• Thương mại - Dịch vụ

Agribank đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn

28/04/2023 04:27 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 28/04/2023 | 04:27

STO - Những năm qua, dịch vụ thẻ của cả hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Agribank đã và đang nỗ lực để đưa dịch vụ tài chính ngân hàng đến với từng xã, thôn, từng gia đình ở địa bàn nông thôn, góp phần hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia…

Để tiếp tục khẳng định vai trò “tam nông” trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã đề xuất và triển khai Đề án Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn và được triển khai từ tháng 9/2019. Đề án đã cung cấp cho khách hàng tại địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn nông thôn được miễn phí phát hành thẻ ATM với hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng, không cần tài sản đảm bảo, mức lãi suất ưu đãi, thủ tục linh hoạt.

Theo lãnh đạo Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, khách hàng có thể sử dụng thẻ thấu chi để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, thanh toán mua hàng tại các cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, bách hóa, cơ sở sửa chữa máy nông ngư cơ, siêu thị... Qua thực tế cho thấy, thẻ thấu chi của Agribank đã giúp nông dân giải quyết cơ bản những nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong lúc chờ tới mùa vụ thu hoạch. Các công ty, hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn và các cửa hàng đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản… được miễn phí chiết khấu và lắp đặt máy quẹt thẻ POS với thủ tục đơn giản, quy trình thanh toán nhanh chóng…

Tính đến nay, Agribank Chi nhánh Sóc Trăng đã triển khai Đề án Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn cho 10 huyện, thị xã (trừ thành phố Sóc Trăng), với số thẻ phát hành hơn 320 thẻ, tổng hạn mức thấu chi là hơn 1,7 tỷ đồng; số máy quẹt thẻ POS lắp mới 44 POS. Qua đó, đã giúp bà con khu vực nông thôn tiếp cận các công nghệ thanh toán hiện đại, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt thanh toán, nhất là tiết kiệm được thời gian, thuận tiện hơn trong việc mua sắm, chi trả các khoản tiền điện, tiền nước, cước phí viễn thông, vật tư nông nghiệp. Việc triển khai thực hiện đề án có vai trò và ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường nông nghiệp, nông thôn theo nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chiến lược đặt mục tiêu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng, mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác… tạo điều kiện giúp họ được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu.

Khách hàng của Agribank luôn được hướng dẫn tận tình khi sử dụng dịch vụ thẻ. Ảnh: QUANG BÌNH

Đồng chí Vũ Đình Ty - Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang là mục tiêu và trở thành xu hướng tất yếu hiện nay, bởi quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi. Vì vậy, việc phát triển dịch vụ thẻ và cấp hạn mức thấu chi tại thị trường nông nghiệp và nông thôn sẽ góp phần từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, điều quan trọng nữa là bà con sẽ có thêm nguồn quỹ dự phòng cho việc chi trả, thanh toán các khoản chi tiêu, mua sắm, kinh doanh của gia đình, qua đó, cũng góp phần hạn chế tình trạng "tín dụng đen" trên địa bàn khu vực nông thôn.

Agribank luôn là ngân hàng tiên phong có đóng góp tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cũng như cung cấp những giải pháp tài chính thiết thực và dịch vụ ngân hàng hiện đại cho bà con nông dân, người dân khu vực nông thôn. Đến nay, tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh tỉnh gần 11.300 tỷ đồng, nguồn vốn huy động đạt trên 9.945 tỷ đồng, đáp ứng đủ và kịp thời cho nền kinh tế của tỉnh cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng; dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 78% tổng dư nợ của Agribank Sóc Trăng. Riêng về sản phẩm dịch vụ thẻ, Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 35.000 thẻ đang hoạt động, là tổ chức tín dụng có số lượng ATM nhiều nhất với 31 ATM, 5 CDM (ATM đa chức năng) trên toàn tỉnh và luôn ưu tiên dành ngân sách để triển khai nhiều chương trình ưu đãi dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Với sáng kiến đưa thẻ thấu chi về địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng tại Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đẩy nhanh tài chính toàn diện, xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ, góp phần đẩy lùi nạn "tín dụng đen" trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: