Phóng sự:

Quyết liệt bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch ngân hàng

18/12/2023 04:43 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 18/12/2023 | 04:43

STO - “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, lời cổ nhân dạy thật chí tình. Thế nhưng, vẫn có những người nghe lời ngon ngọt giao giấy tờ nhà, đất hoặc tài sản của mình cho người khác để thế chấp vay ngân hàng. Kết cục phải nhận “trái đắng”, đứng trước nguy cơ mất tài sản và mất thời gian vào việc kiện tụng chỉ vì nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết trong các giao dịch liên quan đến tài sản của mình…

Kỳ 2: Căn nguyên của những hệ lụy

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, năm 2023, toàn tỉnh có 39 vụ án liên quan đến cầm cố, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền; so với tổng số lượng án thụ lý (11.342 vụ việc các loại) thì đây là con số rất nhỏ. Nhưng ở mỗi vụ việc lại ẩn đằng sau là những câu chuyện khác nhau và con số chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bởi thực tế còn không biết bao nhiêu vụ liên quan đến cầm cố, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền đã và đang xảy ra trên địa bàn tỉnh khiến nhiều người phải lao đao. Phổ biến nhất là việc người dân sợ thủ tục phức tạp, kéo dài nên không trực tiếp đến ngân hàng mà phải thông qua “cò”, tốn một khoản phí lớn; có trường hợp giá trị tài sản thế chấp thực tế thấp nhưng thông qua “cò” thì ngân hàng thẩm định giá rất cao; có trường hợp người dân được nhận vốn rất ít nhưng bị người lợi dụng kê lên gấp nhiều lần. Nhiều người phải mất đất vì không hiểu hết trình tự, thủ tục bảo lãnh (bên thứ 3) bằng tài sản của mình; tin tưởng giao giấy tờ nhà đất cho người quen và “bị lừa” ký chuyển nhượng lúc nào không biết, đến khi ngân hàng tiến hành phát mãi, mới biết tài sản của mình đã do người khác đứng tên và đem đi thế chấp ngân hàng...

Án liên quan đến ngân hàng không nhiều so với tổng số án thụ lý nhưng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Ảnh: SỚM MAI

Đồng chí Thái Rết - Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Trường hợp biến tướng của hợp đồng vay tài sản là các bên lập thành hợp đồng chuyển nhượng tài sản, nhà cửa, quyền sử dụng đất giả tạo, nếu phát sinh tranh chấp thì người vay tiền gặp nhiều bất lợi. Vì người dân thường không có chứng cứ chứng minh hợp đồng chuyển nhượng là hợp đồng giả tạo. Do các hợp đồng này được lập rất chặt chẽ, công chứng, chứng thực hợp lệ và đã được sang tên quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp cho bên cho vay. Đối với trường hợp cho mượn tài sản thế chấp vay hoặc nhờ “cò” đứng tên vay tiền (thường bị lợi dụng vay nhiều hơn), nếu không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ thì bắt buộc người nhờ vay phải đứng ra thanh toán toàn bộ số nợ để giữ lại tài sản, không thì sẽ bị ngân hàng xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ".

Các vụ việc phát sinh trên có nhiều nguyên nhân, nhiều nhất là, người dân có nhu cầu vay tiền sử dụng nhưng không tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng hay quỹ tín dụng nhân dân, vì vướng mắc nhiều thủ tục, hạn mức cho vay, nợ xấu… Do vậy, họ tìm đến các tổ chức, cá nhân cho vay ngoài xã hội hoặc nhờ người môi giới để giải quyết nhanh nhu cầu vốn. Một phần người dân hạn chế về sự hiểu biết thủ tục tín dụng, kiến thức pháp luật và không lường trước những hậu quả pháp lý phát sinh khi xác lập các hợp đồng chuyển nhượng giả tạo.

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng có nhiều kiến nghị, đề xuất về việc giải quyết án liên quan đến ngân hàng. Ảnh: SỚM MAI

Với vai trò xét xử, tòa án luôn cố gắng hướng dẫn, hỗ trợ người dân thu thập các tài liệu, chứng cứ để làm rõ sự thật khách quan, đảm bảo xét xử công bằng, đúng quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Quá trình xét xử, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm, tòa án chủ động phối hợp cơ quan điều tra của công an chuyển hồ sơ vụ án giải quyết theo thẩm quyền để đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương. Ngoài công tác xét xử, tòa án còn tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng tại địa phương về kiểm soát chặt chẽ việc cho vay vốn và nhận thế chấp tài sản để kịp thời ngưng xác lập giao dịch khi phát hiện việc đứng tên quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giả tạo hoặc môi giới vay tiền. Đồng thời, lưu ý các văn phòng công chứng cần phải cảnh giác, nhận diện các hợp đồng giả tạo khi thực hiện thủ tục công chứng để kịp thời giải thích cho người dân được biết hậu quả pháp lý khi thực hiện các thủ tục chuyển nhượng tài sản giả tạo.

Tuy nhiên, chức năng chính của tòa án vẫn là xét xử nên nếu đơn vị này “đơn thương độc mã” thì khó mà đẩy lùi “kẻ gian” trong giao dịch ngân hàng. Đây là vấn đề đòi hỏi cần có sự thống nhất, đồng bộ, quyết liệt vào cuộc từ nhiều cơ quan có thẩm quyền.

SỚM MAI (Còn tiếp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: