Góc nhìn kinh tế

Hạ tầng, nhân lực và cơ giới hóa

19/09/2022 04:22 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 19/09/2022 | 04:22

STO - “Cơ giới hóa, tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản là xu thế tất yếu để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm nuôi trồng cả hiện tại lẫn tương lai”. Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo “Cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào ngày 23/8.

Theo ông Nhữ Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), trong giai đoạn 1999 - 2010, ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản chưa phát triển mạnh nên hầu hết các công đoạn trong quy trình sản xuất chủ yếu vẫn được thực hiện bằng hình thức thủ công. Phải đến giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt là từ năm 2015 đến nay, việc ứng dụng cơ giới hóa trong hoạt động nuôi thủy sản mới có sự thay đổi mạnh mẽ, khi hầu hết các cơ sở nuôi bán thâm canh, thâm canh đều đã có ứng dụng cơ giới trong sản xuất. Đơn cử như: sử dụng cơ giới để thi công ao nuôi, sử dụng máy cào bùn, máy bơm nước để cải tạo ao, sử dụng thiết bị sàn cho ăn tự động, sử dụng thiết bị giám sát chất lượng môi trường nước, hệ thống quan trắc tự động…

Máy đếm tôm giống được giới thiệu đến người nuôi tôm Sóc Trăng nhằm đảm bảo lượng giống thả đúng theo mật độ mong muốn. Ảnh: TÍCH CHU

Đối với tỉnh Sóc Trăng, mặc dù lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp rất chú trọng đến việc cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản, nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Do đó, theo đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, để cơ giới hóa thành công, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi thì công tác tổ chức lại sản xuất cũng rất quan trọng, bởi nếu quy mô nhỏ lẻ, manh mún thì không thể cơ giới hóa được. Ngay cả đối với từng hộ nuôi, nếu điều kiện hạ tầng ao nuôi còn chưa hoàn chỉnh thì chưa thể nói đến chuyện cơ giới hóa.

Là một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có diện tích nuôi tôm lớn ở Sóc Trăng theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, con tôm Việt Nam hiện đang bộc lộ điểm yếu của mình là chi phí và giá thành sản xuất cao hơn các đối thủ cạnh tranh. Đơn cử như giá đất nuôi tôm đã tăng 4 - 5 lần, còn giá nguyên liệu, vật tư đầu vào cũng đã tăng rất mạnh do chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, rất cần đưa khoa học công nghệ, cơ giới vào sản xuất để từng bước nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, giá thành, nhằm tăng tính cạnh tranh. Để giải quyết vấn đề khó khăn về tính cạnh tranh cho con tôm ở hiện tại lẫn tương lai, theo ông Phục không còn con đường nào khác là phải đưa khoa học công nghệ vào ngay từ lĩnh vực nuôi trồng, để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, giá thành tôm nuôi, trong đó, cơ giới hóa là một yếu tố kỹ thuật quan trọng, không thể thiếu.

Phân tích thêm về nguyên nhân hạn chế của tiến trình cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản, theo ông Cẩn có 3 nguyên nhân chính, gồm: sản xuất đa số là nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và cuối cùng là thiếu hụt nguồn nhân lực. Ông Cẩn phân tích thêm: “Trong tổng số khoảng 360.760 cơ sở nuôi trên cả nước, số trang trại, doanh nghiệp có diện tích nuôi tôm lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay nên việc ứng dụng cơ giới hóa là rất khó. Còn về cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm hiện nay hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nghề nuôi, nhất là về thủy lợi, giao thông và điện. Riêng về nguồn nhân lực càng đáng lo hơn khi phần lớn chưa qua đào tạo, nên rất khó khăn trong việc vận hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị”.

Đồng tình với nhận xét chung của ông Cẩn, ông Ngô Công Luận - Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) bổ sung: “Hiện nay, người nuôi tôm ai cũng thấy việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa là rất hiệu quả, nhưng mô hình này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi chủ yếu là do thiếu vốn để đầu tư nâng cấp mô hình. Khó khăn nữa là đa số lao động nuôi tôm hiện nay là người lớn tuổi, trình độ thấp, còn giới trẻ thì phần lớn đi tìm công việc khác tại các khu công nghiệp”.

Liên quan đến vốn và trình độ của người nuôi tôm, ông Phục cho biết thêm: “Người nuôi tôm hiện có rất ít kiến thức về an toàn sinh học, nên thường gặp rủi ro cao và đây cũng chính là nguyên nhân làm cho các ngân hàng chùn tay trong việc đầu tư. Đơn giản như việc chọn bạt trải ao, hay công nghệ xử lý nước, tạo ôxy hòa tan… người nuôi vẫn còn lúng túng không biết phải chọn lựa loại nào là phù hợp, vì thị trường có quá nhiều chủng loại, quá nhiều doanh nghiệp cung ứng”.

Nhận xét về tình hình cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản, Tiến sỹ Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, tiến trình cơ giới trong nuôi trồng thủy sản bước đầu đã đạt được những kết quả ở từng khâu, nhưng nhìn chung, cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản còn khá khiêm tốn và chưa đồng bộ so với nhu cầu thực tế trong bối cảnh hiện nay. Các điều kiện cần, như: chủ trương, chính sách; khoa học công nghệ; máy móc, thiết bị… đều đã có, nhưng cần có thêm điều kiện đủ thì việc cơ giới hóa mới được đồng bộ và hiệu quả. Vì vậy, hầu hết các đại biểu đều kiến nghị bộ và Chính phủ cần có các nhóm giải pháp, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực; vốn tín dụng; quy hoạch và đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vùng nuôi; tổ chức lại sản xuất…

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: