• Huyện Mỹ Tú

Đảng bộ huyện Mỹ Tú:

Bước phát triển mới sau nửa nhiệm kỳ

11/07/2023 05:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 11/07/2023 | 05:01

STO - Nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ và nhân dân huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII. Kết quả có 12/19 chỉ tiêu thực hiện đạt theo nghị quyết đề ra và 7 chỉ tiêu cơ bản đạt theo tiến độ lộ trình của nghị quyết.

Tăng cường xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo đồng chí Phạm Tuân - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tỷ lệ cán bộ chủ chốt tham gia các đợt triển khai đạt trên 98%, đảng viên trên 96% và đoàn viên, hội viên trên 80%. Đồng thời, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng gần dân, sát dân, phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở.

Diện mạo quê hương Mỹ Tú ngày càng khởi sắc. Ảnh: TẤN PHÁT

Bên cạnh đó, Huyện ủy Mỹ Tú đã quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021 - 2025. Theo đồng chí Ký Minh Thi - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 5/2023, Huyện ủy đã cử 1.410 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Trong đó đào tạo về lý luận chính trị là 248 cán bộ, chuyên môn là 16 cán bộ, bồi dưỡng quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, quốc phòng, an ninh là 1.146 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện ngày càng được chuẩn hóa về trình độ, tiêu chuẩn, nghiệp vụ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, cấp ủy, tổ chức đảng trong huyện đã tập trung thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã mở 9 lớp nhận thức về Đảng cho 442 quần chúng ưu tú, qua đó đã phát triển được 271 đảng viên mới. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ huyện đến cơ sở đã tiến hành kiểm tra 87 tổ chức đảng, 4 đảng viên, giám sát 93 tổ chức đảng, 10 đảng viên, góp phần xây dựng đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Xác định thế mạnh kinh tế của huyện là nông nghiệp, huyện đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị bền vững. Theo đó, diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao ngày càng tăng, hiện chiếm 90,3% sản lượng lúa toàn huyện, vận động chuyển đổi 658ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và nuôi trồng thủy sản.

Đồng chí Lê Phát Khởi - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Hưng cho biết: “Thời gian qua, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao đạt 1.250ha, dứa MD2 đạt 21ha, sen lấy gương 30ha... Các mô hình hàng năm cho thu nhập bình quân từ 120 - 200 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao đời sống người dân”.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Ảnh: TẤN PHÁT

Các chương trình, đề án nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng được chú trọng triển khai và đạt kết quả khá tốt, mang lại hiệu quả trong sản xuất như Dự án Phát triển chăn nuôi bò giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản. Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 150,4 triệu đồng vào năm 2022, tăng 8,7 triệu đồng/ha so với đầu nhiệm kỳ.

Song song đó, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện quan tâm. Qua đó đã triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã tự lực vận động các nguồn kinh phí chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết trên 5 tỷ đồng, thực hiện hoàn thành bàn giao 420 căn nhà cho hộ nghèo bức xúc về nhà ở với kinh phí trên 21 tỷ đồng. Đồng thời, huyện cũng chú trọng công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, đầu tư hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện từng hộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đào tạo nghề cho 447 lao động, giải quyết việc làm cho 991 lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện hàng năm từ 2 - 3%. Hiện hộ nghèo toàn huyện còn 396 hộ, chiếm tỷ lệ 1,34% tổng số hộ trên địa bàn.

Trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ và nhân dân huyện Mỹ Tú sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững, trong đó từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án về giảm nghèo. Đồng thời thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

TẤN PHÁT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: