• Xây dựng Đảng

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025:

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới

22/09/2023 04:28 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 22/09/2023 | 04:28

STO - Ngày 7/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã trình bày tham luận về kết quả đạt được, những hạn chế và các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Báo Sóc Trăng trích, đăng nội dung tham luận của các đại biểu.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng.

Quán triệt thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 22/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời, tham mưu triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 188/KH-UBND, ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh, về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, từ sau đại hội đến nay, ngành đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-SNN, ngày 23/3/2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong lĩnh vực nông nghiệp và tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghị quyết. Trong bối cảnh, điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, thiên tai, dịch bệnh, thị trường nhiều biến động và ảnh hưởng xung đột quân sự Nga - Ukraine... đã tác động lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp nói riêng và đời sống, kinh tế, xã hội nói chung.

Tuy nhiên, được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành đã triển khai các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, gắn với xây dựng nông thôn mới, triển khai nhiều mô hình mới gắn với thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Kết quả đến nay, ngành vẫn duy trì tăng trưởng khá, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết được giao hằng năm. Cụ thể, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao cuối năm 2023 đạt 92,13% (nghị quyết trên 80% sản lượng lúa toàn tỉnh). Sản lượng thủy, hải sản ước cuối năm 2023 đạt 362.000 tấn, đạt 86,81% nghị quyết đến năm 2025 (nghị quyết 417.000 tấn). Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cuối năm 2023 đạt 238 triệu đồng, đạt 95,4% nghị quyết đến năm 2025 (nghị quyết 250 triệu đồng/ha). Cuối năm 2023, có 66 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 91,67% nghị quyết; có 5 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 83,33% nghị quyết đến năm 2025. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến nay là 99,7% (nghị quyết 99%). Hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt QC 61%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 65%.

Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu gắn với xây dựng nông thôn mới và nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tổ chức lại sản xuất trên các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Qua đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 đạt 7,71% (chỉ tiêu nghị quyết là từ 6,5% trở lên); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,07%, cao hơn trung bình cả nước. Giá trị xuất khẩu hàng hóa 1,4 tỷ USD, trong đó thủy sản 1,05 triệu USD (tăng 25,3% so với năm 2020), gạo 250 triệu USD (tăng 48,8% so với năm 2020), giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1ha đạt 224 triệu đồng (tăng 25,8% so với năm 2020).

Về trồng trọt, hình thành và phát triển được một số khu vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng số diện tích là 430,1ha; diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ toàn tỉnh 19.129ha. Hỗ trợ phát triển và duy trì 94 mã số vùng trồng trên cây ăn trái với diện tích 584,17ha phục vụ xuất khẩu (năm 2020 44 mã/420,3ha).

Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại tập trung gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay toàn tỉnh có 125 trang trại (49 trang trại heo, 22 trang trại bò và 54 trang trại gia cầm). Đến cuối năm 2023, ước tổng đàn gia súc toàn tỉnh đạt 365.500 con (tăng 10,17 % so với năm 2020, đạt 81,04% nghị quyết); gia cầm 8 triệu con (tăng 19,40% so với năm 2020 và bằng 100% nghị quyết).

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục là thế mạnh của tỉnh, nhiều mô hình nuôi tôm tiên tiến hiện nay như nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm tuần hoàn lót bạt nhiều giai đoạn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha… Hiện nay, toàn tỉnh có 69 đơn vị sản xuất áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP) 2.496ha, tổng diện tích nuôi tôm lót bạt thâm canh, siêu thâm canh 5.682ha. Cấp mã số hộ nuôi/cơ sở nuôi đối tượng chủ lực: Đã tiếp nhận và cấp 3.809 hồ sơ đăng ký cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực...

Về lâm nghiệp, tăng cường vai trò của các cấp trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Tập trung nguồn lực phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển năm 2023 đạt 6.761ha để phát huy vai trò chắn sóng, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, quản lý bảo vệ tốt diện tích đã có, diện tích rừng trồng mới đảm bảo tỷ lệ độ che phủ rừng cuối năm 2023 đạt 2,6%.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 23/12/2021 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Sóc Trăng, sở đã phối hợp cùng các địa phương và các sở, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từng bước hoàn thiện khung cơ chế chính sách giai đoạn mới đồng bộ với tiến độ Trung ương ban hành các văn bản liên quan. Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Kế hoạch đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 66 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 82,5% tổng số xã và đạt 91,6% nghị quyết, trong đó 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 3 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 83,33% nghị quyết.

Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như bánh pía, bánh phồng tôm, mắm khô; bưởi, vú sữa tím; sữa bò Evergrowth, trà mãng cầu... Đặc biệt là gạo ST24, ST25. Gạo ST25 của Sóc Trăng (Doanh nghiệp Hồ Quang huyện Mỹ Xuyên) đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”... được tham gia vào các thị trường lớn và xuất khẩu nhiều thị trường trên thế giới… Lũy kế đến nay có 189 sản phẩm OCOP được chứng nhận (1 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, 19 sản phẩm 4 sao, 169 sản phẩm 3 sao) của 102 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đê điều, nước sạch nông thôn và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng từng bước chủ động, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới…

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức của ảnh hưởng dịch bệnh, hậu đại dịch Covid-19; thời tiết diễn biến bất thường, khó lường do biến đổi khí hậu; giá vật tư, nhiên liệu tăng cao; giá nông sản nhiều biến động; sạt lở bờ biển, đê biển đang diễn biến phức tạp, ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng… làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và đời sống của bà con nông dân.

Tuy nhiên, với sự quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của bà con nông dân, tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng với nhu cầu thị trường, bước đầu hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung theo định hướng các sản phẩm chủ lực của tỉnh; chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thể hiện ở chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao...

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái… mặc dù chưa hoàn thiện, phổ biến, nhưng đang từng bước hình thành phát triển theo xu thế tất yếu của thế giới.

Kinh tế hợp tác ngày càng phát huy hiệu quả góp phần vào việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm; kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng hoàn thiện… tạo điều kiện và động lực cho cơ giới hóa, tự động hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp phát triển.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn và đạt được kết quả tích cực, đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra; nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho cư dân nông thôn được đảm bảo, sản phẩm OCOP ngày càng được chú trọng phát triển về chiều sâu.

Cải cách hành chính được đẩy mạnh, xúc tiến đầu tư được quan tâm, triển khai tích cực công tác chuyển đổi số... góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.

Những kết quả trên đã góp phần khẳng định thêm “ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ và đóng góp quan trọng cho kinh tế của tỉnh nhà”.

Để đạt được những kết quả đó trước hết và trên hết đó là nhờ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối hợp chỉ đạo, tham mưu của các cấp, các ngành và hội, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh, cùng với sự đồng hành của bà con nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh; sự đoàn kết, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã tạo nên những kết quả đạt được trong thời gian qua.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết trong lĩnh vực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, dự án của ngành nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục phối hợp cùng với các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó tập trung vào các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tuyên truyền, vận động bà con nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái… Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, hình thành vùng sản xuất lúa đặc sản; thường xuyên theo dõi và giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nhằm góp phần nâng cao hiệu quả cho bà con nông dân, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, đề án, dự án, kế hoạch trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hai là, tăng cường công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng các công cụ phục vụ chuyển đổi số, tập trung vào quản lý đất nông nghiệp, quản lý sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước các cấp và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; phát triển thương mại điện tử. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, quản lý thông tin, phân tích dữ liệu và cảnh báo thiên tai; hiện đại hóa công tác phòng, chống thiên tai...

Ba là, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng sản xuất có quy hoạch chuyên canh hàng hóa lớn, nhằm thúc đẩy chuyển dịch sản xuất hàng hóa gắn thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, giao thông kết nối với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với các đường, huyện lộ, tỉnh lộ hay quốc lộ, tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối không gian phát triển giữa các vùng, khu vực, địa phương để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển cơ sở hạ tầng vừa phục vụ thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản, vừa phục vụ cho hợp tác liên kết và cơ giới hóa, hiện đại hóa, tự động hóa sản xuất nông nghiệp, vừa phục vụ dân sinh…

Bốn là, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiếp tục huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án hiện có và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Thực hiện mạnh mẽ phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới”; thường xuyên cập nhật và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả như mô hình hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới.

Năm là, tích cực phối hợp, liên kết, phát huy vai trò kinh tế tập thể, tăng cường công tác tuyên truyền sản phẩm nông nghiệp bằng nhiều hình thức. Tăng cường xúc tiến quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tại các thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Triển khai du lịch nông nghiệp trên nền tảng lợi thế ngành du lịch của tỉnh nhà.

Sáu là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh việc đổi mới quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số để triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, cơ chế và phục vụ cho công tác quản lý chỉ đạo sản xuất. Đẩy mạnh cải cách hành chính; khuyến khích thu hút đầu tư, khởi nghiệp nông nghiệp.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: