• Văn hóa - Thể thao

Nghệ nhân Thạch Phương - người lưu giữ nét kiến trúc độc đáo của dân tộc

21/09/2022 07:26 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 21/09/2022 | 07:26

STO - Dành gần trọn cả cuộc đời mình để mang những tinh hoa kiến trúc truyền thống Khmer đến với cộng đồng, ông Thạch Phương ở ấp Đại Ân, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) là một trong những nghệ nhân gắn bó với nghề đúc tượng, chư thiên, vẽ, điêu khắc hoa văn sống động tại các công trình kiến trúc chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong và ngoài tỉnh.

Nghệ nhân Thạch Phương đang sơn và làm nổi hoa văn. Ảnh: THANH VÀNG

Sinh ra và lớn lên trong gia đình am tường về mỹ thuật, điêu khắc, nên nghệ nhân Thạch Phương đã sớm tiếp cận và được gia đình dạy, truyền nghề một cách bài bản và kỹ lưỡng. Năm 17 tuổi, ông theo cha là nghệ nhân Thạch Vết để học vẽ và điêu khắc tại các ngôi chùa ở tỉnh An Giang, Kiêng Giang… với năng khiếu sẵn có cùng với niềm đam mê, chịu khó học hỏi, nghiên cứu, tiếp thu những cái khó từ thế hệ trước nên ông đã rành rẽ mọi thứ. Đến năm 27 tuổi, ông chính thức lập nghiệp. Trải qua thời gian vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ cha cùng đôi bàn tay khéo léo với niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng của mình, ông đã trở thành nghệ nhân điêu khắc có danh tiếng trong cộng đồng người Khmer. Tiếng lành đồn xa, những tác phẩm nghệ thuật của ông như: tượng chim thần, tiên nữ, hoa văn, chánh điện, ngôi tháp… được giới chuyên môn đánh giá cao nên khách tới đặt hàng nhiều hơn… Theo nghệ nhân Thạch Phương, muốn làm nghề điêu khắc, trước tiên đòi hỏi phải có năng khiếu, được đào tạo một cách bài bản, am hiểu và rành rọt về ý nghĩa cũng như nguồn gốc, xuất xứ của các loại hoa văn…

Tuy chỉ bằng những vật liệu thô sơ như: xi măng, cát, sắt, nước sơn nhưng nghệ nhân đã cho ra đời những tác phẩm mang nét kiến trúc đặc sắc, một biểu tượng văn hóa tinh thần riêng biệt của đồng bào dân tộc Khmer. Để tạo ra được một tác phẩm đẹp, sống động và có hồn thì nghệ nhân phải có tâm và có tầm, phải đặt hết tâm huyết của mình vào trong tác phẩm, nghệ nhân Thạch Phương chia sẻ: “Để có một bức điêu khắc đẹp và hoàn hảo thì người thợ đó phải am hiểu, hòa mình vào dòng chảy của cảm xúc và cái quan trọng nhất đó chính là niềm đam mê với nghề”. Với mong muốn nghệ thuật vẽ, điêu khắc được trường tồn và phát huy hơn nữa, ông luôn nhận dạy cho những ai yêu thích và đam mê để góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống này... Lan tỏa niềm đam mê từ nghệ nhân Thạch Phương, anh Tạ Chom Rơl (con rể ông) cũng đã theo học và mưu sinh bằng nghề này được 20 năm nay, với hơn 100 ngôi tháp trong và ngoài tỉnh. Anh Chom Rơl chia sẻ: “Cái cơ duyên tôi đến với nghề là do lan tỏa niềm đam mê từ cha vợ, đồng thời thấy rằng việc này nếu làm tốt cũng có thu nhập ổn định, vừa đỡ phải lo toan mưu sinh vừa bảo tồn, gìn giữ được những tinh hoa kiến trúc truyền thống của dân tộc”. Có lẽ, được thỏa niềm đam mê, mang linh hồn vào những nét vẽ, điêu khắc ra những bức tượng, những hoa văn sống động… đó chính là niềm vui, hạnh phúc nhất của người nghệ nhân.

Có thể thấy cội nguồn văn hóa Khmer luôn có sức hấp dẫn vượt thời gian. Từ niềm đam mê cháy bỏng cộng với sự khéo léo của nghệ nhân, sắc màu văn hóa dân tộc không ngừng được vun bồi, sáng tạo thêm những đường nét mới, làm cho cốt cách tâm hồn thêm vững chãi, lan tỏa những thông điệp mới để cuộc sống thêm phần ấm áp, lung linh.

THANH VÀNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: