• Văn hóa - Thể thao

"Hàng" hay "hằng"

23/08/2023 05:17 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Trọng Nhân
  • Thứ Tư, 23/08/2023 | 05:17

STO - Hiện nay, một số người còn nhầm lẫn việc sử dụng giữa hai từ “hàng” và “hằng”. Có người thay vì dùng từ “hàng” lại dùng từ “hằng” và ngược lại. Thậm chí có một số người đồng nhất giữa hai từ này, nghĩa là dùng từ “hàng” cho tất cả các trường hợp. Trên cơ sở tra cứu một số tài liệu, chúng tôi tập hợp thành bài viết này nhằm giúp mọi người nói, viết đúng hơn.

Theo từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên - Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2016; Đại từ điển tiếng Việt do Giáo sư Nguyễn Như Ý chủ biên - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, năm 1999; Từ điển từ và ngữ Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Lân biên soạn, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2006,… “hàng” xét với nét nghĩa thường dễ nhầm lẫn với từ “hằng” dùng để chỉ tập hợp những người hoặc vật nối tiếp nhau thành một dãy dài, thường theo một khoảng cách đều đặn; dùng chỉ thứ bậc, xếp theo vị trí; dòng nước mắt; dòng chữ;…

Ví dụ: Các bạn dàn hàng ngang. Học sinh xếp hàng ngay ngắn. Chị cấy rất thẳng hàng. Khi nghe hiệu lệnh, các đồng chí đứng thành hai hàng!. Ông ta thuộc hàng chú bác. Chúng ta đều ở vị trí ngang hàng nhau. Hàng trăm người đang đợi. “Nỗi mình thêm tức nỗi nhà/Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!”; “Nàng rằng: Vâng biết ý chàng/Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” (Truyện Kiều),…

Ngoài ra, từ “hàng” còn dùng phụ trước danh từ để biểu thị số lượng nhiều, không xác định, nhưng tính bằng đơn vị được nói đến và chỉ những việc làm liên tục.

Ví dụ: Hàng chồng sách, đọc mãi chẳng hết. Chúng tôi phải chờ lâu hàng giờ. Người đông, có tới hàng nghìn. Hàng trăm người đội nắng, xếp hàng chờ hàng giờ để được mua bánh trung thu. Hàng trăm tỷ đồng được đầu tư. Hàng trăm người đến dự buổi sinh hoạt. Hàng triệu con giun lúc nhúc trong hố;… “Họ bị giam cầm hàng tháng trời”. “Họ không còn sức để mà lao động và hàng loạt người chết dần vì đói và bệnh tật”. “Trong chiến dịch này, ta đã tiêu diệt 3.300 tên xâm lược và làm bị thương 3.900 tên, bắt sống 270 tên, bắn rơi 18 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 54 ca nô và tàu chiến, phá hủy 255 xe cơ giới, thu hàng nghìn súng và nhiều đồ dùng quân sự khác”. “Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được”. ­(Hồ Chí Minh)...

Còn đối với từ “hằng” (姮) gốc Hán, dùng phụ trước động từ, hay động ngữ hoặc tổ hợp tương đương và dùng phụ trước danh từ, hay danh ngữ hoặc tổ hợp tương đương. Từ "hằng" dùng để chỉ đơn vị thời gian, biểu thị tính liên tục của một hoạt động (thường là hoạt động tâm lý - tình cảm) diễn ra trong suốt cả thời gian dài; lặp đi lặp lại liên tiếp thuộc một đối tượng, một sự việc; hiện tượng thường xảy ra, không đổi.

Ví dụ: Điều chúng ta hằng mong ước. Báo ra hằng ngày. Ngày hội hằng năm. Ngày nghỉ hằng quý. Công việc hằng ngày. “Song hồ nửa khép cánh mây/Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông” (Truyện Kiều)… “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường” (Thanh Tịnh). “Trước khi có bức thư quý hóa trên, hằng năm người ta cũng đã tọng từ 23 đến 24 triệu lít rượu cho 12 triệu người bản xứ, kể cả đàn bà và trẻ con”. “Đấy là những hành động phúc âm mà các “Cha nhà ta” nỗ lực làm hằng ngày và bao giờ cũng là nhân danh Chúa cả”. “Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo, v.v., có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày” (Hồ Chí Minh).

Tóm lại, việc dùng đúng từ “hàng” và từ “hằng” trong nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trong văn bản là việc làm nhằm góp phần giữ gìn trong sáng tiếng Việt.

TRỌNG NHÂN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: