• Thị xã Vĩnh Châu

Thị xã Vĩnh Châu phấn đấu đào tạo nghề vượt chỉ tiêu đề ra

04/04/2023 04:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 04/04/2023 | 04:00

STO - Những năm qua, UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) luôn thực hiện tốt công tác khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của người lao động, từ đó có hướng chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp thực tế, góp phần cho người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống tại địa phương.

Theo đồng chí Trần Nhuận Thanh Liêm - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu, thực hiện theo chỉ đạo của UBND thị xã về dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động, đơn vị đã chủ trì, phối hợp đào tạo nghề cho 3.776/3.700 lao động, đạt 102% kế hoạch (năm 2022). Chú trọng mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn với việc làm tại chỗ, từ đó giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao kiến thức để phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh tại gia đình, góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc Premier Global Việt Nam và các công ty tại các tỉnh, thành phố như Tây Ninh, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, các công ty may ở thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) giới thiệu việc làm cho lao động, tổng số lao động được giới thiệu và tự tìm việc làm hơn 2.000 lao động.

Nhóm phụ nữ ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được kèm cặp nghề đan giỏ nhựa, có thu nhập lúc nhàn rỗi. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Là một trong những người được dạy nghề đan giỏ, bà Sơn Thị Quành Na, ở phường Vĩnh Phước cho biết, hơn tháng nay nhà mình luôn rộn rã tiếng cười. Trước đây, nhà bà Quành Na là điểm để Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu tổ chức dạy nghề đan giỏ xách nhựa cho một nhóm phụ nữ, bây giờ trở thành “Tổ đan giỏ”. Hiệu quả nhất của việc dạy nghề là chị em tận dụng được thời gian nhàn rỗi để có thêm thu nhập. “Tổ đan giỏ có khoảng 20 người, các chị có thể đến làm tập trung hoặc nhận dây về làm lúc rảnh. Mỗi giỏ được đan tùy theo kích thước lớn, nhỏ có giá từ 30.000 - 90.000 đồng, trừ chi phí thì có lời hơn phân nửa giá trị” - bà Na cho hay.

Bà Lý Thị Vẹt, phường Vĩnh Phước, vừa làm vừa kể: “Trong ngày nếu không đi làm thuê cho ai thì mình đến đây đan giỏ, buổi tối thấy khỏe thì đem về nhà làm tiếp. Bình thường thu nhập ngày cũng hơn 70.000 đồng, có đồng ra đồng vô lúc rảnh, ở quê vậy là quý rồi”.

Còn với anh Phạm Quang Nhị, ở xã Lai Hòa, sau 3 tháng học nghề quấn motor, anh cùng cha mình về mở làm tại nhà, nay có thu nhập ổn định. Anh Nhị cho biết ở đây là vùng ven biển nên có rất nhiều hộ nuôi tôm dùng máy bơm nước, trước đây motor máy bơm có vấn đề họ phải ra tận trung tâm xã mới có chỗ làm, giờ chỉ cần “alo” mình đến nhà lấy sửa và giao tận nơi khi hoàn thành. “Hiện tại số lượng motor nhận làm càng nhiều nên có cha cùng làm, giá quấn từ 700.000 - 800.000 đồng/motor, trung bình mỗi ngày quấn được 2 cái thì cũng được số tiền kha khá” - anh Nhị chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm - Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, trong năm 2022, nắm bắt nhu cầu lao động tại địa phương, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu phối hợp với các xã, phường thường xuyên mở dạy lớp học nghề cho người lao động ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc. Sau khi lớp học kết thúc, địa phương tìm đầu mối liên kết làm gia công tại nhà để người dân có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi. Nhờ chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, thu nhập trung bình của người dân thị xã Vĩnh Châu hiện nay đạt trên 56 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 96%.

Đối với năm 2023, nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đề ra phải tập trung công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, với chỉ tiêu là lao động qua đào tạo 3.700 người (kể cả dạy nghề tư nhân), trong đó lao động qua đào tạo nghề 700 người; giải quyết việc làm mới 2.500 lao động. UBND thị xã đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp mở các lớp dạy nghề điện lạnh, công nghệ ôtô, kế toán doanh nghiệp, nuôi trồng thủy sản, điều dưỡng, kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí với trên 180 học viên; đồng thời, còn mở các lớp truyền nghề, kèm cặp nghề cho gần 1.000 lao động tại các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp với các công ty may tại thành phố Sóc Trăng giới thiệu việc làm cho trên 700 lao động địa phương. Phấn đấu đến cuối năm, thị xã Vĩnh Châu sẽ thực hiện vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

PHƯỚC LIÊU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: