• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Một tấm lòng yêu kính Bác

07/02/2024 08:25 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Xuân Nguyên
  • Thứ Tư, 07/02/2024 | 08:25

STO - “Hồi nhỏ, tôi thường nghe bà ngoại và mẹ, các chú, bác đi kháng chiến kể nhiều câu chuyện về cuộc đời Bác, trong đó hành trình bôn ba đem lại độc lập tự do cho dân tộc của Bác làm tôi xúc động. Rồi tôi bắt đầu sưu tầm tư liệu về Bác và xem đó là tài sản vô giá phải gìn giữ đến hết cuộc đời mình”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Nhung, 65 tuổi, ở ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) - người đã dành hơn nửa cuộc đời sưu tầm tranh ảnh, tài liệu viết về Bác Hồ.

Trong căn nhà hơn 70m2 nằm cạnh bờ sông Cầu Lộ của ông Nhung, ấn tượng đối với khách đến thăm đó chính là những bức chân dung, ảnh chụp khổ lớn của Bác treo trên tường. Trong chiếc tủ kính đặt sát tường, trưng bày sách, báo, tài liệu, các tấm ảnh về Bác được lồng kiếng trang trọng xếp ngay ngắn, gọn gàng. Trong gian nhà còn có những tấm băng rôn ghi lời dạy của Bác như “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” và cả những câu cảm thán đầy xúc động “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”…

Ông Nguyễn Văn Nhung, 65 tuổi, ở ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã dành hơn 46 năm sưu tầm hình ảnh, tài liệu về Bác Hồ. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Ông Nhung cho biết, hiện “thư viện” nhỏ này có hơn 2.000 tấm ảnh về Bác trong nhiều thời điểm lịch sử khác nhau. Các sách, báo, tư liệu về Bác thì nhiều không đếm được, chỉ biết là khi tìm được tài liệu, bài viết về Bác, ông Nhung lại cẩn thận mang về đọc rồi cất giữ cho đến nay.

Cầm trên tay bức ảnh ghi lại hoạt động của Bác tham gia tát nước chống hạn cùng nhân dân trên cánh đồng, ông Nhung chậm rãi kể về hành trình sưu tầm tài liệu về Bác. Thập niên 70, ở huyện Kế Sách chỉ có một vài chỗ bán báo, còn trung tâm thị xã Sóc Trăng (hiện nay là thành phố Sóc Trăng) có chừng 10 sạp báo, 5 nhà sách. Để tìm tư liệu về Bác, ông Nhung đến bưu điện xã, rồi không ngại đường xa, cần mẫn đạp xe ra tận huyện, thị xã tìm đến thư viện, trường học, cơ quan thông tin, báo, đài để xin báo cũ mang về rồi tìm hình ảnh, bài viết về Bác. Mỗi khi dành dụm được tiền, ông Nhung lại lân la đến các hiệu bán sách, báo cũ. Bắt gặp hình ảnh, tư liệu về Bác, ông vui mừng cẩn thận mang về rồi đọc kỹ từng trang. Theo ông Nhung, vui nhất là vào ngày sinh của Bác, hình ảnh, bài viết, thông tin về Bác trên báo, tạp chí rất nhiều, khi đó bộ sưu tập tài liệu của ông lại được tăng lên.

Trong thư viện nhỏ của ông Nhung, tài liệu, hình ảnh về Bác được sắp xếp cụ thể, phân loại bài viết nào, sách, ảnh về cuộc đời Bác lúc nhỏ, khi Bác đi tìm đường cứu nước, Bác ở nước ngoài, Bác về Việt Bắc, Bác với các tầng lớp nhân dân... rất dễ để mọi người tìm đọc. Không chỉ sưu tầm tài liệu, ông Nhung còn dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về các sự kiện lịch sử liên quan đến Bác. Ghi nhớ các sự kiện, câu chuyện về Bác, ông Nhung thường được mời đi thuyết minh tại các nhà lưu niệm. Có lần ông còn được một đoàn làm phim mời đến Đền thờ Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung thuyết trình tranh, ảnh về Bác. Thông tin về cuộc đời Bác, ý nghĩa sự kiện của từng bức tranh, tấm ảnh có Bác được ông Nhung chia sẻ rành rọt, bằng lời kể giàu tình cảm, chan chứa lòng yêu kính Bác đã mang lại nhiều cảm xúc cho người nghe.

Cảm thán trước tấm lòng của ông Nhung với Bác, năm 2005, cấp ủy đảng, chính quyền các Quận 1, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm đến thăm ông Nhung. Trong căn nhà nhỏ hẹp, mái lá cột xiêu, trên sàn nhà, các tài liệu được chất ngay hàng, thẳng lối, phủ tấm nhựa che bụi, tránh mưa dột. Số tài liệu về Bác chiếm diện tích hơn nửa căn nhà. Sau đó, các đơn vị đã chung tay xây cho ông Nhung căn nhà khang trang hiện tại, đồng thời tặng thêm chiếc tủ đựng tài liệu. Cùng thời đó, tỉnh Sóc Trăng cũng hỗ trợ kinh phí để ông Nhung tu bổ, bảo quản kho tư liệu quý.

Câu chuyện về tấm lòng của ông Nhung đối với Bác được nhiều người dân trên cả nước biết đến. Thời gian qua, nhiều cựu chiến binh ở Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên, học sinh ở Bạc Liêu, Cần Thơ, Huế, Nghệ An, Phan Thiết… đã gửi thư chia sẻ và tặng ông Nhung nhiều tài liệu quý về Bác. Hiện kho tư liệu về Bác của ông Nhung là điểm cung cấp kiến thức quý giá cho học sinh, người dân ở địa phương và ngoài tỉnh. Nhiều học sinh ở xã cần tìm hiểu thông tin, câu chuyện về Bác đều tìm đến nhà ông Nhung để mượn tài liệu.

Chia sẻ về tấm lòng của ông Nhung với Bác, đồng chí Nguyễn Anh Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Thới An Hội ghi nhận: “Những tài liệu về Bác Hồ của ông Nhung đã góp phần giúp cho người dân, học sinh địa phương hiểu biết hơn về Bác. Từ lòng yêu kính Bác, học theo lời dạy của Bác nên gia đình ông sống nề nếp, hòa đồng, được mọi người quý mến. Ngoài tìm giữ các tài liệu về Bác, ông Nhung còn tìm hiểu, sưu tầm nhiều hình ảnh về các nhà cách mạng, các vị anh hùng dân tộc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú… Mong rằng ông Nhung sẽ tiếp tục gìn giữ, mở rộng kho tư liệu quý, ý nghĩa này”.

XUÂN NGUYÊN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: