Hiệu quả từ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

10/04/2024 04:48 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 10/04/2024 | 04:48

STO - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Từ việc tích cực triển khai hỗ trợ người dân thụ hưởng dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo và các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, nhiều hộ khó khăn đã từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hơn 5 năm mưu sinh nơi đất khách, vợ chồng ông Trương Văn Hùm ở ấp Phố, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) trở lại quê nhà để an cư lạc nghiệp. Sau khi cất lại căn nhà, ông Hùm tìm hiểu về mô hình chăn nuôi bò rồi sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi mua bò về nuôi. Từ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, ông Hùm được hỗ trợ thêm con bò kem Pháp. Với tính cần cù, chịu thương chịu khó, chăm chút cho đàn bò, đến nay, đàn bò của ông Hùm đã tăng 4 con, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình từ việc bán bò sinh sản và bò thịt.

Mô hình nuôi bò hiệu quả đã mang lại cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vượt khó thoát nghèo. Ảnh: XUÂN THANH

Ở ấp Phố, xã Hậu Thạnh còn có gia đình ông Nguyễn Văn Dụng cũng thoát nghèo từ mô hình nuôi bò. Trước đây, kinh tế gia đình ông thuộc diện khó khăn, thu nhập bấp bênh. Sau khi được hỗ trợ bò từ dự án, ông Dụng phấn khởi đặt mục tiêu nhân rộng đàn. Đầu năm nay, ông Dụng xuất chuồng 1 con bò thịt, hiện đàn bò của ông Dụng còn được 3 con, nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, đàn bò phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt.

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Thanh - Trưởng Ban Nhân dân ấp Phố, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú, từ hỗ trợ của Dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các hộ có hoàn cảnh khó khăn từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hiện trên địa bàn ấp có khoảng 20 hộ được hỗ trợ bò từ dự án, toàn ấp giờ đây chỉ còn 4 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo.

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã cải thiện đời sống với nghề đan đát. Ảnh: XUÂN THANH

Nghề đan đát vốn là nghề truyền thống phát triển mạnh ở thị xã Ngã Năm. Nhiều hộ dân ở địa phương không có đất canh tác, cuộc sống bấp bênh sau khi được tạo điều kiện học nghề đan đát đã có thu nhập ổn định. Như gia đình ông Nguyễn Phước Hữu ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, trước đây làm thuê, làm mướn kiếm sống. Sau khi học nghề đan lục bình do chính quyền địa phương phát động, hiện gia đình ông Hữu đã “có nghề”, nhận gia công các sản phẩm đan đát với thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày. Hiện tại, ở ấp Vĩnh Hòa có 90% hộ làm nghề đan lục bình, với thu nhập bình quân từ 70.000 - 100.000 đồng/người/ngày. Mô hình đan lục bình không chỉ phát triển mạnh ở ấp Vĩnh Hòa mà còn nhân rộng ra các ấp Vĩnh Kiên, Vĩnh Đồng, Vĩnh Trung… qua đó góp phần tăng thu nhập cho bà con địa phương.

Với đức tính cần cù lao động, chịu khó học hỏi, tìm kiếm hướng phát triển kinh tế gia đình, anh Ngô Vũ Hùng ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm tham gia lớp đào tạo nghề trồng trọt ngắn hạn và chuyển giao kỹ thuật trồng cây mãng cầu gai do địa phương tổ chức. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về cây mãng cầu gai, anh Hùng mạnh dạn chuyển đổi 0,3ha đất trồng lúa sang trồng cây mãng cầu gai. Nhờ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hiệu quả, hiện 300 gốc mãng cầu gai của anh Hùng cho thu hoạch khá, trung bình mỗi năm đạt lợi nhuận trên 150 triệu đồng.

Có thể thấy, thời gian qua, từ việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từng bước được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh được bố trí nguồn vốn trên 136 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 126 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng trên 9,7 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao, các đơn vị, địa phương đã kịp thời tổ chức phân bổ, triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình. Trong đó, với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (dự án 2) được hỗ trợ trên 35 tỷ đồng, toàn tỉnh đã triển khai 101 mô hình với hơn 1.860 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia.

Vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND, ngày 27/2/2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Kế hoạch đã đề ra 12 mục tiêu cụ thể phấn đấu thực hiện đạt trong năm 2024, trong đó có mục tiêu giải quyết việc làm cho 6.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; đào tạo nghề cho 3.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 15 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh là trên 98,3 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác.

Triển khai kế hoạch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch. Hướng dẫn quy trình giám sát, đánh giá việc thực hiện, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các địa phương, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch định kỳ, đột xuất về UBND, Ban Chỉ đạo tỉnh hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Đồng chí Đặng Thanh Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Các chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền các cấp, đoàn thể tham gia tích cực vào thực hiện công tác giảm nghèo, qua đó, ở các địa phương đã có nhiều cá nhân, mô hình điển hình tiên tiến phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục tập trung triển khai thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên các xã, ấp đặc biệt khó khăn, hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn, bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân vào chương trình giảm nghèo bền vững”.

XUÂN THANH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: