• Pháp luật - Bạn đọc

Chuyên mục nội chính và cải cách tư pháp:

Vỡ hụi - cần lắm trách nhiệm của chính quyền địa phương

17/03/2024 09:31 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 17/03/2024 | 09:31

STO - Án liên quan đến hụi ngày một gia tăng, từ hình thức góp vốn xoay vòng mang tính tương trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế gia đình, giờ đã có nhiều biến tướng. Những người chơi hụi không chân chính đã đẩy không ít người vào cảnh nợ nần, gia đình tan nát, “nước mắt chan cơm”.

Hụi còn được gọi là họ, biêu, phường với hình thức huy động vốn trong dân gian Việt Nam có từ lâu đời nhằm hỗ trợ nhau trong đời sống giữa những người thân quen. Việc chơi hụi được pháp luật cho phép và được quy định cụ thể ở Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/2/2019 của Chính phủ. Theo nghị định, việc thỏa thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản và văn bản thỏa thuận này phải được công chứng, chứng thực (nếu những người tham gia dây họ yêu cầu). Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ khi tổ chức dây họ có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ hai dây họ trở lên. Luật quy định, chủ hụi phải thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi; thông báo đầy đủ về số lượng dây hụi; phần hụi, kỳ mở hụi; số lượng thành viên của từng dây hụi. Chủ hụi phải giao các phần tiền hụi cho thành viên lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi…

Thực tế, người dân chơi hụi lại chủ yếu dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau nên chỉ giao kết bằng miệng hoặc ghi chép đơn giản. Thông thường, nếu không có thỏa thuận thì sẽ tính theo cách thức có sẵn: chủ hụi đứng ra chịu trách nhiệm gom hụi, những người chơi (tay em) sẽ đóng tiền, ai cần hốt trước thì chấp nhận bỏ một khoản tiền chênh lệch (lãi suất), ai bỏ cao sẽ được hốt trước. Người nào hốt hụi trước sẽ lỗ nhiều, người "hốt hụi chót" sẽ lời nhiều và hội viên hốt hụi sẽ đóng 1 khoản phí cho chủ hụi (đầu thảo). Thông thường thỏa thuận, chu kỳ hụi có thể là đóng theo ngày, tuần, tháng, quý, năm.

Án hình sự liên quan đến hụi có rất nhiều bị hại. Ảnh: SỚM MAI

Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, án tranh chấp về hụi ngày một gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Qua các vụ án cho thấy, hầu như người dân chơi hụi bằng hình thức tự phát, không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Người tham gia hụi thực hiện các giao dịch dân sự phần lớn không có giấy tờ, sổ sách, biên lai, chứng cứ. Do vậy, trường hợp vỡ hụi, các hụi viên không thể tự bảo vệ quyền lợi của bản thân, nếu chủ hụi “chối bỏ” thì rất khó để bảo vệ quyền lợi của hụi viên. Việc vỡ hụi có thể diễn ra hằng ngày, hằng giờ nhưng nhiều người vẫn tham gia chơi hụi. Nguyên nhân chính là lãi suất chơi hụi cao rất nhiều lần so với lãi suất gửi ngân hàng và nhiều người cần gấp nguồn vốn nên chấp nhận tham gia hốt hụi đầu để giải quyết khó khăn, chấp nhận đóng hụi (hụi chết) với lãi suất khá cao.

Về bản chất, chơi hụi không phải là việc xấu, bởi nếu thật sự hoạt động đúng quy luật, nó cũng là một cách góp vốn và vay vốn dễ dàng, phù hợp với kiểu sinh hoạt làng, xã, thôn quê. Người chơi cần vốn thì có thể hốt để xoay xở, việc góp lại hằng tháng với một ít lãi suất cũng phù hợp. Người có tiền thì coi đây là một hình thức tiết kiệm có lãi. Chủ hụi thì được nhận hoa hồng xem như một hình thức trả công khi đứng ra gom hụi, chịu trách nhiệm trước các hụi viên. Tuy nhiên, trên thực tế, hụi ngày nay có quá nhiều biến tướng, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, một số đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vì vậy vỡ hụi xảy ra ở nhiều nơi, khiến cho không ít gia đình rơi vào cảnh lao đao, khốn khó.

Thời gian qua, tội hình sự liên quan đến hụi đã xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh (huyện Cù Lao Dung, thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Kế Sách, huyện Mỹ Xuyên…) và số lượng bị hại lên đến con số hàng trăm người.

Điển hình như vụ việc xảy ra trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, có tới 140 bị hại; được Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đưa ra xét xử ngày 22/12/2023 và đã tuyên xử bị cáo Nguyễn Thị Phượng với mức án 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Phượng có quen biết nhiều người dân tại địa phương, được họ tin tưởng nên bà rủ họ cùng tham gia hụi do mình tổ chức. Hình thức là hụi tháng, với số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/phần. Thời gian đầu, Phượng thực hiện việc chung chi tiền hụi đầy đủ, tạo được sự tin tưởng của thành viên (hụi viên) tham gia. Sau đó, Phượng lập 24 dây hụi, lợi dụng việc các thành viên đến kỳ mở hụi vắng mặt, Phượng nảy sinh ý định chiếm tiền của các thành viên bằng thủ đoạn gian dối như: tự ý lấy tên thành viên bỏ thăm và lĩnh hụi của các thành viên tham gia trong dây hụi; tự ý bán phần hụi của các thành viên cho người khác và đã chiếm đoạt số tiền trên 3,3 tỷ đồng… Từ đây cho thấy, các chủ hụi có hành vi gian dối, một phần cũng do hụi viên thiếu tinh thần cảnh giác, không quan tâm quy định về hụi.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm cho rằng, để hạn chế vấn đề vỡ hụi, phát sinh tranh chấp và tội phạm xuất phát từ hụi thì địa phương đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi UBND cấp xã là nơi gần gũi và nắm sát tình hình của người dân. Nếu địa phương tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quan tâm hướng dẫn người dân tham gia hụi đúng quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP; quan tâm quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ vấn đề hụi ở địa phương và có chế tài xử lý nếu những người tham gia không tuân thủ quy định sẽ hạn chế được tình hình vỡ hụi, tội phạm liên quan đến hụi. Trường hợp vỡ hụi, nếu địa phương phát huy tốt vai trò hòa giải cơ sở sẽ hạn chế được vấn đề phát sinh tranh chấp về hụi.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền đa dạng bằng nhiều hình thức về Nghị định số 19/2019/NĐ-CP để nâng cao ý thức trong nhân dân. Ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình thay vì phải tham gia hụi, hốt đầu chịu lãi suất cao hoặc vay bên ngoài dẫn đến những hệ lụy không đáng có. 

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: