• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nhớ Bác ngày này, năm xưa: “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang”

08/03/2024 04:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Trọng Nhân
  • Thứ Sáu, 08/03/2024 | 04:50

STO - Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm 1952, Bác gửi thư động viên phụ nữ nước nhà. Bức thư thể hiện tình cảm đặc biệt của Người dành cho những người phụ nữ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến; giúp đỡ chiến sĩ, tận tình chăm sóc thương binh; vì tình yêu quê hương, đất nước mà phải nén lòng tiễn chồng, con lên đường tòng quân, chống giặc.

Khi đề cập đến truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, Bác viết: “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến”. Từ đó, Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế giúp phụ nữ Việt Nam bồi dưỡng truyền thống ấy, hăng hái đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà Trưng là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ.

Nhằm ghi nhận sự hy sinh lớn lao của bao thế hệ phụ nữ Việt Nam, Bác viết những câu đầy xúc động: “Nhân dịp 8/3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, như cô Nguyễn Thị Cúc và nhiều người khác. Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ. Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng”. Để chứng minh cho những hành động dũng cảm của người phụ nữ Việt Nam, không kể tuổi tác, Bác nêu: “Nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu. Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hòa lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối yêu thương không bờ bến, mà giúp đỡ chiến sĩ và săn sóc thương binh như con em ruột thịt của mình”. Tình yêu thương không bờ bến của người phụ nữ Việt Nam mà Bác nêu trong thư đã trở thành chân lý để từ đó đến nay, đất nước Việt Nam luôn tự hào về hình ảnh phụ nữ nước nhà.

Bác cũng đánh giá rất cao tinh thần yêu nước của phụ nữ ở vùng tạm bị chiếm, đã không quản khó nhọc nguy hiểm, ra sức giúp đỡ chiến sĩ và cán bộ, hăng hái đấu tranh chống quân thù. Hàng vạn phụ nữ Kinh, Thổ, Nùng, Mán, Mèo xung phong tham gia dân công, không quản trèo đèo lội suối, ăn gió nằm sương.

Không chỉ có yêu nước, hy sinh gia đình, mà những người phụ nữ ở xí nghiệp, ở nông thôn, ở cơ quan hăng hái tham gia thi đua ái quốc, thành tích không kém đàn ông. Trong phong trào phát triển bình dân học vụ, phụ nữ chiếm một phần lớn trong số người dạy cũng như trong số người học. Đó chính là những đóng góp to lớn của những người phụ nữ - không kém gì đàn ông.

Trong thư, Bác cũng dành những lời khen tặng những phụ nữ quen sống phong lưu có những thay đổi tích cực: “Nhiều chị em tiểu tư sản, trước kia quen đời sống phong lưu, nay cũng chịu khó làm lụng, tăng gia sản xuất. Đó là một sự cải tạo lớn, một tiến bộ lớn về tư tưởng và tinh thần”.

Để từ đó, Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Người cũng đề nghị các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn, thì phong trào phụ nữ chắc rộng hơn, mạnh hơn nữa.

Nhiệm vụ chính của phụ nữ ta ngày nay là:

- Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới.

- Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.

- Hăng hái tham gia chính quyền.

- Giúp đỡ bộ đội.

- Bảo vệ nhi đồng...

Bác cũng kêu gọi phụ nữ là kiều bào ở nước ngoài ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào trong nước về mọi mặt.

Cuối thư Người gửi lời: “Chúc toàn thể phụ nữ tiến bộ và thành công nhiều. Chào thân ái và quyết thắng”.

Thư của Bác đề ngày 8/3/1952. Tính đến nay đã 72 năm. Nhân kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đọc lại thư Người, chắc hẳn chị, em phụ nữ Việt Nam sẽ rất tự hào và vinh dự về tình cảm cao quý mà gần gũi, đơn sơ mà trong sáng vô ngần của Bác dành cho mình.

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 5, trang 140, 141.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 7, trang 339 - 341.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: