• Xây dựng Đảng

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025:

Định hướng phát triển huyện Trần Đề trở thành thị xã vào năm 2030

06/10/2023 05:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 06/10/2023 | 05:00

STO - Ngày 7/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã trình bày tham luận về kết quả đạt được, những hạn chế và các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Báo Sóc Trăng trích, đăng nội dung tham luận của các đại biểu.

Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 16/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV về xây dựng thị trấn Trần Đề đạt đô thị loại IV đến năm 2025, định hướng thành lập thị xã Trần Đề đến năm 2030, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trần Đề đã xây dựng Chương trình số 44-CTr/HU, ngày 19/5/2023 để triển khai thực hiện. Đồng thời, Huyện ủy cũng đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình để đạt các tiêu chí và tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15, ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

Qua thực hiện rà soát đánh giá hiện trạng thị trấn Trần Đề theo các tiêu chí và tiêu chuẩn tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15, ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đến nay cơ bản đã hoàn thành được 56/63 tiêu chuẩn, đạt tương đương 71,33/100 điểm. Trong đó, bao gồm nhóm tiêu chuẩn đạt mức tối đa là 40 tiêu chuẩn; nhóm tiêu chuẩn đạt và đạt cận dưới là 16 tiêu chuẩn. Còn lại 7 tiêu chuẩn chưa đạt.

Với định hướng lấy thị trấn Trần Đề làm động lực phát triển và là trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh về kinh tế biển, du lịch, công nghiệp và là khu vực đầu mối giao thông. Trong đó ưu tiên phát triển ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến để tăng thu ngân sách, tạo nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho đô thị và nâng cao đời sống nhân dân.

Phấn đấu đến năm 2025, thị trấn Trần Đề đạt các tiêu chí đô thị loại IV, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 50 triệu đồng/năm trở lên; phát triển, quản lý đô thị đi đôi với xây dựng nông thôn mới; phát triển văn hóa địa phương kết hợp du lịch, dịch vụ, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển theo hướng là đô thị du lịch sinh thái "sáng - xanh - sạch - đẹp" gắn kết chặt chẽ với tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, bao gồm: Giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, công viên cây xanh... bố trí, quy hoạch quỹ đất đảm bảo đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật để đô thị phát triển bền vững. Củng cố, duy trì vững chắc các tiêu chí đã đạt và hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt so với quy định đô thị loại IV.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hình thành Khu Công nghiệp Trần Đề; tiến độ đấu giá Khu thương mại Kinh tế biển và hình thành Khu đô thị 1 nhằm thu hút nhà đầu tư và tạo việc làm cho lao động phi nông nghiệp trong và ngoài huyện để tăng dân số cơ học trên địa bàn.

Hiện nay, thị trấn Trần Đề là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện; có Quốc lộ 91B (Nam Sông Hậu) đi qua, vừa là đầu mối giao thông thuận lợi, vừa nằm trên hành lang phát triển kinh tế, nối liền với các tỉnh miền Tây. Trong những năm qua, thị trấn Trần Đề nhìn chung có nhiều chuyển biến tích cực. Được sự quan tâm đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các sở, ban ngành tỉnh cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân; hệ thống cơ sở hạ tầng của thị trấn Trần Đề đề nói riêng và toàn huyện nói chung đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đảm bảo để đáp ứng các yêu cầu phát triển đô thị Trần Đề đạt loại IV đến năm 2025, định hướng trở thành thị xã đến năm 2030, nhất là hạn chế về hệ thống đường giao thông công cộng, hệ thống cây xanh đô thị, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, nhà tang lễ...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, huyện đã dành nguồn ngân sách khoảng 150 tỷ đồng để tập trung đầu tư phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhiều công trình trên địa bàn thị trấn đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả như: cải tạo, nâng cấp đường bê tông lên bến phà Ngan Rô; đường từ kênh Tư đến cống Bãi Giá; đường trục đê bao Quốc phòng; đường vào khu thương mại kinh tế biển và nâng cấp, cải tạo một số công trình công cộng chiếu sáng đô thị; cải tạo, trồng mới cây xanh; bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn; đầu tư mở rộng hệ thống thoát nước trên địa bàn thị trấn. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo sự đột phá về mở rộng, phát triển không gian đô thị của huyện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác xây dựng, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế địa phương, cần huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị, phát triển thị trấn theo hướng đô thị văn minh hiện đại là một trong những khâu đột phá tạo động lực để phát triển đô thị trong giai đoạn mới. Trong đó, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Tiếp tục giữ vững và phát huy các tiêu chuẩn đã đạt được và khắc phục các tiêu chí chưa đạt như: Mật độ đường giao thông đô thị; tỷ lệ nước thải đô thị; trạm xử lý nước thải tập trung; nhà tang lễ; đất cây xanh; đầu tư các tuyến đường giao thông lồng ghép cây xanh dọc hai bên đường; đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành, nội thị.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn huyện cùng chung tay xây dựng thị trấn Trần Đề đạt đô thị loại IV đến năm 2025, huyện Trần Đề thành thị xã đến năm 2030.

Tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh về đầu tư, bổ sung nguồn kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật của huyện làm tiền đề xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.

Tăng cường công tác tuyên truyền về công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn thị trấn. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư các công trình, dự án du lịch.

Tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 44-CTr/HU, ngày 19/5/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trần Đề, Kế hoạch số 86/KH-UBND, ngày 22/6/2023 của UBND huyện xây dựng thị trấn Trần Đề đạt đô thị loại IV đến năm 2025, định hướng thành lập thị xã Trần Đề đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 16/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV.

Để hiện thực hóa việc định hướng phát triển kinh tế của Trần Đề trong tương lai, huyện tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất là, tăng cường công tác quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch lồng ghép trong việc lập Quy hoạch vùng huyện đến năm 2045. Thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là phát triển hạ tầng công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại, phấn đấu đưa thị trấn Trần Đề trở thành đô thị biển trong tương lai. Khai thác tối đa lợi thế cảnh quan ven biển, xây dựng mới và hình thành các trục đường giao thông liên kết với các khu, điểm du lịch dịch vụ ở khu vực xã Trung Bình và các xã lân cận có tiềm năng phát triển về dịch vụ, du lịch để trở thành tổ hợp dịch vụ du lịch, quảng bá giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc và các sản phẩm đặc sản của địa phương. Khuyến khích phát triển dịch vụ thương mại, vận tải, thông tin liên lạc và các loại hình dịch vụ khác phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, phấn đấu đưa thị trấn Trần Đề trở thành trung tâm kết nối, tổ chức sự kiện của liên vùng trong và ngoài tỉnh.

Thứ hai là, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn, nhất là về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, du lịch - dịch vụ, thương mại, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, trong đó:

Tích cực thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và kinh tế số ở Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ: Trong đó lấy công nghệ thông tin làm nền tảng phát triển, rút ngắn khoảng cách về địa lý, tăng năng lực và khả năng cạnh tranh trong xu hướng phát triển hiện nay.

Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống điện lưới quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng xanh. Thúc đẩy kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Trần Đề và Cụm Công nghiệp Lịch Hội Thượng nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện; ưu tiên phát triển công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ sạch, ít ảnh hưởng đến môi trường. Thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí và đầu tư vào những ngành, lĩnh vực là thế mạnh của huyện để tăng thu ngân sách địa phương.

Xây dựng mạng lưới giao thông khu vực nội thị theo tiêu chuẩn đường đô thị, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống mạng lưới giao thông vận tải nội thị, các trục đường giao thông kết nối thị trấn Trần Đề liên tỉnh và liên vùng gắn với các khu, điểm du lịch của huyện và của tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong điều kiện Cách mạng công nghệp 4.0, nhất là công nghệ sinh học trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy hải sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng hệ số sử dụng đất và giá trị trên một đơn vị diện tích gieo trồng; quy hoạch nuôi trồng, bảo tồn, phát triển và khai thác hợp lý các nguồn lợi thủy sản. Thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó, chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân và người dân, với sự định hướng của Nhà nước.

Thứ ba là, với lợi thế có Cảng cá Trần Đề, Cảng biển nước sâu đang được triển khai đầu tư, điểm cuối tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cùng với hệ thống giao thông đường bộ liên vùng, Khu kinh tế ven biển Trần Đề được tỉnh bổ sung quy hoạch các khu kinh tế ven biển Việt Nam và lập đề án xây dựng Khu kinh tế biển Trần Đề, giai đoạn 2021 - 2030, tất cả sẽ là động lực để xây dựng và phát triển đô thị Trần Đề trong tương lai gần.

Thứ tư là, tập trung xây dựng thị trấn Trần Đề đạt đô thị loại IV vào năm 2025, định hướng thành lập thị xã đến năm 2030, huyện kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí triển khai thực hiện các dự án: Nâng cấp mở rộng tuyến đường trục đê bao an ninh quốc phòng từ kênh Tư đến cống Bãi Giá (từ cầu kênh Tư đến Quốc lộ Nam Sông Hậu); Tuyến đường 934 (đoạn từ Quốc lộ Nam Sông Hậu đến đường 19/5); Công viên cây xanh; Trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; nâng cấp mở rộng đường cặp Kênh 2; nâng cấp mở rộng đường cặp kênh Ba đến sóc Mồ Côi; Đường D4 (đoạn từ Khu thương mại kinh tế biển đến Kho bạc huyện Trần Đề); xây dựng Nhà văn hóa thiếu nhi; xây dựng nhà tang lễ.

Thứ năm là, kêu gọi đầu tư khu thương mại kinh tế biển Trần Đề  được UBND huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 4136/QĐ-UBND, ngày 30/12/2020. Với tổng diện tích là 42,12ha trong đó bao gồm: Khu thương mại - giai đoạn 1: diện tích 6,038ha; Khu chợ và nhà ở thương mại, diện tích 14,056ha và phần còn lại của khu thương mại diện tích 22,026ha. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã hoàn chỉnh công tác cắm mốc dự án và sơ bộ xây dựng được giá đất dự kiến để thực hiện đấu giá. Đang tiến hành lập và thông qua phương án đấu giá trình tỉnh phê duyệt đối với giai đoạn 1 theo đúng quy định.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: