• Văn hóa - Thể thao

Nhiếp ảnh Sóc Trăng xưa

24/03/2024 04:11 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 24/03/2024 | 04:11

STO - Vào những năm 1960, thời điểm khi cả nước bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Nhiếp ảnh tỉnh Sóc Trăng được xây dựng bởi những thanh niên giác ngộ cách mạng. Họ nâng tầm sở thích đam mê lên một lý tưởng cao hơn, mong muốn lao động, dấn thân cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, bảo vệ đất nước.

Ban đầu, Tổ nhiếp ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy có 2 người gồm: ông Tư Hình (Thái Thành Long) và ông Bảy Thuận. “Gia tài” mà hai ông tác nghiệp là chiếc máy ảnh cũ kĩ của Đức, chiếc cát in hình bằng gỗ tự chế, thúng gánh nước và ba cái chén để đựng thuốc tráng phim. Năm 1964, tổ bổ sung thêm 2 người: Ngô Việt Lâm và Trương Việt Đoàn, được trang bị thêm máy và tự chế thành công máy phóng ảnh, phục vụ chiếu từng phim, phóng lớn rồi thuyết minh… Đến năm 1972, tổ tăng cường thêm Trần Việt Khoa (đã hy sinh) và Văn Ngọc Nhuần.

Du kích xã Gia Hòa bao vây đồn giặc. Ảnh: NGÔ VIỆT LÂM

Phương tiện tác nghiệp nhiếp ảnh giai đoạn này thô sơ, tráng phim bằng cách để các chén thuốc vào thùng, phủ mền hoặc quần dài trùm thật kín, thọc hai tay vào ống quần để tráng. Anh em trong tổ phân công nhau người ở lại tráng rửa phim, đa số đều đi các chiến trường nóng bỏng để săn tin, ảnh. Mỗi chuyến công tác của mọi người có khi hằng tháng trời mới về được đến cứ để rửa phim. Ban ngày, các dụng cụ đều phải chôn giấu kín tránh giặc càn bố phát hiện. Đêm đến lấy lên làm. Chỉ chuyện nước ngọt để rửa phim có khi đi hàng chục cây số lấy về, chưa kể bị địch phục kích bắn. Song những nỗi vất vả, thiếu thốn được các anh sáng tạo khắc phục. Lúc đầu, mọi người chụp ảnh để làm thẻ căn cước cho cán bộ đi công tác thành. Sau ghi những hình ảnh hội nghị, các ngày lễ, phong trào tòng quân, luyện tập võ trang. Các phóng viên ảnh khi đó cũng là người tuyên truyền và thuyết minh cho nhân dân xem triển lãm ảnh. Mọi người vừa hỗ trợ chiến đấu vừa kịp thời tranh thủ có mặt tại địa bàn trọng điểm để có ảnh triển lãm gửi ra khu, cục, Trung ương, báo cáo chiến tích của quân dân Sóc Trăng. Có những cuộc triển lãm thu hút hàng ngàn người xem như ở chùa Dì Oán (Hồng Dân - Bạc Liêu), Mỹ Phước (Mỹ Tú), Mỹ Quới (Thạnh Trị), Hòa Tú (Mỹ Xuyên).

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào xuân năm 1969, anh em trong tổ mượn hầm trú ẩn nhà dân làm buồng tối tráng rửa ảnh. Mỗi lần làm ảnh xong, mặt mũi ai cũng như ông Táo, tèm lem tuốc luốc do khói đèn dầu. Mọi người đã thức xuyên suốt mấy đêm làm hơn 3.000 tấm thiệp xuân có ảnh và bài thơ của Bác Hồ kịp làm quà xuân cho đồng bào, chiến sĩ, cán bộ khắp trong, ngoài chiến tuyến. Đây là món quà thật quý, có giá trị động viên tinh thần rất lớn trong cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta.

Các đơn vị Tiểu đoàn Phú Lợi đánh chiếm và làm chủ sân bay Sóc Trăng. Ảnh: TRƯƠNG VIỆT ĐOÀN

Đặc biệt, từ sau tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, chiến trường ác liệt hơn, địch xây đồn bót dày đặc hơn. Những năm “bình định”, rừng bị phát quang không còn chỗ trú ẩn, địch mở đợt đánh liên tục, những chiến sĩ này phải nằm hầm sâu, chịu đựng đói khát nhiều ngày. Phim, giấy, thuốc ngày càng khan hiếm, dụng cụ chẳng có gì. Các anh luôn tìm cách chế tạo, khắc phục các công đoạn rất nhọc nhằn, công phu, mất nhiều thời gian. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Ngọc Nhuần - nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng nhớ lại: “Lúc đó phải đốt đèn măng-sông để phóng, dùng đèn dầu để hiện ảnh, chỉnh hình, thử thuốc… Đến lúc về căn cứ rừng tràm, hôm nào phóng ảnh phải cử người canh gác máy bay. Có đêm phải ngưng phóng nhiều lần vì sợ máy bay phát hiện ánh sáng đèn từ xa. Hình ảnh phóng xong dán thành bộ, chú thích cẩn thận cho vào thùng đạn, chống ẩm bằng gạo rang… và chuyển đi triển lãm phục vụ khắp các vùng giải phóng, vùng địch kiểm soát…”. Trước nhu cầu bức xúc về hình ảnh lưu niệm của đồng bào, chiến sĩ, tổ nhiếp ảnh mở hiệu ảnh “Bình Minh” tại số 2, kinh xáng Mỹ Phước. Đến giờ, nhiều người vẫn còn lưu giữ ảnh và khen ngợi tiệm hình “Bình Minh” trong thời kháng chiến.

Chiêm ngưỡng 300 ảnh trắng đen về tỉnh Sóc Trăng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, xuất bản 25 năm trước, trước mắt tôi như hiện lên hình ảnh những người lính Tiểu đoàn Phú Lợi đánh chiếm Tiểu khu Ba Xuyên, từng tốp người chia theo các hướng Tân Thạnh, Bố Thảo… trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tháp tùng những đoàn quân là 3 anh thanh niên Trương Việt Đoàn, Văn Ngọc Nhuần, Ngô Việt Lâm lỉnh kỉnh máy ảnh, súng ống cùng hành quân ghi lại hình ảnh trên đường và các chiến công ngày thị xã Sóc Trăng giải phóng.

Đội du kích xã Gia Hòa lên phương án đánh bình định ở các đồn trong xã năm 1972. Ảnh: LÊ MINH TRƯỜNG

Lật lại trang sử bằng ảnh của những người cầm máy trong thời chiến ta mới thấy sự cống hiến của các anh, các chú. Mọi người không quản vất vả, khó nhọc, thậm chí hy sinh tính mạng để ghi lại những hình ảnh chiến đấu oai hùng của quân dân tỉnh nhà, làm chứng tích truyền thống cho các thế hệ mai sau. Tiêu biểu Bộ ảnh Ký ức thời chiến (Thái Thành Long) ghi lại cảnh lao động, sản xuất, sinh hoạt, chiến đấu của phụ nữ du kích cách mạng xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Sóc Trăng ngày đêm luyện tập mã tấu, võ thuật chuẩn bị cho cuộc Đồng Khởi 1960, bộ đội Tiểu đoàn Phú Lợi, cùng nhân dân vót chông ngăn địch càn quét, giết hại đồng bảo vô tội; ảnh cán bộ, chiến sĩ đoàn văn công, ca múa nhân dân dùng lời ca “Tiếng hát át tiếng bom”, luôn bám sát nơi tuyến đầu phục vụ, động viên cổ vũ sĩ khí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên khắp các chiến trường trọng điểm tỉnh Sóc Trăng. Bộ ảnh Đất Thép Gia Hòa của Ngô Văn Thới đã nắm bắt khoảnh khắc giá trị về quân giải phóng đang thực thi nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, giải phóng quê hương. Bộ ảnh Tình đất tình người trong tôi của NSNA Văn Ngọc Nhuần đặc tả chi tiết đường nét cảnh vật, con người sau đổi mới, ghi lại từng khoảnh khắc sinh động, chân thực của cuộc sống nơi bước chân ông từng qua. Ngoài ra còn có hình ảnh về xác máy bay rơi, xe tăng tan xác trên đồng, tù binh Tiểu đoàn 408 bảo an; hình ảnh du kích Hòa Tú dùng chiến thuật “Dao phay”, “bắn lựu đạn bằng nạn giàn thun”; hình ảnh đồng bào nổi dậy phá ấp chiến lược, hoạt động của Tiểu đoàn Phú Lợi, địa phương quân, biểu diễn văn nghệ.

Có thể nói nhiếp ảnh cách mạng Sóc Trăng xưa đã đồng hành cùng dân tộc, sống mãi với thời gian, trở thành nhân chứng qua các giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam, có những bức ảnh đã trở thành di sản vô giá, ghi dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt là về một giai đoạn lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ, giải phóng đất nước của nhân dân Sóc Trăng.

NGỌC NHÂN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: