• Đời sống xã hội

Huyện Châu Thành:

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống

19/05/2023 04:34 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 19/05/2023 | 04:34

STO - Các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói chung và huyện Châu Thành nói riêng đều có lịch sử phát triển lâu đời, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phong phú, đa dạng, mang tính cộng đồng cao. Đặc biệt, người dân xã Phú Tân (huyện Châu Thành) có những làng nghề như: đan đát, đâm cốm dẹp, vẽ tranh trên kiếng… góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân đến làng nghề đan đát ấp Phước Quới, xã Phú Tân là những dãy nhà khang trang, lộ đal được đầu tư xây dựng. Trước sân nhà, nguyên liệu và các sản phẩm vừa hoàn thành luân phiên được bày ra đón nắng. Không có những âm thanh ồn ào, không khí làm việc của các hộ dân theo nghề truyền thống rất nhịp nhàng, mỗi người một công đoạn, lặng lẽ và bình yên.

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống với nghề đan đát, chị Huỳnh Thị Dal chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề này từ khi còn nhỏ. Trước đây, mẹ tôi cũng làm nghề đan đát, nên tôi nối nghiệp của mẹ. Năm nay, tôi ngoài 50 tuổi rồi, chẳng biết làng nghề đan đát ấp Phước Quới có từ bao giờ. Nghề đan đát này đã giúp gia đình tôi có việc làm, thu nhập để trang trải cuộc sống”.

Đang ngồi đan chiếc cần xé cùng người vợ trước sân nhà, anh Huỳnh Hoàng Diệu bộc bạch: “Nghề đan đát tuy không vất vả như nhiều nghề khác, nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, dù đã quen tay, từng thao tác nhỏ vẫn phải cần mẫn trau chuốt. Trung bình mỗi ngày, một người có thể đan được khoảng 10 cái cần xé loại nhỏ, trừ chi phí tre, trúc có thể thu nhập trên 100.000 đồng/ngày/người”.

Qua đôi bàn tay khéo léo của chị Lâm Thị Ngọc Thảo, ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã cho ra những sản phẩm chiếc cần xé. Ảnh: THẠCH PÍCH

Cùng sinh kế bằng nghề đan đát, chị Lâm Thị Ngọc Thảo tâm sự: “Cách đây hơn 30 năm, tôi bắt đầu học hỏi, làm theo bà con hàng xóm rồi không biết từ bao giờ nghề đan đát lại trở thành một công việc yêu thích, gắn bó cho đến nay. Năm 2022, tôi trở thành thành viên Hợp tác xã Đan đát Đất Phương Nam, nên mọi sản phẩm khi đan hoàn thiện được bên hợp tác xã đến thu mua toàn bộ. Với những chị em phụ nữ hay những người lớn tuổi tại địa phương như chúng tôi, thì đây là một công việc khá phù hợp khi không tốn nhiều sức lao động, lại có thể chủ động về mặt thời gian, vừa chăm sóc con cháu lại kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Làm được như vậy, tôi cảm thấy yên tâm và rất vui”.

Là nghề truyền thống với biết bao thế hệ đã gắn bó với công việc đan đát từ cây tre, cây trúc. Thế nhưng, trước đây, việc vận chuyển các sản phẩm được làm ra còn rất khó khăn. Bởi là mặt hàng thủ công, lại làm theo từng hộ riêng lẻ nên khi đủ số lượng, bà con mới có thể thuê xe để vận chuyển đến cơ sở thu mua tại chợ trung tâm thành phố Sóc Trăng, hoặc các huyện, các tỉnh lân cận, tốn nhiều chi phí.

Năm 2022, Hợp tác xã Đan đát Đất Phương Nam ra đời, đặt trụ sở tại xã Phú Tân, thu hút gần 30 thành viên tham gia. Việc thành lập hợp tác xã này, nhằm tạo điều kiện cho bà con được cung cấp nguyên liệu, thu mua tại địa phương, tiết kiệm được chi phí vận chuyển; đồng hành cùng các hộ dân trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân Phạm Văn Tiển cho biết: “Là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, Phú Tân có những ngành nghề truyền thống như: làm bánh pía, đan đát, vẽ tranh trên kiếng… Ðể phát triển ngành nghề truyền thống, giúp nâng cao mức sống của đồng bào Khmer, Nhà nước đã đầu tư kinh phí xây dựng cơ ngơi làng nghề, nhà kho, nhà trưng bày. Hợp tác xã làng nghề được thành lập và đang phát huy hiệu quả tích cực. Ðây không chỉ là niềm vui của những người thợ có tâm huyết với nghề, mà còn là niềm tự hào rất lớn của đồng bào Khmer Sóc Trăng khi được Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư để duy trì, phát triển làng nghề truyền thống tại địa phương”.

Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống là việc làm có ý nghĩa và rất cần thiết. Chính vì vậy, với sự nỗ lực, chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương, chắc chắn làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Châu Thành nói chung và làng nghề bánh pía, đâm cốm dẹp, đan đát, vẽ tranh trên kiếng… xã Phú Tân nói riêng sẽ mở ra những triển vọng mới để tiếp tục bảo tồn và phát huy, kế thừa các giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống trên địa bàn. Qua đó, sẽ tạo điểm nhấn cho các tour, tuyến du lịch cộng đồng cho du khách đến tham quan trải nghiệm trong thời gian tới.

THẠCH PÍCH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: