Hiệu quả kinh tế từ các mô hình sinh kế

06/03/2024 04:03 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 06/03/2024 | 04:03

STO - Từ mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu triển khai hiệu quả, hơn 20 hộ dân ở xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã vượt khó thoát nghèo, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, tiến đến xây dựng Tổ hợp tác cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch.

Cuối năm 2023, 23 hộ dân ở xã An Mỹ đã tham gia các chương trình tập huấn chế biến đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng “chiến lược” bán hàng, quảng bá sản phẩm trên nền tảng các trang mạng xã hội… chuẩn bị cho việc ra mắt tổ hợp tác cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch gồm gà H’Mông, ếch, ốc bươu đen.

Các hộ dân xã dự án An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, cách thức đóng gói sản phẩm. Anh: XUÂN NGUYÊN

“Sau khi được tập huấn tiếp thị, quảng cáo trên không gian số, chúng tôi có kiến thức cơ bản về marketing, biết cách quản lý và vận hành website, sử dụng các trang mạng xã hội, xây dựng kế hoạch quảng cáo và tiếp thị sản phẩm bằng cách kể chuyện, sử dụng hình ảnh, video về sản phẩm để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Và chúng tôi đã thực hành quảng bá và bán các sản phẩm. Nắm bắt được cơ hội phát triển kinh tế, mọi người đều phấn khởi, có động lực để tiếp tục tăng gia sản xuất”, chị Nguyễn Thị Mỹ Xuyên, xã An Mỹ chia sẻ.

Để sản phẩm có thể tiếp cận được tới nhiều khách hàng, nhóm 23 hộ dân tiến hành xây dựng website, tạo tài khoản trên Facebook, Zalo và 1 gian hàng trên sàn thương mại điện tử, phân công thành viên phụ trách các kênh này. Ngoài việc tập huấn tiếp thị sản phẩm, các hộ dân còn được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến đóng gói sản phẩm; được hỗ trợ thiết bị và dụng cụ chế biến, đóng gói.

Anh Lê Trường Giang, xã An Mỹ ăn nên làm ra với mô hình nuôi ốc bươu đen. Hiện tại, anh Giang có 6 ao nuôi ốc diện tích hơn 200m²/ao và 2 ao lớn diện tích 500m²/ao. Hằng tháng, ngoài lợi nhuận hơn 3 triệu đồng từ bán ốc thương phẩm, anh Giang còn cung cấp thêm ốc giống cho nông dân trong vùng. Sau khi được tập huấn các kỹ năng quảng bá, đóng gói sản phẩm, anh Giang cho biết sẽ tập trung triển khai bán sản phẩm chế biến ốc bươu đen hút chân không, ốc gác bếp.

Theo Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ phát triển huyện Kế Sách, năm 2017, Chương trình Hỗ trợ phát triển huyện Kế Sách được tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) tài trợ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tại 3 xã dự án Thới An Hội, Kế Thành và An Mỹ. Theo đó có 6 mô hình sinh kế hỗ trợ cho 170 hộ gia đình có thêm thu nhập. Hiệu quả nhất phải kể đến mô hình nuôi ốc bươu đen vào cuối năm 2020 triển khai cho 7 hộ dân ở xã An Mỹ. Hiện nay có 5 hộ vẫn duy trì nuôi ốc, có thu nhập ổn định hằng tháng từ bán ốc thịt và ốc giống cho nông dân trong khu vực. Mô hình nuôi gà H’Mông triển khai năm 2022 tại các xã An Mỹ, Kế Thành và Thới An Hội cũng giúp cho nông dân có thêm thu nhập. Sau khi được ActionAid hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hiện 46 hộ dân làm ăn hiệu quả, có lãi từ 1,5 - 4 triệu đồng mỗi tháng từ bán gà thịt và gà giống. Mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá trong vèo thực hiện vào cuối năm 2020 với 51 hộ cũng cho hiệu quả. Hiện nay có một số hộ vừa bán ếch thương phẩm vừa tự nhân giống ếch cung cấp nguồn giống ổn định ra thị trường.

Đồng chí Hồng Thanh Tâm - cán bộ chương trình của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Kế Sách cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn 3 xã dự án vẫn còn nhiều hộ dân duy trì các mô hình. Trong đó, phấn khởi hơn hết là các hộ dân xã dự án An Mỹ đã liên kết với nhau mở ra một hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn đưa các sản phẩm chăn nuôi tiếp cận thị trường. Các hộ dân không chỉ xuất chuồng gà thịt, gà giống, ếch, ốc bươu đen mà còn chịu khó nghiên cứu chế biến, đóng gói, cấp đông sản phẩm từng bước tiếp cận thị trường. Hiện nay, gà H’Mông bán thịt giá dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, giá gà làm sạch đóng gói hút chân không là 200.000 đồng/kg; ếch sống có giá 50.000 đồng/kg, nếu làm sạch đóng gói là 110.000 đồng/kg; mặt hàng ốc sống là 35.000 - 50.000 đồng/kg. Các hộ dân cũng đang nghiên cứu làm ốc gác bếp. Sự tích cực và hiệu quả kinh tế của các hộ dân nằm trong các xã dự án An Mỹ đã góp phần phát triển kinh tế của địa phương”.

Cũng theo đồng chí Hồng Thanh Tâm, nhóm hộ dân của xã An Mỹ đã được hỗ trợ tủ cấp đông, máy hút chân không, máy nhổ lông gà, bàn đóng gói, bàn rửa sơ chế, thiết kế bao bì sinh học, máy tính… phục vụ cho việc đóng gói các sản phẩm. Sau khi tổ hợp tác ra mắt, ngoài tiếp tục nuôi và bán sản phẩm, tổ còn thu mua ếch, gà H’Mông, ốc thương phẩm của các xã dự án còn lại đưa vào chế biến, đóng gói cung cấp cho thị trường, đồng thời mở 6 quầy hàng bán và trưng bày sản phẩm đặt cạnh UBND các xã An Mỹ, Kế Thành, Thới An Hội và khu vực gần chợ, các điểm trưng bày đặc sản, sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP.

XUÂN NGUYÊN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: