• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nhớ Bác ngày này, năm xưa: “Dân ta phải biết sử ta”

17/02/2024 04:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Trọng Nhân
  • Thứ Bảy, 17/02/2024 | 04:50

STO - Theo chú thích của Hồ Chí Minh toàn tập: “Tập diễn ca lịch sử do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào khoảng cuối năm 1941, tại Cao Bằng. Hiện nay, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam còn giữ được một số bản in cuốn Lịch sử nước ta xuất bản năm 1942, năm 1947 và năm 1949. Bản in những lần sau so với bản in năm 1942, có được bổ sung và sửa chữa. Nhưng do chưa xác minh được người sửa tác phẩm này nên bài Lịch sử nước ta in trong tập 3 này theo đúng văn bản do Bộ Tuyên truyền của Việt Minh xuất bản tháng 2/1942, đồng thời có chú thích một số điểm thuộc về lịch sử và một số điểm mà các bản in sau này đã sửa chữa hoặc bổ sung”.

Tác phẩm “Lịch sử nước ta” được Bác viết với 208 câu lục bát kể về lịch sử nước ta. Ngoài ra, Bác còn thống kê số liệu “Những năm quan trọng” từ năm 2879 - Hồng Bàng, trước Tây lịch đến “năm 1945 Việt Nam độc lập”.

Mở đầu tác phẩm Lịch sử nước ta, Bác viết: “Dân ta phải biết sử ta,/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam./ Kể năm hơn bốn ngàn năm,/ Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa.”.

Trong tiến trình của bản lịch sử diễn ca này, Bác bắt đầu từ: “Hồng Bàng là tổ nước ta,/ Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang” rồi đến Phù Đổng, An Dương Vương, Hùng Vương với những câu lục bát dễ đọc, dễ học và dễ nhớ: “Thiếu niên ta rất vẻ vang,/ Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời./ Tuổi tuy chưa đến chín mười,/ Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương./ An Dương Vương thế Hùng Vương,/ Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân…”. Để rồi giặc ngoại xâm “cậy thế đông người, kéo quân sang áp bức nhân dân ta”. Từ đó, hàng loạt các cuộc khởi nghĩa từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu: “Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời” đến Lý Bôn “Tài kiêm văn võ, sức hơn muôn người”, Mai Hắc Đế, Ngô Quyền: “Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm”, Đinh Tiên Hoàng: “Nổi lên gây dựng triều đàng họ Đinh”, Lê Đại Hành: “Đánh tan quân Tống, đuổi lui Xiêm Thành”, Lý Công Uẩn: “Dựng lên nhà Lý cầm quyền nước ta”, Lý Thường Kiệt: “Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm Thành”.… Rồi đến Trần Hưng Đạo: “Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang,/ Mênh mông một giải Bạch Đằng,/ Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh” và Trần Quốc Toản: “Mấy lần đánh thắng quân Nguyên,/ Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung”… Tiếp theo là Hồ Quý Ly, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ,…

Đến thời kỳ chống Pháp, được Bác phác họa bằng những câu lục bát ca ngợi những anh hùng Phan Đình Phùng: “Ra tay đánh Pháp, vẫy vùng một phương”, rồi đến: “Ông Hoàng Hoa Thám đất Yên tung hoành./ Anh em khố đỏ, khố xanh,/ Mưu khởi nghĩa tại Hà thành năm xưa,/ Tỉnh Thái Nguyên với Sầm Nưa,/ Kế nhau khởi nghĩa rủi chưa được toàn./ Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An./ Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu”. Khởi nghĩa ở Nam Kỳ cũng được thể hiện cụ thể: “Năm kia khởi nghĩa đương đầu với Tây./ Bắc Sơn đó, Đô Lương đây!/ Kéo cờ khởi nghĩa, đánh Tây bạo tàn./ Xét trong lịch sử Việt Nam,/ Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng./ Nhiều phen đánh Bắc dẹp Đông,/ Oanh oanh liệt liệt con Rồng cháu Tiên”.

Bác cũng kêu gọi người dân bất kỳ nam nữ, nghèo giàu đều cùng nhau đoàn kết, giành lấy chủ quyền của đất nước: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên!/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau./ Bất kỳ nam nữ, nghèo giàu,/ Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn./ Người giúp sức, kẻ giúp tiền,/ Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta./ Trên vì nước, dưới vì nhà,/ Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh./ Chúng ta có Hội Việt Minh,/ Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh”.

Các câu thơ cuối của bài “Lịch sử nước ta”, Bác khuyên: “Mai sau sự nghiệp hoàn thành,/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng./ Dân ta xin nhớ chữ đồng:/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”.

Điều rất đặc biệt trong câu: “Mai sau sự nghiệp hoàn thành”, được Bác liên kết với phần “Những năm quan trọng” mà Người tiên đoán năm “1945 Việt Nam độc lập”, trong khi tác phẩm này được Bác viết vào tháng 2 năm 1942.

83 năm trôi qua, giờ đọc lại tác phẩm “Lịch sử nước ta”, chúng ta lại càng kính trọng Bác nhiều hơn. Kính trọng bởi sự uyên bác mà giản dị, sâu sắc mà gần gũi với đời thường.

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 2, trang 143, 144.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 3, trang 259 - 267.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: