• Trong tỉnh

Chuyện vỡ đê ở xứ cù lao

26/10/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 26/10/2020 | 06:00

STO - Hàng năm, trước mùa mưa bão, ngành chức năng và người dân huyện Cù Lao Dung đều tổ chức kiểm tra, gia cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển và bờ bao để phòng triều cường hay lũ lớn. Tuy nhiên, chuyện vỡ bờ bao ở xứ cù lao này vẫn chưa thể chấm dứt mỗi khi triều cường dâng cao và đợt vỡ hàng chục đoạn bờ bao mới đây là một minh chứng.

Xe cơ giới được điều động để khắc phục đoạn đường đal bị vỡ. Ảnh: THIỆN HẢI

Người viết vẫn còn nhớ, trong đợt triều cường tháng 10-2011, con đê bao Cồn Chén khá lớn và khá cao, nhưng nước vẫn vượt qua, gây ngập sâu nhiều rẫy mía, vườn cây ăn trái, nhà dân và hệ thống giao thông nông thôn. Sang tháng 3-2012, một đợt triều cường cao bất ngờ xuất hiện gây vỡ hàng loạt tuyến đê bao của người dân trong huyện. Trong câu chuyện với Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện khi đó là anh Phạm Hồng Văn, người viết đã đặt câu hỏi: “Bao giờ Cù Lao Dung mới hết cảnh vỡ đê, bờ bao”? Khi đó, anh Phạm Hồng Văn lắc đầu, cho biết: “Rất khó nói trước được vì thực tế chúng ta hay gọi là vỡ đê, nhưng thật ra vỡ bờ bao là chủ yếu, trong khi hệ thống bờ bao này có chiều dài lên đến cả ngàn kí lô mét và hầu hết là do người dân thi công để bảo vệ diện tích sản xuất của mình”.

Đó cũng là lý do vì sao, khi đọc được những thông tin về tình trạng vỡ bờ bao do triều cường ờ Cù Lao Dung, người viết không quá bất ngờ với cảnh “đến hẹn triều cường cao lại vỡ” nơi xứ sở cù lao này. Với địa thế giữa sông lại giáp biển, bên trong lại có thêm 360 con kênh rạch chằng chịt, nên để bảo vệ sản xuất và an toàn tính mạng người dân trước triều cường, bão lũ, Trung ương, tỉnh và huyện Cù Lao Dung đã đầu tư hơn 80km đê sông, 17km đê biển, cùng với khoảng 1.000km tuyến bờ bao. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó là chưa đủ, nhất là với hệ thống bờ bao do người dân thi công rất mau bị xuống cấp, không đảm bảo chắc chắn khi triều cường dâng cao, nên thường xuyên bị vỡ là điều có thể hiểu được. Người viết vẫn còn nhớ câu nói cùng sự băn khoăn của anh Lê Văn Nghĩa, ở xã An Lạc Tây sau đợt triều cường tháng 10-2011: “Thời tiết bây giờ khó đoán trước được lắm. Bởi vậy, ngoài chuyện Nhà nước đầu tư, hàng năm, người dân ở đây đều tự nâng cấp thêm bờ bao của mình cho chắc chắn hơn, cao hơn nhưng chỉ theo suy nghĩ của mình chứ đâu có biết lũ, triều cường nó lên đến cỡ nào đâu”.

Nhắc lại những băn khoăn của người dân xứ cù lao để thấy rằng, chuyện con đê, bờ bao ở đây là quan trọng như thế nào đến sản xuất và đời sống của người dân. Hiện nay, tuyến đê biển của huyện về cơ bản đã được nâng cấp đảm bảo tính an toàn hơn, nhưng theo những cư dân cố cựu ở Cù Lao Dung, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vỡ bờ bao như vừa qua thì hệ thống đê sông cũng cần được đầu tư nâng cấp và hoàn thiện vì đây chính là “tấm lá chắn” triều cường quan trọng không kém gì tuyến đê biển, giúp cho nước không tràn qua bờ bao gây ngập lụt, mất an toàn sản xuất, đời sống và ảnh hưởng đến các công trình phục vụ dân sinh.

Mấy năm qua, Cù Lao Dung không tập trung nhiều vào phát triển con tôm, mà chủ yếu là trồng rừng, cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đón đầu các dự án cơ sở hạ tầng mới, như: cầu Đại Ngãi, năng lượng tái tạo, Cảng nước sâu Trần Đề… Do đó, ngoài việc tập trung nâng cấp hệ thống đê điều thì một trong những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Cù Lao Dung đó là bảo vệ và phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven sông, ven biển trước biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu. Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Trí đã từng nhắc nhở lãnh đạo Cù Lao Dung rằng: “Về lâu dài, huyện phụ thuộc rất lớn vào hệ thống rừng phòng hộ trước những biến đổi khí hậu. Do đó, địa phương cần đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển rừng thì mới đáp ứng được công tác phòng chống lụt bão và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Hiện tượng Lanina đang quay trở lại, những đợt áp thấp nhiệt đới, bão và triều cường được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường hơn từ nay đến cuối năm và có khả năng kéo dài sang tháng đầu năm. Đó là tình hình trước mắt, còn về lâu dài, tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng sẽ là một thách thức không nhỏ cho huyện đảo Cù Lao Dung, nếu hệ thống đê biển, đê sông và cả bờ bao của người dân không được hoàn thiện để đủ sức đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.

TÍCH CHU

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: