• Xây dựng Đảng

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025:

Thành ủy Sóc Trăng lãnh đạo công tác xây dựng và phát triển đô thị

04/10/2023 04:15 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 04/10/2023 | 04:15

STO - Ngày 7/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã trình bày tham luận về kết quả đạt được, những hạn chế và các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Báo Sóc Trăng trích, đăng nội dung tham luận của các đại biểu.

Qua hơn 15 năm thành lập thành phố (2007 - 2021) trực thuộc tỉnh, thành phố Sóc Trăng (TPST) đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, là đầu mối giao thông quan trọng để thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với xu thế phát triển đô thị; lĩnh vực thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh theo từng năm. Thu ngân sách trong cân đối bình quân hằng năm tăng 15,45%, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế chung của tỉnh. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị giữ vững ổn định; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt kết quả tích cực; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, nhiều công trình, dự án được triển khai đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển, cải thiện diện mạo độ thị. Hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin phát triển đồng bộ, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, khai báo thuế...; số thuê bao internet băng rộng cố định và băng rộng di động đạt trên 15 thuê bao/100 dân; tỷ lệ phủ sóng thông tin di động trên 100 dân đạt 100%... Đây là nền tảng, là điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn TPST.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố vẫn còn một số mặt khó khăn, hạn chế: kinh tế thành phố tuy phát triển nhưng chưa tương xứng với vị trí, vai trò trung tâm của tỉnh. Kết cấu hạ tầng phát triển chưa đồng bộ; còn 2 chỉ tiêu về mật độ đường giao thông và quy mô dân số đô thị chưa đạt tiêu chí của đô thị loại II theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Việc thực hiện các dự án phát triển đô thị còn một số khó khăn, các dự án nhà ở, khu đô thị chậm được triển khai; hệ thống đường trục chính đô thị chưa được xây dựng hoàn chỉnh, một số tuyến đường còn nhỏ hẹp; công tác giải phóng mặt bằng đối với một số dự án trọng điểm còn chậm; thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế... Công tác quản lý quy hoạch, cảnh quan đô thị, điều kiện vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, trật tự xây dựng còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực đầu tư phát triển thành phố còn hạn chế; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố chưa đủ mạnh để tạo ra động lực mới cho phát triển. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của một số cấp ủy, chính quyền các cấp từng lúc chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển cần có sự tập trung chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy nên ngày 11/7/2021, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về Xây dựng thành phố Sóc Trăng phát triển bền vững đạt tiêu chí đô thị loại II, hướng đến đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Từ quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy Sóc Trăng nhận thức sâu sắc rằng:

Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy được ban hành có ý nghĩa rất quan trọng: Là căn cứ chính trị để Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị thành phố đạt hiệu quả; là điều kiện để thành phố phát triển nhanh và bền vững; là cơ sở để thành phố phát huy, khai thác cao nhất các tiềm năng, lợi thế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; là nhân tố để thành phố là trung tâm liên kết với các huyện, thị xã trong tỉnh, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.

Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy đã tác động nâng cao hơn nữa nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên; huy động sự tập trung của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự đồng thuận thống nhất cao của nhân dân trong thực hiện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 05-NQ/TU ra đời là hết sức cấp thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thành phố; là nền tảng để xây dựng TPST đạt đô thị loại II; đồng thời, nghị quyết đã định hướng cho sự phát triển không những cho TPST trong tương lai, mà còn là tác nhân trọng yếu cho sự phát triển kết cấu hạ tầng trong toàn tỉnh, đảm bảo cho một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết lần thứ 14 của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngay sau khi tiếp thu nghị quyết, Thành ủy đã tổ chức quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân trong thành phố về ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng của việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đối với sự phát triển của thành phố.

Do nghị quyết Tỉnh ủy sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đô thị nên qua 2 năm triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, đã đạt được những kết quả quan trọng, có nhiều chỉ tiêu, mục tiêu hoàn thành sớm hơn về thời gian so với nghị quyết đã đề ra theo từng giai đoạn, trong đó:

Nhiều chỉ tiêu quan trọng đề ra đến năm 2025, đến nay thành phố đã hoàn thành như: TPST đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại II (tháng 4/2022); cũng vào thời điểm này TPST đã đưa vào vận hành Trung tâm Xử lý, điều hành thông tin đa nhiệm vụ của Chính quyền điện tử và đô thị thông minh (Trung tâm IOC), đã phát huy hiệu quả việc xử lý các phản ánh của người dân đô thị về các bức xúc, các đề nghị của người dân phản ảnh hiện trường về vệ sinh môi trường, về trật tự đô thị, trật tự xã hội và an toàn giao thông thông qua camera phản ánh hiện trường; đẩy nhanh việc thu nhập tích hợp dữ liệu phục vụ cho yêu cầu quản lý; nâng các dịch vụ công lên trực tuyến cấp độ 3, 4; thành lập 60 tổ công nghệ cộng đồng; xây dựng dữ liệu dân cư, định danh điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính nhằm phục vụ cho cán bộ hưu trí, công đồng dân cư, xã hội ngày càng tốt hơn.

Các quy hoạch phân khu trên địa bàn TPST đạt trên 92% và dự kiến đạt 100% trong năm 2023. Đã nhựa hóa tất cả các tuyến đường trung tâm nội ô thành phố (125/125 tuyến), 20 tuyến đường văn minh đô thị được hoàn chỉnh và đảm bảo các tiêu chí, có trên 200 con hẻm được nâng cấp, kết nối hệ thống thoát nước vào các trục chính, đã khắc phục hiệu quả hạn chế về tình trạng ngập úng tại thời điểm khi chưa có Nghị quyết số 05-NQ/TU.

Các dự án đã đưa vào sử dụng như: đường Võ Nguyên Giáp, cầu, đường Mạc Đĩnh Chi nối dài, đường Bạch Đằng (thuộc dự án Trục tôm - lúa), đường An Dương Vương, Dự án thoát nước giai đoạn 1, Dự án Mở rộng nâng cấp đô thị - Tiểu dự án TPST giai đoạn 1 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Các dự án trọng yếu, lớn, quan trọng thiết yếu cho cơ sở hạ tầng được tập trung triển khai thực hiện như: Dự án Mở rộng nâng cấp đô thị - Tiểu dự án TPST và Dự án Thoát nước giai đoạn 2, Khu tái định cư số 1 - phường 4, Dự án Đầu tư xây dựng khu thiết chế công đoàn và khu dịch vụ, cư xá công nhân Khu Công nghiệp An Nghiệp, Dự án Đường từ cầu chữ Y đến đường Hùng Vương, Cầu hành chính, trong đó, dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng được triển khai là dự án đường dẫn vào cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; riêng Dự án Vành đai I, Vành đai II được triển khai sớm hơn 1 nhiệm kỳ (thay vì dự kiến đến nhiệm kỳ 2025 - 2030 mới triển khai, mà năm 2023 đã bắt đầu triển khai).

Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được thực hiện đồng bộ; các công trình công cộng, dự án nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như: hệ thống giao thông; cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh... được đầu tư mới, nâng cấp và phát triển, giai đoạn 2021 - 2022 thực hiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 40 hạng mục trên 196 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư hằng năm, trung hạn được thành phố tranh thủ, huy động, sử dụng có hiệu quả để đầu tư các công trình, dự án theo kế hoạch đầu tư phát triển đô thị, tổng số vốn trên 897 tỷ đồng để thực hiện cho 80 dự án, đến nay đã thực hiện xong 67 dự án, các dự án còn lại đang tiếp tục thực hiện cho các năm tiếp theo của giai đoạn 2020 - 2025.

Chính nhờ sự tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và hạ tầng giao thông nên đã thu hút và thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố: lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch ngày càng phát triển, năm sau cao hơn năm trước, cả về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của thành phố tăng trưởng bình quân 16%/năm, chiếm tỷ trọng trên 50% trong toàn tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng bình quân hằng năm 13%/năm, chiếm tỷ trọng trên 30% trong toàn tỉnh; tổng số hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn là 14.949 hộ (tăng 665 hộ so với đầu năm 2021); nhiều hoạt động hội chợ - triển lãm, lễ hội truyền thống được quan tâm tổ chức, đặc biệt là trong năm 2022, tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Hội nghị xúc tiến đầu tư, đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V đã thu hút đông đảo lượng khách đến thành phố tham quan, du lịch với gần 350.000 lượt khách, tăng gấp 2 lần so với năm 2021.

Công tác vệ sinh môi trường, cấp nước, thoát nước, giao thông... đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn cho người dân; nếp sống văn minh đô thị ngày càng rõ nét, chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao, năm 2021 thu nhập bình quân đầu người là 89,7 triệu đồng, đến nay đạt 99,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm còn 1,03%, tương đương 342 hộ, thấp nhất trong toàn tỉnh.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu... giúp thành phố có định hướng phát triển tốt hơn, công tác quản lý kiến trúc đô thị được quan tâm; hình thành được một số nền tảng để thực hiện thí điểm mô hình đô thị thông minh... góp phần làm cho đô thị thành phố khang trang, hệ thống hạ tầng thiết yếu được tập trung, từng bước tạo diện mạo mới cho sự phát triển của đô thị.

Quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững; đặc biệt, nghị quyết đã tác động đến nhận thức và ý thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân trong thành phố đã đẩy mạnh đoàn kết nhất trí đồng tâm hiệp lực xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy đã thúc đẩy sự phát triển xây dựng TPST trở thành đơn vị trung tâm thực thụ; đã tác động và định hướng cho phát triển đô thị của các đơn vị vệ tinh như: thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm, nhất là huyện Trần Đề trong tương lai. Định hướng của Tỉnh ủy đã gắn mục tiêu một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (đột phá về kết cấu hạ tầng) và đã cụ thể hóa bằng những dự án trọng điểm đã và đang triển khai thực hiện trong toàn tỉnh như: Tuyến đường trục phát triển kinh tế từ TPST qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa Sóc Trăng; Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây đi qua 4 đơn vị hành chính là: thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu; nâng cấp nhiều tuyến đường tại trung tâm các đô thị như: đoạn đường 939 qua thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú; đường Nguyễn Văn Linh - Quản lộ Phụng Hiệp - thị xã Ngã Năm; đoạn đường Chín Đô, huyện Long Phú; đường huyện 51, 55, huyện Mỹ Xuyên; Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật huyện Cù Lao Dung; đoạn đường 30/4 nối dài thị xã Vĩnh Châu; đường Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị; các tuyến đường 932, 932B, 933, 933B, 936, 938, 940... và đặc biệt là những dự án động lực chủ yếu cho sự phát triển của tỉnh mà Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất chủ trương cho triển khai thực hiện như: Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cầu Đại Ngãi, Cảng biển Trần Đề...

Với những kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân TPST rất phấn khởi; song trước yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới là rất lớn, Đảng bộ và nhân dân thành phố xác định trách nhiệm của mình là rất nặng nề, phải phấn đấu nhiều hơn nữa, tiếp tục đoàn kết, toàn tâm, toàn sức với quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU đề ra trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - UBND tỉnh và sự ủng hộ của các sở, ngành tỉnh. Trên tinh thần đó, Đảng bộ và nhân dân TPST tập trung và quyết tâm trong thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Thứ nhất là, tăng cường quán triệt văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực đô thị, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy gắn với Chương trình số 37-CTr/TU, ngày 5/4/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà nghị quyết đã đề ra theo từng giai đoạn.

Thứ hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế để hướng đến đô thị thông minh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Tập trung các nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị thành phố. Đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng chính quyền điện tử, Chính phủ số. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của đô thị thông minh. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân.

Thứ ba là, xây dựng TPST phát triển vững mạnh để hướng đến đô thị thông minh và đô thị loại I đến năm 2030 theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị; hoàn chỉnh hạ tầng tại các khu tái định cư trên địa bàn thành phố để phục vụ cho các dự án quan trọng như đường dẫn cao tốc Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai I, Vành đai II, các khu đô thị…; nghiên cứu điều chỉnh lại Chương trình phát triển đô thị TPST đến năm 2030; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố và điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố theo tiêu chí đô thị loại I để phát triển TPST với vai trò là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông, là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản, trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch, trung tâm du lịch văn hóa lịch sử (theo định hướng đề ra tại Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình số 37-CTr/TU, ngày 5/4/2023 của Tỉnh ủy Sóc Trăng).

Thứ tư là, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết các chế độ, chính sách nhà ở, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bảo đảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng, phù hợp cho người dân.

Thứ năm là, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 9/3/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: