• Đời sống xã hội

Nhớ con sông quê hương

12/10/2022 04:32 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 12/10/2022 | 04:32

STO - Chiều cuối tuần, thảnh thơi, nằm nghe radio âm nhạc trên sóng Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bỗng dưng loa phát thanh phát lên bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” của Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, bất chợt giật mình, thì ra, mình đã lâu không về thăm lại con sông của tuổi thơ rồi.

Tuổi thơ của tôi và mấy đứa em gắn liền với dòng sông quê ngoại. Dòng sông có những đám hoa lục bình tim tím trôi miên man theo con nước lớn ròng. Ngày tôi xa quê, để lên Sóc Trăng nhận công tác, hành trang mang theo, trong tâm trí tôi có cả hình bóng của dòng sông thân yêu: “Bao năm xa quê ấy. Trong mơ tôi vẫn thấy. Hôm nay, tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già”.

Nhớ những tháng hè về… mấy đứa con nít xóm tôi nhốn nháo tập bơi, ham tắm sông đến nỗi da đứa nào đứa nấy đen thủi đen thui. Có nhiều bữa, mẹ xách roi ra tận mé sông kêu “rùm beng” mà chúng tôi còn ở tuốt… mé bờ bên kia lo ngụp lặn.

Nhiều đứa chưa biết bơi thì được mấy ông anh cấp cho một chiếc bập bè dừa nước. Gọi là bập bè vì tôi thấy ai bơi rành cũng có thể nằm ngửa, chân tay múa máy chút đỉnh là nổi phình. Còn tôi, muốn qua sông thì tay, chân phải đập nước đùng đùng, không thì chìm nghỉm.

Dòng sông quê vẫn âm thầm mang con nước lớn, ròng để bồi lắng phù sa cho ruộng đồng thêm xanh tốt. Ảnh: LƯU HỒNG TÀI.

Ngày đó, mẹ hay dặn, con nít ở quê phải biết lội, vì quê mình kinh mương nhiều. Được cớ đó nên canh nước lớn, ngày nào mấy đứa tụi tui cũng rủ nhau xuống tắm sông. Dòng sông còn là đường giao thông thủy chính, xuồng, ghe là phương tiện di chuyển và chuyên chở hàng hóa từ nhà để ra chợ trung tâm huyện. Do đó, nhà nào cũng cất nhà che mưa nắng cho ghe xuồng gọi là trại ghe. Cái trại ghe đó, đám con nít tụi tui cũng thường ở ké, chơi nhà chòi, chơi bán đồ hàng.

Ừ, thì chơi đủ trò… nhiều nhất là bán bánh mì bằng lục bình. Cái bụi lục bình đa năng, vừa có thể làm ổ bánh mì, vừa chế biến thành thịt thà, dưa leo để dồn vô bánh. Gốc lục bình có nhiều râu đen, nhổ sạch ra thì thành con vịt, con gà... bán hay để dành ăn cũng được. Tiền thì bao la, nào là đủ thứ lá mít, lá bình bát, lá ổi… có khi chơi bán đồ hàng mệt quá, nhiều đứa ngủ luôn dưới trại ghe, ai chơi cứ chơi, còn tụi nó cứ thả hồn theo sông nước.

Nhớ bến sông quê, nơi mấy anh em ngồi chờ mẹ đi chợ về để hóng xem có bánh trái gì không. Tội nghiệp mấy đứa con nít nhà nghèo, nhiều khi mẹ đi chợ về chỉ vài ổ bánh mì không, một vài cái bánh tiêu, vậy mà đã hò reo ríu rít, ăn ngon lành. Vui nhất là việc giành giật bánh để có đứa phải rượt theo mà lấy lại, la ó um sùm, vang dậy cả một khúc sông.

Thời con nít, nào ai có biết gì đâu, nào có để tâm mình mà cảm nhận nét đẹp của quê hương. Mà chỉ biết thỏa mãn với những trò chơi mà mình thích, chủ yếu để vui thôi. Còn dòng sông thì vẫn âm thầm mang con nước lớn, nước ròng để bồi lắng phù sa cho ruộng đồng thêm xanh tốt.

Có những cây bần ven sông thì cứ ngày thêm lớn thêm xanh. Không biết có phải cây bần là loài cây đại diện cho sự nghèo khó, như chính cái tên “bần” của nó hay không? Nhưng rõ ràng là bần sống ở nơi sình lầy rất hạp, dù là nước ngọt, lợ hay mặn. Và cũng chẳng ngại ngần nắng, mưa, bão, lũ gội rửa đời mình. Bần cứ theo thời gian mà vươn mình lấn mãi ra phía sông.

Bọn con nít của chúng tôi khi lớn lên thì ai cũng lo đi tìm tương lai sự nghiệp cho mình. Bởi cuộc sống là một vòng quay của chuyện cơm, áo, gạo, tiền… và với tôi cũng vậy. Có nhiều khi nhớ nhà da diết, nhưng công việc, các mối quan hệ, lại kéo tôi đi mải miết, đôi khi phải chấp nhận làm kẻ tha phương.

Người bỏ quê hương, có bao giờ quê hương bỏ người, bao nhiêu năm trôi qua, con sông quê vẫn lững lờ trôi dù cuộc đời đã có nhiều bể dâu, thay đổi. Đi qua tuổi thơ, tôi càng dành cho con sông một tình yêu trọn vẹn. Ước gì, mai này lớn lên, con tôi cũng sẽ có một dòng sông tuổi thơ riêng mình, êm đềm như thế.

Khi cuộc sống có quá nhiều bộn bề, vất vả thì ta lại thèm những êm ả, yên bình. Và khi ấy, ta lại chợt nhớ về tuổi thơ, về những tháng ngày quá đỗi hồn nhiên và cũng luôn đọng lại những yêu thương. Với tôi thì tôi vẫn luôn nhớ về dòng sông của một thời cho tôi tắm mát.

LƯU HỒNG TÀI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: