• Công nghiệp

Hoạt động khuyến công sau 1 năm nhìn lại

27/10/2020 22:13 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 27/10/2020 | 22:13

STO - Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song Trung tâm Khuyến công (TTKC) và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã triển khai tốt nhiệm vụ được giao, nhất là các đề án khuyến công. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Trong năm 2020, Phòng Khuyến công của TTKC đã phối hợp với các phòng kinh tế, phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hoàn thành 17 đề án khuyến công, với tổng kinh phí thực hiện trên 6,9 tỉ đồng, trong đó chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 2 đề án với số tiền gần 1,4 tỉ đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp trên 1,8 tỉ đồng và chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 15 đề án với số tiền gần 1,9 tỉ đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp hơn 1,8 tỉ đồng.

Trong nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, TTKC đã thực hiện hoàn thành 13 đề án, trong đó có 6 đề án có sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2019 - 2020; chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 11 đề án. Qua đó, hỗ trợ 16 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.

Việc đầu tư máy móc, thiết bị mới đã giúp nhiều doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm hơn. Ảnh: THIỆN HẢI

Nội dung hỗ trợ đã bám sát nhu cầu thực tế của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn, do đó mang lại lợi ích thiết thực cho các cơ sở và người lao động. Bà Thái Thị Mỹ Nhung, ở xã Phú Tâm (Châu Thành) cho biết: “Để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, tôi cần đầu tư thêm 2 máy đóng gói bánh pía nhằm giúp sản phẩm được hoàn thiện hơn về bao bì. Tuy nhiên, việc đầu tư máy móc đòi hỏi kinh phí rất lớn. Đến khi được TTKC và các cán bộ hướng dẫn thực hiện đề án khuyến công quốc gia thì tôi mạnh dạn đầu tư mua 2 máy đóng gói với tổng số tiền hơn 770 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ tôi 300 triệu đồng, số còn lại tôi đối ứng thêm”. Theo bà Mỹ Nhung, từ khi đầu tư máy đóng gói mới thì đỡ tốn công lao động hơn vì trước đó việc đóng gói bánh pía phải làm thủ công, bao bì dễ bị lỗi. 

Đối với các nội dung khác, như: phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công; tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn… cũng được TTKC quan tâm thực hiện nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vào sản xuất, chế biến, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trong năm 2020, hoạt động khuyến công cũng gặp một số hạn chế nhất định. Theo ông Phạm Xuân Nhiệm - Phó Giám đốc TTKC, đơn vị phải điều chỉnh kế hoạch thực hiện năm 2020 đến 2 lần do một số cơ sở thực hiện gặp khó khăn về tài chính vì hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19, làm tiến độ đầu tư mua sắm máy móc thiết bị theo đề án được duyệt trễ so với kế hoạch. 

Theo kế hoạch, trong năm 2021, Phòng Khuyến công của TTKC sẽ chủ động phối hợp với phòng kinh tế, phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 23 đề án khuyến công, với tổng kinh phí trên 10,6 tỉ đồng. Theo đó, chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 6 đề án với số tiền hỗ trợ 2,2 tỉ đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp gần 3 tỉ đồng, chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 17 đề án với số tiền hỗ trợ trên 2,8 tỉ đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp trên 2,6 tỉ đồng.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên, ông Phạm Xuân Nhiệm cho biết, TTKC sẽ tham mưu lãnh đạo Sở Công thương thực hiện đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc ưu tiên nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ trực tiếp cho các đề án do cơ sở công nghiệp nông thôn tại các địa bàn xây dựng nông thôn mới, sản xuất các sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, các đề án có vốn đầu tư lớn và thu hút nhiều lao động; đồng thời phối hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu khác để động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn chuyển hướng đầu tư và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, đơn vị cũng đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công nhằm thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành để hoạt động khuyến công từng bước đi vào cuộc sống, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn.

Sau 1 năm nhìn lại, hoạt động khuyến công của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đưa công nghiệp nông thôn của tỉnh khởi sắc và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới, hoạt động khuyến công sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

THIỆN HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: