giải pháp sản xuất hiệu quả và bền vững

07/01/2024 04:47 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 07/01/2024 | 04:47

STO - Trên địa bàn huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) hiện tại có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tạo được sự tham gia tích cực của nông dân. Trong đó, mô hình luân canh lúa - đậu nành của anh Phạm Thanh Ca triển khai tại Ấp 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị được biết đến như một giải pháp sản xuất mang đến hiệu quả bền vững.

Đến Ấp 3, thị trấn Phú Lộc hỏi về anh Phạm Thanh Ca không ai không biết, bởi lẽ, anh đang là người tiên phong trong mô hình luân canh lúa - đậu nành khá thành công ở địa phương. Vì vậy, tôi dễ dàng hỏi thăm được đường đi đến nhà, đến ruộng của anh Ca.

Anh Phạm Thanh Ca tiếp tôi tại ruộng. 2ha lúa của anh đều tăm tắp, lá lúa dựng thẳng đứng xanh mướt, tươi tốt nổi bật giữa cánh đồng bao la, hứa hẹn một vụ mùa bội thu nữa. Anh Ca chia sẻ: “Đất ruộng sau vụ đậu nành làm gia tăng hàm lượng đạm hữu dụng do sự cố định đạm của vi khuẩn nốt sần từ bộ rễ. Sau khi thu hoạch, các bộ phận của cây đậu nành được vùi trả lại cho đất nên cải thiện được cấu trúc đất, đồng thời cũng gia tăng hàm lượng chất hữu cơ trong đất, từ đó đã làm giảm đáng kể lượng phân vô cơ bón cho vụ lúa tiếp theo. Điều này cũng giúp cho mô hình canh tác ít tác động hóa chất độc hại đến môi trường hơn; đất đai cũng được cải tạo tốt hơn do xác bã hữu cơ, dinh dưỡng được vùi trả lại cho đất, giúp cho cây lúa phát triển tốt”.

Sau một vụ đậu nành, đất đai được cải tạo tốt hơn, dinh dưỡng được vùi trả lại cho đất, giúp diện tích lúa của anh Phạm Thanh Ca triển khai tại Ấp 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) phát triển tốt. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Được biết, anh Phạm Thanh Ca bắt đầu mô hình luân canh lúa - đậu nành từ vụ canh tác Xuân - Hè năm 2023 trên diện tích 2ha. Qua vụ sản xuất, năng suất của cây đậu nành khá cao, phù hợp với đất đai của địa phương. “Qua nhiều năm canh tác, tôi thấy rằng việc canh tác lúa vào vụ Xuân - Hè mang lại khá nhiều rủi ro, từ việc thiếu hụt nguồn nước tưới tới việc sâu bệnh tấn công làm ảnh hưởng đến năng suất và nguồn thu nhập. Ngoài ra, việc canh tác lúa nhiều vụ liên tục cũng làm cho đất đai bị chai cằn. Cho nên việc đưa cây đậu nành trồng trên đất lúa giúp cho tôi có thêm nguồn thu nhập và đất đai cũng được cải tạo tốt hơn do xác bã hữu cơ, dinh dưỡng được vùi trả lại cho đất” - anh Ca đúc kết kinh nghiệm.

Sau thời điểm thu hoạch vụ lúa Đông - Xuân, anh bố trí xuống giống đậu nành. Qua 3 tháng gieo trồng, 2ha đậu nành trên đất lúa cho năng suất 2 tấn/ha, giá bán 20.000 đồng/kg, anh bỏ túi gần 16 triệu đồng/ha.

Tiếp nối thành công từ vụ đậu nành mang lại, anh Phạm Thanh Ca tiếp tục thực hiện xuống giống vụ lúa Hè - Thu với diện tích 2ha áp dụng theo quy trình kỹ thuật canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó áp dụng giải pháp sạ lúa theo cụm kết hợp thiết bị vùi phân bón. Kết quả canh tác lúa, năng suất thu hoạch 7,6 tấn/ha, cho thu nhập 76 triệu đồng, trừ hết chi phí thu lợi 48,5 triệu đồng, trong khi lợi nhuận từ vụ lúa bên ngoài cùng thời điểm chỉ trên 29 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, tổng lợi nhuận tăng thêm của mô hình lúa - đậu là trên 23,6 triệu đồng so với việc chỉ canh tác lúa. Tiếp theo, anh xuống giống vụ lúa Đông - Xuân sớm trên diện tích 2ha và lúa đang phát triển tốt, hứa hẹn tiếp tục cho vụ mùa bội thu.

Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình lúa - đậu nành còn làm gia tăng hàm lượng đạm hữu dụng trong đất, nên từ đó đã làm giảm đáng kể lượng phân vô cơ bón cho vụ lúa tiếp theo, tỷ lệ bệnh, mật số sâu hại cũng được ghi nhận ít hơn so với các thửa ruộng xung quanh, số lần phun thuốc trừ sâu chỉ 2 lần/vụ, thuốc trừ bệnh 4 lần/vụ, hóa chất độc hại ít tác động đến môi trường hơn.

Đồng chí Trần Trang Nhã - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị cho biết: “Mặc dù mới thực hiện nhưng hiệu quả của mô hình luân canh 2 lúa 1 đậu nành mang lại khá cao, đi đúng định hướng của huyện về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục thực hiện để nhân rộng đến nhiều tiểu vùng sản xuất có đủ điều kiện, đồng thời sẽ liên kết hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để từ đó người dân yên tâm hơn trong sản xuất”.

Việc áp dụng mô hình luân canh 2 lúa 1 đậu nành của anh Phạm Thanh Ca đang mang lại hiệu quả khá cao, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tin tưởng rằng, mô hình luân canh lúa - đậu nành là một giải pháp hiệu quả có thể nhân rộng, để nông dân chuyển dần qua cách sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu ngày một thay đổi.

HOÀNG PHÚC

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: