• Xây dựng Đảng

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025:

Công tác quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường được đảm bảo góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025

27/09/2023 04:47 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 27/09/2023 | 04:47

STO - Ngày 7/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã trình bày tham luận về kết quả đạt được, những hạn chế và các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Báo Sóc Trăng trích, đăng nội dung tham luận của các đại biểu.

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo và các dịch vụ công về tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo đó, công tác quản lý tài nguyên hướng tới làm rõ tiềm năng, trữ lượng, giá trị các nguồn tài nguyên của đất nước, từ đó bảo đảm khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững đi đôi với bảo vệ, phục hồi và tái tạo các nguồn tài nguyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn công tác quản lý, sử dụng tài nguyên hiện nay đã và đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có cách tiếp cận hệ thống từ nâng cao nhận thức, đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật đến tổ chức thực hiện để khắc phục những bất cập, yếu kém của công tác này, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tỉnh Sóc Trăng có diện tích tự nhiên khoảng 3.298,20km2, chiếm khoảng 1% diện tích cả nước và 8,05% diện tích của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có bờ biển dài hơn 72km (chiếm 2,12% chiều dài bờ biển cả nước). Với địa hình thấp, bị phân cắt nhiều bởi hệ thống các sông rạch và kênh mương thủy lợi, nên dù có tổng lượng nước mặt, nước dưới đất khá lớn, tuy nhiên do giáp biển nên dễ bị nước biển xâm nhập (nhiễm mặn), nhất là vào mùa khô, gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ theo vùng và theo mùa.

Với đường bờ biển dài, mật độ năng lượng gió lớn (800 - 900W/m2 vào các tháng mùa chính), năng lượng bức xạ dồi dào (khoảng 1800kWh/m2/năm), tỉnh Sóc Trăng là địa phương có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt năng lượng gió, năng lượng mặt trời…

Bên cạnh đó, Sóc Trăng có trữ lượng tài nguyên cát lòng sông khoảng 89 triệu m3, và trên 11 tỷ m3 cát biển, đây là nguồn tài nguyên khoáng sản hết sức quan trọng phục vụ cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói riêng cũng như của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Ý thức được tầm quan trọng của các nguồn tài nguyên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã rất quan tâm đến công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đều đã đề cập và nhấn mạnh đến vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp theo đó HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, quyết định, nghị quyết cụ thể như: Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND, ngày 20/5/2022 về việc kéo dài thời hạn áp dụng một phần của Nghị quyết số 05/2010/NQ-HĐND, ngày 9/7/2010 của HĐND tỉnh Sóc Trăng về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Hậu thuộc khu vực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; Kế hoạch số 116/KH-UBND, ngày 27/7/2021, Kế hoạch bảo vệ môi trường và dự toán ngân sách sự nghiệp môi trường năm 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2022 - 2024, từ nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng; Kế hoạch số 46/KH-UBND, ngày 28/3/2022 về điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Quyết định số 1679/QĐ-UBND, ngày 22/6/2022 về việc kéo dài thời hạn áp dụng một phần của Quyết định số 216/QĐ-UBND, ngày 8/11/2010 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Hậu thuộc khu vực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020.

Trên cơ sở đó, Sóc Trăng đã bố trí vốn từ ngân sách, ban hành nhiều cơ chế huy động nguồn vốn trong xã hội đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên.

Nguồn thu từ tài nguyên đóng góp quan trọng cho ngân sách hằng năm của tỉnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên đã tạo nên việc làm, thu nhập cho người dân. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên có sự chuyển biến theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững hơn. Vấn đề bảo vệ, phục hồi, tái tạo các nguồn tài nguyên được chú ý; đầu tư phát triển các nguồn nguyên, nhiên liệu thay thế đã được quan tâm.

Chất lượng môi trường đô thị, môi trường nông thôn dần được cải thiện. Các loại chất thải phát sinh từ quá trình sinh hoạt và sản xuất được thu gom kịp thời, tỷ lệ xử lý chất thải rắn đạt cao hơn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường được xử lý kịp thời, không để tình trạng ô nhiễm kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.

Công tác ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện gắn với công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Công tác quản lý tài nguyên nước, khoáng sản được thực hiện chặt chẽ, từ công tác điều tra đánh giá tiềm năng trữ lượng đến công tác quy hoạch, phân vùng khai thác theo đúng quy định pháp luật.

Công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật như:

Hiệu quả sử dụng các loại đất được nâng cao, quỹ đất chưa sử dụng được đưa vào khai thác sử dụng ngày càng nhiều, tình trạng để đất hoang hóa lãng phí đất đã được hạn chế (hầu hết diện tích các loại đất đã được giao cho các tổ chức, cá nhân thuê để quản lý, sử dụng hiệu quả theo quy định của pháp luật về đất đai). Diện tích đất chưa sử dụng trên địa bàn tỉnh không còn nhiều (đến cuối năm 2022 còn khoảng 663ha), phân bố chủ yếu ven sông, đất bãi bồi ven biển nên khó cải tạo đưa vào phục vụ sản xuất.

Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được kết quả nhất định (lũy kế đến nay đã đo đạc, lập bản đồ địa chính được 46 đơn vị xã, phường, thị trấn; tổng số xã đã đo đạc bản đồ địa chính chính quy là 54/109 xã, phường, thị trấn; tổng diện tích đo vẽ là 146.883,6ha; tổng diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trên địa bàn tỉnh đến nay là 283.871,81ha, đạt 99,97% diện tích cần phải cấp giấy chứng nhận).

Công tác quản lý đất đai đã từng bước phát triển theo hướng hiện đại, minh bạch, chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đai ngày càng được nâng cao thông qua việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính về đất đai (việc công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng được chú trọng thực hiện kịp thời nhằm tạo sự minh bạch, công bằng trong việc tiếp cận các thông tin về đất đai trong xã hội; tăng cường công tác giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong nhân dân).

Công tác giải phóng mặt bằng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đã mang đến kết quả rất khả quan, cụ thể ở các công trình đường cao tốc, mở rộng Quốc lộ 1A...

Đạt được kết quả trên là do trong quá trình thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Các sở, ban ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã có sự gắn kết chặt chẽ và có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường vẫn còn tồn tại những thực trạng như sau:

Một là, hiểu biết về tiềm năng, trữ lượng, giá trị của các nguồn tài nguyên còn hạn chế; thông tin, dữ liệu về các nguồn tài nguyên chưa đầy đủ, toàn diện và chưa được chuẩn hóa. Hoạt động điều tra, thăm dò tài nguyên còn rất hạn chế, nhất là nguồn nước dưới đất; thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước, khoáng sản còn rất thiếu. Phần lớn các hệ sinh thái tự nhiên chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện, kiểm kê định kỳ. Việc thông tin, dữ liệu về các nguồn tài nguyên chưa được chuẩn hóa, dẫn đến việc đánh giá, dự báo thiếu chính xác đang là vấn đề lớn trong hoạch định chính sách quản lý tài nguyên nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Hai là, việc khai thác, sử dụng nhiều nhóm tài nguyên chưa hợp lý, kém hiệu quả và không bền vững, hạn chế khả năng đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như đất đã được giao, cho thuê chậm được sử dụng; sử dụng đất nông, lâm trường kém hiệu quả.

Ba là, chưa chú trọng đúng mức đến công tác bảo vệ, tái tạo, phục hồi và phát triển các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên tái tạo. Nguồn nước, ngày càng suy giảm, thậm chí với tốc độ nhanh hơn.

Với thực trạng nêu trên, trong thời gian tới ngành Tài nguyên và Môi trường tích cực phối hợp các cấp, các ngành thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên. Theo quan điểm “Không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế”. Tài nguyên cần được nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò là nguồn vốn, đầu vào của nền kinh tế, là tài sản quốc gia có hạn, phải được khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; coi việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên là một trong những thước đo đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế...

Thứ hai, đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng các nguồn tài nguyên; từng bước xác định, đánh giá các giá trị kinh tế đối với các loại tài nguyên; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, tăng cường công tác quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạch định chính sách quản lý tài nguyên, phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung các nguồn lực để thực hiện Dự án tổng thể, trong đó đề nghị bố trí đủ kinh phí của dự án theo quy định, đảm bảo đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh để tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Thứ ba, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, loại bỏ dần những ngành có công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên; khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, đổi mới, áp dụng công nghệ sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường trong các ngành khai thác, chế biến tài nguyên; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm chất thải trong sản xuất, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải sau sản xuất và tiêu dùng; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất và sử dụng năng lượng theo hướng tăng mạnh tỷ trọng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nguyên nhiên vật liệu mới.

Thứ tư, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên bảo đảm phân bổ nguồn lực tài nguyên hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội. Lồng ghép các tiêu chí sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên vào quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành. Vấn đề chia sẻ lợi ích, đền bù, hỗ trợ giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên. Thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể:

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là trong việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, đảm bảo trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 31/12 hằng năm; nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch sử dụng đất, kiên quyết loại khỏi kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đối với những dự án đã quá 3 năm theo quy định của Luật Đất đai.

- Tiếp tục quan tâm và tập trung xây dựng giá đất cụ thể; hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án; tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh bảng giá các loại đất, ban hành trong năm 2023; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua nghị quyết về hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất, hoàn thành trong năm 2023.

- Rà soát, hoàn thiện công tác cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng còn lại, đề nghị các cơ quan chủ quản (sở, ngành, UBND cấp huyện) phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quan tâm thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, đảm bảo yêu cầu đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng, trường hợp đủ điều kiện thì lập thủ tục thu hồi đất giao cho đơn vị khác sử dụng.

Thứ năm, tăng cường năng lực tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thiết lập cơ chế thích hợp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoặc hỗ trợ đắc lực cho việc giám sát, quản lý tài nguyên, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gây suy thoái tài nguyên. Cụ thể: kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhà nước về quản lý tài nguyên ở các cấp; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp không phù hợp; tăng cường đào tạo, phát triển nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao về quản lý tài nguyên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và người dân trong giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác quản lý tài nguyên đã từng bước được chấn chỉnh, tăng cường, góp phần cân đối nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, trước những yêu cầu, thách thức, thực trạng đặt ra nêu trên, các giải pháp đề xuất cần phải được thực hiện đồng bộ, phù hợp là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng quản lý tài nguyên, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong thời gian tới.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: