• Huyện Thạnh Trị

Huyện Thạnh Trị:

Quyết tâm ngăn ngừa tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em

25/01/2024 04:52 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 25/01/2024 | 04:52

STO - Gia đình là cội nguồn sức mạnh, thành trì để bảo vệ mỗi con người. Vậy mà có một số ít gia đình - nơi ấy lại trở thành nỗi đau ám ảnh về thể xác, tinh thần đối với phụ nữ và nỗi bất hạnh đối với con trẻ. Đặc biệt, vấn đề xâm hại phụ nữ, trẻ em đáng bị lên án...

Thời gian qua tình hình trật tự an toàn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp và tình trạng phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại đang dấy lên hồi chuông cảnh báo. Bởi bạo lực, xâm hại trẻ em diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, ở trong nhiều môi trường, có thể phát sinh ngay từ gia đình đến cộng đồng, xã hội. Năm 2023, trên địa bàn huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) xảy ra 7 vụ trẻ em, phụ nữ bị xâm hại và đa phần các đối tượng phạm tội là người có quen biết, người thân, người nhà trong gia đình với nạn nhân. Vì họ có nhiều cơ hội để tiếp xúc, tiếp cận với nạn nhân nên chờ đến thời cơ thuận lợi là thực hiện hành vi phạm tội. Những đối tượng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em là do bệnh lý về tình dục, lệch lạc về nhân cách, lối sống, đạo đức dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội. Nhìn chung, những trẻ em bị xâm hại thường ở trong gia đình không hạnh phúc, thiếu cha hoặc thiếu mẹ, sống chung với dì, dượng, ông, bà, là con riêng, con chung. Các em thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của cha mẹ; sống chung với ông bà có hoàn cảnh khó khăn, không được đến trường nên nhận thức hạn chế, dễ bị các đối tượng lợi dụng để xâm hại.

Khi tiếp nhận các vụ việc có liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, các cơ quan tố tụng trên địa bàn huyện Thạnh Trị đã khẩn trương xử lý theo quy định. Đặc biệt, quá trình làm việc với trẻ em bị xâm hại luôn đảm bảo thân thiện, tạo cảm giác an toàn, thoải mái cho các em. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban ngành, tổ chức đoàn thể đến hỏi thăm, vận động, hỗ trợ vật chất, tinh thần để người bị hại có cuộc sống ổn định hơn. Việc bảo vệ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại đã được pháp luật quy định cụ thể nhưng quan trọng vẫn là biện pháp phòng ngừa.

Theo bà Lê Thị Kim Liên - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạnh Trị, hiện nay, trên địa bàn có 91 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 29 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; 50 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 41 địa chỉ tin cậy trên địa bàn xã, thị trấn; 36 số điện thoại đường dây nóng. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả, nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, nhiều cặp vợ chồng đã được hàn gắn, thuận hòa.

Cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) ngày càng tự tin thể hiện quan điểm của mình về vấn đề giới. Ảnh: SỚM MAI

Việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em để lại nhiều hệ lụy rất lớn về thể chất lẫn tinh thần. Đối với những trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, nếu không được các ngành, các cấp ngăn chặn, can thiệp kịp thời có thể trở thành mối nguy hại trong xã hội. Ông Ngô Hoàng Thanh - Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thạnh Trị cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại, hằng năm, phòng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn xây dựng kế hoạch nói chuyện chuyên đề về Luật Trẻ em; kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên tất cả các lĩnh vực nhằm thu hút sự hưởng ứng tích cực của mọi người dân trong nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn.

Ngoài ra, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện còn tăng cường công tác phối hợp với ban bảo vệ, chăm sóc trẻ em các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bị bóc lột, bị bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, phòng thường xuyên hướng dẫn cho cán bộ phụ trách các xã, thị trấn thiết lập hồ sơ hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 8/12/2022 của HĐND tỉnh Sóc Trăng. Hằng năm, phòng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện vận động, tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo nghề, kể cả cơ sở tư nhân cho 1.535 lao động (nữ 785) và giải quyết việc làm trong tỉnh là 389 lao động, ngoài tỉnh cho 2.220 lao động (nữ 1.195) để tạo nguồn thu nhập cho gia đình, có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, cần phải nâng cao nhận thức vai trò của những người "trụ cột" gia đình. Ảnh: SỚM MAI

Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, bà Trương Thị Hồng Tươi - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạnh Trị cho biết, trong thời gian qua, Huyện hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho người dân, phụ nữ, trẻ em, kiến thức giới. Đặc biệt là nhóm có hành vi nguy cơ cao như những gia đình lao động thu nhập không ổn định, nguy cơ tệ nạn xã hội... Từ đó, hội viên, phụ nữ cũng mạnh dạn, tự tin hơn trong việc lên tiếng, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực. Các cấp hội trên địa bàn đã thành lập các mô hình như: Câu lạc bộ bảo vệ an toàn cho cháu không bị xâm hại, không bỏ học giữa chừng, không bị tai nạn thương tích; 1 tổ “phản ứng nhanh phòng, chống xâm hại trẻ em”; 3 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 10 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, tổ phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội… Duy trì hoạt động góc tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân (Đề án 279) tại huyện và 10 cơ sở. Tham gia giám sát, phản biện xã hội, đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Cũng theo bà Trương Thị Hồng Tươi, để nâng cao kiến thức của hội viên, phụ nữ trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em hiệu quả hơn nữa, Huyện hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức sinh hoạt chuyên đề, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ cho học sinh các cấp, trong hội viên, phụ nữ vùng nông thôn, những điểm nóng về an ninh trật tự. Khi phát sinh vụ việc, đơn vị sẽ cùng các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc để xử lý, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân (tạm lánh, ổn định tâm lý, khám sức khỏe...), bảo vệ người tố giác tội phạm. Đồng thời, phát huy vai trò của tổ phản ứng nhanh và cộng đồng để giảm dần, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Trong xã hội hiện nay, bạo lực, xâm hại có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Do vậy, chị em phụ nữ cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng tự vệ và bảo vệ vững chắc mái ấm gia đình; bởi đây chính là nguồn động lực lớn nhất để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: