• Các Dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm Sóc Trăng

Cây cầu và cảng biển nước sâu

29/08/2023 04:14 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 29/08/2023 | 04:14

STO - Gần đây, bên cạnh các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đã được khởi công trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thì câu chuyện về dự án cảng biển nước sâu ngoài khơi cửa biển Trần Đề và dự án cầu Đại Ngãi, bắc qua sông Hậu nối liền 2 tỉnh Sóc Trăng - Trà Vinh cũng thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân trong và ngoài tỉnh. Bởi đây chính là 2 dự án được mong đợi và kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững hơn.

Thật ra, ngay từ năm đầu chia tách tỉnh, ý tưởng xây dựng một cảng biển đa năng ở ngoài khơi cửa biển Trần Đề đã được đề xuất và ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm của Hiệp hội Kinh tế biển Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia nước ngoài và một số tập đoàn tài chính, xây dựng, hàng hải quốc tế. Các tổ chức và doanh nghiệp này cũng đã đến tìm hiểu, khảo sát tìm cơ hội đầu tư, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, dự án cảng biển nước sâu Trần Đề đã phải tạm thời gác lại. Tuy nhiên, trước tiềm năng to lớn của dự án cũng như sự kỳ vọng của người dân, đến tháng 7/2002, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã chính thức có công văn trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư nước ngoài một cảng biển theo hình thức BOT.

Hội thảo quy hoạch phát triển cảng biển Trần Đề, do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Ảnh: QUANG BÌNH

Đánh giá về tiềm năng, lợi thế phát triển cảng biển nước sâu Trần Đề, các chuyên gia đều cho rằng, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chỉ duy nhất Sóc Trăng là có vị trí thuận lợi nhất để làm cảng nước sâu, mang tính liên vùng, giúp giảm khoảng 4 USD/tấn chi phí vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng sông Cửu Long lên Thành phố Hồ Chí Minh. Còn theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, việc phải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua các cảng thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng cách khá xa, mật độ lưu thông rất cao luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đặc biệt là chi phí vận chuyển khá cao. Do đó, một khi có cảng xuất khẩu trực tiếp tại Trần Đề sẽ hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp rất nhiều như giảm chi phí, giảm rủi ro, tăng độ tin cậy với đối tác trong việc giao nhận hàng hóa. Từ những tiềm năng, lợi thế, cùng nhu cầu bức xúc trong việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu nên ngày 7/8 vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề.

Tại hội thảo trên, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng cũng như hỗ trợ thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác của tỉnh Sóc Trăng và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng phát triển. Với góc nhìn của một người từng kinh qua vị trí đứng đầu ngành Giao thông Vận tải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể cho rằng, cảng nước sâu Trần Đề một khi được hình thành sẽ giúp giải quyết cơ bản bài toán giảm chi phí logistics đến mức thấp nhất cho toàn vùng thông qua xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, cũng như việc hình thành các khu, cụm công nghiệp quanh cảng là vô cùng lớn.

Niềm mong đợi lớn thứ 2 của người dân tỉnh Sóc Trăng chính là dự án xây dựng cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, giúp thông tuyến Quốc lộ 60, rút ngắn đoạn đường từ Sóc Trăng đi Thành phố Hồ Chí Minh đến 80km. Điều này đang ngày một gần hơn khi tin từ Bộ Giao thông Vận tải mới đây cho biết, dự án dự kiến khởi công xây dựng cuối quý III/2023, hoàn thành vào năm 2026. Riêng tỉnh Sóc Trăng, đã hoàn tất công tác đo vẽ, trình, thẩm định, phê duyệt khung giá đất bồi thường và công tác chi trả bồi thường dự kiến sẽ được tiến hành trong tháng 9 này. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng cho biết sẽ đẩy nhanh công tác xây dựng các khu tái định cư để sớm ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng. Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, sẽ giúp nâng cao năng lực vận tải của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay, còn dự án cảng biển nước sâu Trần Đề vẫn còn phải trải qua nhiều bước nữa, nhưng tác động tích cực từ 2 dự án trọng điểm trên đến kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng là rất rõ ràng. Đó là ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào khu công nghiệp Trần Đề… Và chắc chắn rằng, hiệu ứng tích cực từ 2 dự án trên sẽ còn lan rộng hơn nữa khi các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh đang ngày một hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: